Cạnh tranh công nghệ Mỹ-Trung Quốc: Sự trỗi dậy của doanh nghiệp sản xuất chip Bắc Kinh và tham vọng tự cường bán dẫn
Cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung Quốc đã mang lại cho chính phủ Trung Quốc cơ hội giảm bớt sự phụ thuộc vào Mỹ về lĩnh vực công nghệ.
Sự trỗi dậy của doanh nghiệp sản xuất chip
Cứ mỗi tháng một lần, các giám đốc điều hành cấp cao của Yangtze Memory Technologies Co (YMTC) sẽ bay đến Bắc Kinh để tham dự một loạt các cuộc họp với các cơ quan quản lý kinh tế hàng đầu của Trung Quốc. Họ tập trung vào nỗ lực của công ty trong việc phát triển một số chip bộ nhớ máy tính tân tiến nhất thế giới.
Có trụ sở tại trung tâm thành phố Vũ Hán, YMTC được coi là doanh nghiệp tiên phong trong nỗ lực tạo ra ngành công nghiệp bán dẫn trong nước. YMTC đã sản xuất hàng loạt chip nhớ flash NAND 64 lớp và 128 lớp hiện đại, được sử dụng trong hầu hết các thiết bị điện tử từ điện thoại thông minh, máy chủ đến ô tô. Những điều này giúp YMTC có thể sánh ngang với những công ty lớn trong ngành như Micron Technology của Mỹ hay Samsung Electronics của Hàn Quốc.
Thiết bị được sử dụng để sản xuất chip máy tính cao cấp hầu hết được nhập khẩu tại Mỹ. Một số quy trình sản xuất và thiết kế chip như khắc, cấy ion, lắng đọng điện hóa, phần mềm thiết kế... đều nằm trong tay các công ty Mỹ.
Để sản xuất mà không cần dùng đến công nghệ của Mỹ là một thách thức lớn đối với doanh nghiệp mới hoạt động từ năm 2016 như YMTC và cũng thể hiện tham vọng lớn của Trung Quốc trong lĩnh vực phát triển ngành công nghiệp bán dẫn, đặc biệt là sau những chính sách trừng phạt kinh tế mà Mỹ áp dụng lên Trung Quốc.
Tuy nhiên, sự trỗi dậy chóng mặt của YMTC đã cho thấy sức mạnh của Trung Quốc trong ngành công nghiệp chip. Doanh nghiệp này bắt đầu hoạt động vào năm 2016 và trong vòng 4 năm đã sản xuất hàng loạt một số chip nhớ flash 3D NAND tiên tiến nhất trên thế giới. Chính quyền Bắc Kinh cũng nhận ra sự quan trọng của việc phát triển công nghiệp bán dẫn và nỗ lực hỗ trợ các công ty này.
Roger Sheng, một nhà phân tích chip tại công ty tư vấn Gartner cho biết: “Sự cạnh tranh về chip đang ngày càng gia tăng khi tất cả các nền kinh tế lớn, không chỉ riêng Trung Quốc, đã nhận ra tầm quan trọng của chất bán dẫn”.
Hiện tại, YMTC, vẫn nằm trong "tầm ngắm" của chính phủ Mỹ. Nhưng dưới sự hướng dẫn của chính quyền Bắc Kinh, họ đã tiến hành một đợt rà soát về chuỗi cung ứng, tìm kiếm các nhà cung cấp linh kiện tại địa phương, hoặc những nhà cung cấp không phải nước Mỹ, để dần loại bỏ sự phụ thuộc vào công nghệ của quốc gia này.
Có trụ sở tại thành phố Vũ Hán, nỗ lực của YMTC cũng không ngừng lại ngay cả khi virus SARS-CoV-2 gây đại dịch Covid-19 tàn phá vào mùa Xuân năm ngoái.
Theo các nguồn thạo tin, sau khi Vũ Hán mở cửa trở lại vào tháng 4/2021, YMTC đã huy động hàng trăm kỹ sư đóng quân bên trong khuôn viên sản xuất, làm việc ba ca mỗi ngày với mục đích đại tu tất cả các quy trình sản xuất và thay thế càng nhiều linh kiện nhập khẩu nước ngoài càng tốt.
Nỗ lực nội địa hóa sản xuất
Nỗ lực nội địa hóa sản xuất chip là cơ hội cho thế hệ những doanh nghiệp sản xuất chip mới của Trung Quốc như YMTC.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã nói trong phát biểu được công bố vào tháng 1/2021 rằng: “Chúng ta phải tăng cường tự đổi mới và tạo ra đột phá trong một số công nghệ cốt lõi càng sớm càng tốt”.
Theo Nikkei Asian, các kế hoạch nhằm chấm dứt sự phụ thuộc vào Mỹ đã được Trung Quốc thực hiện từ lâu và được nhà nước đầu tư ồ ạt, nhưng tiến độ vẫn diễn ra rất chậm.
Đơn cử như kế hoạch tự sản xuất chất bán dẫn có mục tiêu sẽ đạt 70% vào năm 2025. Nhưng trong tổng doanh thu năm 2020, các doanh nghiệp sản suất chất bán dẫn của Trung Quốc chỉ chiếm 5,9% doanh số bán hàng trong nước, trong khi các công ty nước ngoài có trụ sở chính tại Trung Quốc chiếm phần còn lại của doanh số bán hàng tại quốc gia này.
Theo Tạp chí Chứng khoán Trung Quốc, trong khi mối đe dọa về các biện pháp trừng phạt từ Mỹ luôn đeo bám thì nguồn viện trợ của nhà nước, với trợ cấp, đầu tư từ chính quyền địa phương và khu vực tư nhân đã lên tới ít nhất 170 tỷ USD kể từ năm 2014 đã giúp các doanh nghiệp sản xuất chip nỗ lực nội địa hóa sản xuất.
Ngoài ra, các đơn đặt hàng từ những gã khổng lồ công nghệ trong nước như Xiaomi, Oppo, Vivo và Lenovo cũng là lý do hoạt động sản xuất của những doanh nghiệp này được đảm bảo.
Trên thực tế, cuộc chiến thương mại với Mỹ và các biện pháp trừng phạt từ quốc gia này đối với "gã khổng lồ" công nghệ Huawei đã mang lại cho chính phủ Trung Quốc một cơ hội tách khỏi nền kinh tế lớn nhất thế giới - điều mà họ luôn mong muốn từ lâu.
Các lệnh trừng phạt của Mỹ có vẻ đã loại bỏ trở ngại chính của người tiêu dùng trong nước, những người luôn thích sử dụng chip từ các nhà cung cấp nước ngoài.
Nhà quản lý của một hãng sản xuất chip tại Trung Quốc nói với trang Nikkei Asian: “Trước đây, các nhà sản xuất chip trong nước chỉ sử dụng thiết bị sản xuất mà tất cả các nhà sản xuất chip hàng đầu thế giới như Samsung và Intel đều sử dụng trong dây chuyền sản xuất của họ. Ai lại muốn sử dụng và thử những sản phẩm mới mà không chắc chắn về chất lượng sản xuất?”
Tuy nhiên, khi các biện pháp trừng phạt từ Mỹ xuất hiện, các nhà sản xuất Trung Quốc lại cân nhắc các lựa chọn thay thế và các sản phẩm chip được sản xuất trong nước là một lựa chọn hợp lý.
Vị quản lý trên nhấn mạnh: "Điều đó cũng có nghĩa là doanh nghiệp trong nước đã thực sự có cơ hội để thử nghiệm và nâng cấp sản phẩm của mình - mục tiêu mà cả đất nước đang hướng tới".
Roger Sheng, chuyên gia phân tích chất bán dẫn tại công ty Research Gartner nhận thấy, căng thẳng Mỹ-Trung đã khẳng định quan điểm, cần phải nội địa hóa sản xuất. Giờ đây, cả nước đều đồng thuận rằng, xây dựng một ngành công nghiệp bán dẫn là khả thi và tăng cường khả năng tự lực là ưu tiên hàng đầu.
Mối liên kết chưa thể tách rời?
Bất chấp những nỗ lực đáng kể của Trung Quốc, không nhiều chuyên gia tin rằng, lĩnh vực chip quốc gia này sẽ hoàn toàn tách biệt khỏi Mỹ.
Hai nền kinh tế lớn nhất thế giới vẫn liên kết, phụ thuộc vào nhau và cũng là hai thị trường bán dẫn lớn. Theo báo cáo tháng 1 của Viện Brookings, các doanh nghiệp Trung Quốc chiếm ít nhất 25% doanh số của hầu hết các doanh nghiệp sản xuất chip của Mỹ và không phải ai cũng muốn tách hẳn khỏi thị trường này.
Chuyên gia Chad Bown tại Viện Kinh tế Quốc tế Peterson cho hay, cách tiếp cận của Chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đối với Trung Quốc vẫn chưa rõ ràng. Một mặt, Mỹ hy vọng Trung Quốc sẽ mua nhiều chip hơn như đã hứa trong các cuộc đàm phán thương mại gần đây nhưng cũng tiếp tục hạn chế Trung Quốc sử dụng các công nghệ của Mỹ.
Kể từ năm 2018 cho đến nay, tổng cộng có 162 thực thể Trung Quốc đã bị Chính quyền Tổng thống Trump trừng phạt. Tháng 4/2021, Bộ Thương mại Mỹ cũng đã bổ sung thêm 7 thực thể "siêu máy tính" Trung Quốc vào danh sách đen kinh tế, nhằm hạn chế các doanh nghiệp này sử dụng công nghệ của Mỹ.
Thực tế, vẫn khó có thể tách rời hoàn toàn nguồn cung bán dẫn, liên quan đến hàng nghìn nhà cung cấp từ khắp nơi trên thế giới và đã gắn bó chặt chẽ với nhau trong nhiều thập kỷ. Trung Quốc có thể cố gắng giảm bớt sự phụ thuộc vào Mỹ, nhưng nếu không có các nguồn công nghệ của Mỹ, họ khó có thể tăng tốc tiến bộ công nghệ của mình.
Nhưng Miin Wu, người sáng lập và chủ tịch của Macronix International, nhà sản xuất chip nhớ hàng đầu tại Đài Loan (Trung Quốc) phục vụ Apple, Sony và Nintendo nhấn mạnh: “Trong ngắn hạn, do những bất ổn địa chính trị, sự phát triển công nghệ của Trung Quốc có thể bị chậm lại. Tuy nhiên, về lâu dài, Trung Quốc chắc chắn sẽ hy vọng xây dựng một ngành công nghiệp chất bán dẫn cạnh tranh".
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận