Cấp bách gỡ bỏ “rào cản” gây khó doanh nghiệp
Trong khi dịch bệnh Covid-19 ảnh hưởng nặng nề đến hoạt động sản xuất kinh doanh, nhiều doanh nghiệp (DN) phản ánh vẫn bị các quy định, thủ tục làm khó... Theo các chuyên gia kinh tế, nếu những “rào cản” này không nhanh chóng được gỡ bỏ có thể ảnh hưởng đến sự tồn tại và phục hồi của DN.
Nhiều quy định, thủ tục làm khó doanh nghiệp
Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, trong đợt cao điểm của đại dịch Covid-19 tại TP.HCM và một số tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, nhiều lô nguyên liệu thủy sản nhập khẩu (NK) về Việt Nam đã ách tắc tại các cảng, trong khi DN không có nguyên liệu sản xuất. Nguyên nhân là Cơ quan Thú y Vùng VI (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) chỉ chấp nhận kiểm dịch các lô hàng thủy sản tại cảng, còn nếu mang hàng về kho của DN thì phải chờ đến hết dịch Covid-19 cán bộ thú y mới tới kiểm hàng. Đại diện VASEP cho rằng, điều này là bất khả thi cho sản xuất kinh doanh, gây khó khăn cho DN trong hoạt động xuất nhập khẩu.
Bên cạnh đó, theo VASEP, hàng loạt khó khăn, vướng mắc khác đối với DN thủy sản vẫn chưa được tháo gỡ như: bất cập trong việc đưa các sản phẩm chế biến từ động vật, sản phẩm động vật, thủy sản dùng làm thực phẩm vào danh mục kiểm dịch nhập khẩu theo Luật Thú y; hàng thủy sản đủ tiêu chuẩn xuất khẩu (XK) đi châu Âu nhưng không đủ tiêu chuẩn để tiêu thụ nội địa…
Hiệp hội Dệt may Việt Nam nêu bất cập trong quy định nộp thuế VAT đối với DN sử dụng vải trong nước để sản xuất hàng XK, bởi không tạo thuận lợi cho việc hình thành chuỗi liên kết giữa các DN dệt may trong nước, không khuyến khích sử dụng vải sản xuất trong nước cũng như không bình đẳng với vải NK để gia công XK.
Bên cạnh đó, chính sách thuế xuất nhập khẩu và thủ tục hải quan dù có cải thiện song vẫn còn gây khó cho DN. Theo phản ánh của DN, Nghị định 18/2021/NĐ-CP có hiệu lực từ tháng 4/2021 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 134/2016/NĐ-CP về biện pháp thi hành Luật Thuế XK, thuế NK nhằm tháo gỡ khó khăn cho DN. Tuy nhiên, có một số quy định bổ sung lại gây khó khăn hơn như quy định về áp thuế đối với hàng hóa XK, NK tại chỗ. Điển hình như việc hàng hóa của DN trong nước XK vào khu phi thuế quan và DN trong khu phi thuế quan đều phải nộp thuế; DN phải bố trí một lượng tiền lớn để nộp thuế trước, sau đó lại mất nhiều thời gian để hoàn thuế…
Ở lĩnh vực năng lượng, nhiều nhà thầu cho biết, chưa bao giờ các đơn vị xây lắp gặp nhiều khó khăn như lúc này do đơn giá, định mức đối với xây dựng các đường dây và trạm truyền tải điện đã lạc hậu, không còn phù hợp. Cùng với đó, việc đầu tư xây dựng các dự án nguồn điện mới cũng gặp không ít khó khăn do quy định pháp lý còn chồng chéo, thiếu thống nhất…
Quyết liệt xử lý, tháo gỡ
Theo bà Nguyễn Minh Thảo, Trưởng ban Nghiên cứu môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh thuộc Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), những vướng mắc mà DN nêu đã được nhận diện từ lâu. Các vướng mắc này liên quan đến 3 vấn đề: Quản lý chuyên ngành; điều kiện kinh doanh; chồng chéo, mâu thuẫn trong các quy định của pháp luật.
Theo bà Thảo, việc tháo gỡ các vướng mắc này thời gian qua chưa thực sự hiệu quả. Trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, hoạt động sản xuất, kinh doanh gặp nhiều khó khăn như hiện nay, nếu những quy định không phù hợp không được bãi bỏ thì có thể ảnh hưởng đến sự tồn tại của DN.
“Thời gian qua, chúng ta đẩy mạnh cải cách quản lý, kiểm tra chuyên ngành, song kết quả chưa được như mong đợi. Những điều kiện kinh doanh không phù hợp cơ bản đã được xóa bỏ, song vẫn còn những vấn đề liên quan đến thực thi tạo rào cản gia nhập ngành nghề. Cùng với đó, khó khăn, vướng mắc liên quan đến đầu tư do mâu thuẫn chồng chéo trong các quy định pháp lý dù đã được nhận diện nhưng chưa được xử lý hiệu quả”, bà Thảo nhìn nhận.
Từ thực trạng đó, chuyên gia này nhấn mạnh yêu cầu phải cấp thiết tạo sự chuyển biến mạnh mẽ hơn nữa về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh bằng việc xử lý ngay những vướng mắc, khó khăn cho DN. “Nếu 3 nút thắt này trong môi trường đầu tư kinh doanh không được giải quyết thì có thể ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế trong năm nay cũng như cả trung và dài hạn”, bà Thảo nói.
Về phía DN, VASEP đề nghị các cơ quan quản lý lắng nghe, thấu hiểu khó khăn của DN để có phương án quản lý phù hợp hỗ trợ người dân và DN duy trì và phát triển sản xuất kinh doanh.
Tại cuộc họp mới đây của Tổ công tác triển khai thực hiện Nghị quyết số 68/NQ-CP về Chương trình cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh giai đoạn 2020 - 2025, lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị các đơn vị rà soát ngay để loại bỏ hoặc đơn giản hóa các quy định liên quan đến hoạt động đầu tư, kinh doanh. Việc rà soát, cắt giảm, loại bỏ này phải bảo đảm không làm phát sinh tăng các thủ tục hành chính, chế độ báo cáo…
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận