Cạnh tranh trên thị trường trọng tài thương mại
Trọng tài là phương thức giải quyết tranh chấp có nhiều ưu điểm và góp phần vào công cuộc cải cách tư pháp, hội nhập quốc tế, giúp cải thiện môi trường pháp lý, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh nhưng cũng cần cẩn trọng với chất lượng của một số trung tâm trọng tài.
Điểm sáng 10 năm thực hiện Luật Trọng tài
Ngày 17/6/2020, Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) tổ chức hội thảo “Hành trình 10 năm Luật Trọng tài thương mại: Cơ hội và thách thức” tại Hà Nội trong khuôn khổ Tuần lễ Trọng tài và Hòa giải thương mại Việt Nam 2020 (VAW2020).
Trong thời gian 10 năm qua, pháp luật về trọng tài thương mại liên tục được hoàn thiện đã tạo điều kiện thuận lợi cho trọng tài thương mại nói riêng cũng như các phương thức giải quyết tranh chấp ngoài tòa án (ADR) nói chung phát triển.
Một số điểm sáng của thị trường trọng tài thương mại là nhận thức của doanh nghiệp về trọng tài thương mại được cải thiện, các luật sư tham gia nhiều hơn trong các vụ tranh chấp được giải quyết tại trọng tài.
Các trọng tài viên của Việt Nam đã và đang khẳng định được tên tuổi trên thế giới, được cộng đồng luật sư và doanh nghiệp quốc tế lựa chọn khi giải quyết tranh chấp tại các trung tâm trọng tài nước ngoài…
Thống kê cho thấy, từ chỗ chỉ có 7 trung tâm trọng tài thương mại trên cả nước, đến nay Việt Nam đã có 30 trung tâm trọng tài và 1 văn phòng đại diện của trung tâm trọng tài nước ngoài.
Từ lúc trọng tài thương mại còn quá lạ lẫm đến nay giải quyết tranh chấp bằng trọng tài đã trở thành phương thức được phần lớn doanh nghiệp chọn lựa. Số vụ tranh chấp tại trọng tài cũng có sự gia tăng đáng kể. Chỉ tính riêng số vụ tranh chấp đưa ra giải quyết tại VIAC là 274 vụ trong năm 2019, tăng gấp 4-5 lần so với năm 2010.
Có thể nói rằng, với đội ngũ trọng tài viên là những chuyên gia hàng đầu về xây dựng và pháp luật xây dựng tại Việt Nam, VIAC đã từng giải quyết nhiều vụ tranh chấp lớn với trị giá lên đến hàng trăm triệu USD. Những tranh chấp được giải quyết tại VIAC là những vụ có trị giá cũng như độ phức tạp cao nhất.
Chất lượng giải quyết tranh chấp ngày càng được cải thiện. Quy trình giải quyết tranh chấp ngày càng được cải tiến và hoàn thiện. Thời gian giải quyết tranh chấp được rút ngắn.
Khẳng định vai trò của trọng tài thương mại, bà Nguyễn Thị Mai, Phó Cục trưởng Cục Bổ trợ Tư pháp (Bộ Tư pháp) nhắc đến liên tục trong chuỗi các Nghị quyết số 01 và 02 của Chính phủ về cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh đã ban hành trong mấy năm qua. Các Nghị định trên đều nhắc đến “trọng tài thương mại” cho thấy chính sách nhất quán của Chính phủ về cải thiện môi trường kinh doanh và trọng tài thương mại.
“Hơn 10 năm trước chúng tôi nhận được những câu hỏi như trọng tài thương mại là gì, nhiều người còn nhầm lẫn trọng tài thương mại như trọng tài thể thao. Nhưng đến nay chúng tôi nhận được hàng triệu câu hỏi như: Nếu bây giờ muốn giải quyết tranh chấp bằng trọng tài thì nên chọn trung tâm nào và đưa vào hợp đồng kinh tế như thế nào… Hàng triệu, hàng ngàn câu hỏi về trọng tài cho thấy người dân đã nhận thức về trọng tài và sự tin dùng ở trọng tài”, bà Nguyễn Thị Mai, Phó Cục trưởng Cục Bổ trợ tư pháp (Bộ Tư pháp).
Hạn chế bắt đầu bộc lộ
Hoạt động trọng tài thương mại vừa giảm áp lực cho tòa án, tiết kiệm thời gian và chi phí giải quyết tranh chấp, đồng thời góp phần tăng sức hút đầu tư nước ngoài.
Hội thảo thống nhất với đánh giá việc gia tăng số lượng các trung tâm trọng tài và số vụ tranh chấp tìm đến trọng tài thay vì tòa án như trước đây gia tăng phản ánh phần nào độ phổ biến của phương thức giải quyết tranh chấp bằng trọng tài. Tuy nhiên, mặt trái của thị trường trọng tài bắt đầu bộc lộ.
“30 trung tâm trọng tài là con số mà nhiều nước mơ ước nhưng số liệu quan trọng hay chất lượng quyết định?”, Luật sư Nguyễn Mạnh Dũng, Giám đốc ADR Vietnam Chamber LLC nêu vấn đề.
Trong phần phát biểu của mình, bà Nguyễn Thị Mai đã nói con số 30 trung tâm trọng tài với sự cạnh tranh giữa 30 trọng tài này và chất lượng hoạt động khi có những trung tâm đến nay chưa giải quyết được vụ việc nào.
Thực tế là có một vài trọng tài viên thiếu kinh nghiệm thực tiễn giải quyết tranh chấp, thiếu kinh nghiệm kinh tế thị trường và hội nhập. Chất lượng hoạt động giữa các trung tâm cũng cần phải được xem xét và đảm bảo, nếu không sẽ ảnh hưởng chung đến hoạt động của các trung tâm trọng tài khác.
Bà Mai tin rằng các vụ tranh chấp tìm đến trọng tài sẽ gia tăng trong thời gian tới. Bà nói: “Ta đang đứng trước cơ hội tốt. Dù bị ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 nhưng kinh tế vẫn phát triển. Chúng ta lại ký nhiều hiệp định thương mại và xu hướng dịch chuyển làn sóng đầu tư sang Việt Nam đang gia tăng thì khả năng nảy sinh tranh chấp sẽ gia tăng, các vụ việc tìm đến trọng tài sẽ nhiều lên”.
Nhưng nếu phát triển nhiều tổ chức trọng tài mà trong đó có những nơi chất lượng không cao sẽ dẫn đến sự suy giảm niềm tin vào trọng tài thương mại nói chung, bà Mai nhắc nhở.
Bên cạnh đó, hệ thống pháp luật thì chằng chịt nhưng chưa rõ phương thức tranh chấp bằng trọng tài có thể giải quyết được không, ví dụ những vấn đế liên quan đến lao động, đất đai… Và còn lo ngại phán quyết trọng tài bị tòa án hủy không có căn cứ do nhận thức, do trình độ và năng lực của phía tòa án còn hạn chế sẽ tạo ra tiền lệ xấu cho các vụ án sau, làm suy giảm niềm tin vào trọng tài.
Hội thảo đề xuất Nhà nước cần có chính sách đối với tổ chức trọng tài trọng điểm để nâng cao năng lực giải quyết tranh chấp của các Trung tâm này, bồi dưỡng tập huấn kỹ năng cho các Trọng tài viên; thanh tra, kiểm tra kịp thời, giúp các trung tâm trọng tài tuân thủ đúng pháp luật, phát triển bền vững.
Đồng thời, Nhà nước có chương trình quảng bá trọng tài ở cấp độ quốc gia, tạo điều kiện để các trung tâm trọng tài được tham gia vào những chương trình quốc gia.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận