Cao ốc 'dát vàng' gây chói mắt yêu cầu khắc phục nếu không sẽ phải tháo dỡ
Chủ đầu tư hai công trình cao ốc “dát vàng” gây chói mắt có thời hạn 60 ngày để bổ sung các thủ tục để điều chỉnh cho phần sai phạm, trong trường hợp không được cơ quan quản lý nhà nước chấp thuận, chủ đầu tư sẽ buộc phải tháo dỡ.
Liên quan đến 2 công trình cao ốc “dát vàng” gây chói mắt, ông Lê Văn Tuấn, Chánh thanh tra Sở Xây dựng TP Đà Nẵng cho biết, việc các chủ đầu tư tự ý lắp đặt kính màu thay thế kinh xanh không đúng theo phương án kiến trúc đã được UBND TP Đà Nẵng chấp thuận là vi phạm quy định của Thông tư số 15 ngày 30/6/2016 của Bộ Xây dựng và quy định về quản lý kiến trúc công trình trên địa bàn TP Đà Nẵng được ban hành kèm theo quyết định số 47 ngày 12/10/2012 của UBND TP Đà Nẵng.
Tòa cao ốc trên đường Như Nguyệt được "dát vàng" gây chói lóa.
Liên quan đến sai phạm này, ông Tuấn cho hay, sau khi UBND quận Hải Châu tiến hành xử phát, trong vòng 60 ngày các chủ đầu tư có quyền lập các thủ tục để xin được điều chỉnh giấy phép cho phần sai phạm. Cơ quan quản lý nhà nước có thể chấp thuận từng phần hoặc toàn phần. Trong trường hợp, hạng mục vi phạm không được cơ quan quản lý nhà nước chấp thuận thì chủ đầu tư buộc phải tiến hành tháo dỡ.
Trả lời câu hỏi việc các công trình quy mô lớn, nhưng chậm phát hiện sai phạm và xử lý ? Ông Tuấn cho hay, đây là những công trình lớn nhưng hiện nay đơn vị thi công sử dụng công nghệ mới nên thi công lắp ráp kính rất nhanh. Ngoài ra, việc các công trình này lắp đặt kính đúng vào thời điểm dịch COVID-19 bùng phát, nên khó khăn trong việc xử lý.
“Ngay sau Tết nguyên đán, Sở Xây dựng đã bắt tay vào việc liền. Tuy nhiên, do tháng 3, tháng 4 cao điểm tập trung phòng chống dịch COVID-19 nên việc mời chủ đầu tư làm việc rất khó khăn. Khi mời các chủ đầu tư làm việc, họ có các văn bản trình bày việc đang tập trung chống dịch, cũng như đi lại khó khăn ” ông Tuấn giải thích.
Trong khi đó, đại diện chủ đầu tư dự án cao ốc trên đường Như Nguyệt cho biết: Sau khi nắm được nội dung phản ánh, ngày 16/3 chủ đầu tư đã gửi mẫu thí nghiệm đến Trung tâm thí nghiệm thuộc Viện Khoa học công nghệ xây dựng (Bộ Xây dựng) để thí nghiệm các mẫu kính theo tiêu chuẩn hiện hành. Kết quả sản phẩm kính có các thông số kỹ thuật hợp với quy chuẩn và tiêu chuẩn hiện hành. Bộ tiêu chuẩn Việt Nam không quy định về giới hạn về độ phản quang ngoài VLR-out, nhưng ở một số nước láng giềng như Singapore, Hong Kong thì độ phản quang này không vượt quá 20%. Trong khi đó, bề mặt kính của dự án có độ phản quang ngoài là 19.52% không phải là kính có độ phản quang cao, được chấp nhận sử dụng lắp đặt bao che công trình, không ảnh hưởng đến công trình lân cận.
Chủ đầu tư dự án này cũng cho hay, đã làm việc và giải trình với Sở Xây dựng TP Đà Nẵng về vấn đề này. Hiện, chủ đầu tư đã thực hiện lắp tấm ốp vàng đục lỗ, dán film kính giảm độ phản quang, làm lam che nắng và đề xuất Sở Xây dựng cho phép trồng cây xanh lề đường nhằm hạn chế tối đa tình trạng phản quang của kính đối với một số vị trí bị ảnh hưởng.
Liên quan đến việc này, theo Chánh thanh tra Sở Xây dựng phương án sửa chữa, cải tạo phải mang tính tổng thể và liên quan đến nhiều vấn đề. Phải trên cơ sở đánh giá của các cơ quan chuyên môn mới có phương án hài hoà.
“Ngoài độ phản quang ảnh hưởng đến người dân xung quanh cũng như giao thông đi lại, phương án còn liên quan đến nhiều vấn đề như màu sắc, kiến trúc xung quanh... Phương án khắc phục công trình đòi hỏi phải có sự hài hoà” ông Tuấn cho biết.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận