Cạnh tranh chip, lithium giữa Trung Quốc - Mỹ cùng đồng minh
Những ngày gần đây, thế giới chứng kiến sự gia tăng cạnh tranh giữa Mỹ cùng các đồng minh và Trung Quốc trong lĩnh vực khai thác, chế biến lithium, sản xuất bán dẫn, đặc biệt là chip đời mới.
TSMC của Đài Loan (Trung Quốc), nhà sản xuất chip lớn nhất thế giới, đang và sẽ xây thêm nhiều nhà máy ở nước ngoài, trong đó có Mỹ và đồng minh, đối tác của Mỹ. Ngày 9/11, báo Mỹ Wall Street Journal đưa tin, TSMC (cung cấp 90% lượng chip trên toàn thế giới) sẽ sớm thông báo về việc sắp xây nhà máy chip thứ 2 ở bang Arizona của Mỹ (nhà máy thứ nhất ở bang này đã hoàn tất hồi mùa hè). Vốn đầu tư là 12 tỷ USD, và nhà máy sẽ sản xuất loại chip siêu nhỏ siêu mỏng (3nm).
Nhà máy chip trước đó của TSMC ở Mỹ, nhà máy WaferTech ở bang Washington, sản xuất chip cỡ lớn hơn nhiều và dùng công nghệ cũ. Ngày 8/11, TSMC thông báo sẽ đầu tư hơn 10 triệu euro để xây dựng nhà máy sản xuất chip ở Lít-va, Reuters đưa tin.
Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck nói rằng, ngành công nghiệp bán dẫn ở châu Âu cần phải bảo đảm “chủ quyền công nghệ và kinh tế” của mình, DW đưa tin.
Đầu tháng 10, Mỹ cấm các công ty Trung Quốc mua chip mới và thiết bị sản xuất chip từ Mỹ để bảo vệ an ninh quốc gia và thúc đẩy ngành bán dẫn Mỹ phát triển. Theo giới quan sát, lệnh cấm này có tác động rất lớn đến sự phát triển của Trung Quốc, không chỉ trong khoa học công nghệ mà còn nhiều lĩnh vực khác vì chip được sử dụng rộng rãi trong nhiều lĩnh vực cả quân sự và dân sự.
Lệnh cấm không chỉ áp dụng ở Mỹ mà còn với nhiều nước khác trên thế giới vì Mỹ cấm xuất khẩu chip sử dụng công nghệ Mỹ (các loại chip tiên tiến thường sử dụng công nghệ Mỹ). Ví dụ, TSMC đã ngừng sản xuất silicon đời mới cho công ty Biren Technology của Trung Quốc. Không chỉ cấm xuất khẩu chip thành phẩm, Mỹ còn cấm xuất khẩu các công cụ dùng để sản xuất ra chip. Vì vậy, Trung Quốc sẽ không chỉ thiếu chip trước mắt mà cả lâu dài vì sẽ phải mất nhiều thời gian (khoảng chục năm) mới có thể tự chế tạo thiết bị sản xuất chip, nhiều chuyên gia bán dẫn nhận định.
Trung Quốc đang thúc đẩy phát triển ngành bán dẫn Ảnh: Caixin Global |
Sau lệnh cấm mới nhất của Mỹ (trước đó Mỹ thông qua đạo luật CHIPS và Khoa học 2022 thúc đẩy sản xuất bán dẫn và xúc tiến thành lập liên minh Chip 4 gồm Mỹ, Đài Loan, Hàn Quốc và Nhật Bản), một số đồng minh, đối tác của Mỹ như Đức, Canada… đã có những động thái tương tự.
Đầu tháng 11, Bộ Kinh tế Đức tuyên bố cấm hãng sản xuất bán dẫn Elmos Semiconductor (chuyên sản xuất chip cho ngành ô tô) bán nhà máy của mình ở thành phố Dortmund cho Silex (có vốn đầu tư của Trung Quốc). Silex (trụ sở ở Thụy Điển) là công ty con của tập đoàn bán dẫn Sai Microelectronics của Trung Quốc. “Nếu việc thu mua diễn ra thì nó sẽ gây hại cho trật tự công cộng và sự an toàn của nước Đức”, Bộ Kinh tế tuyên bố.
Canada hạn chế Trung Quốc đầu tư khai thác lithium
Ngày 2/11, Canada yêu cầu 3 doanh nghiệp Trung Quốc đang có cổ phần trong các công ty khai thác lithium ở Canada thoái vốn với lý do để bảo đảm an ninh quốc gia, Bloomberg đưa tin. Ba doanh nghiệp Trung Quốc là Sinomine (Hong Kong) Rare Metals Resources, Chengze Lithium International (đều ở Hong Kong) và Zangge Mining Investment (ở Thành Đô, Trung Quốc). Vài ngày trước đó, chính phủ Canada công bố chính sách đầu tư trong ngành khai khoáng theo hướng hạn chế sự tham gia của các doanh nghiệp nước ngoài thuộc sở hữu nhà nước, đặc biệt là từ Trung Quốc, trong lĩnh vực khai thác, chế biến các kim loại có tầm quan trọng trong nhiều ngành như lithium, cobalt, đất hiếm…
Tháng 6, Mỹ, Úc, Canada, Nhật Bản, Hàn Quốc và nhiều nước châu Âu thiết lập Đối tác An ninh Khoáng sản để đảm bảo nguồn cung cấp khoáng sản quan trọng không phải của Trung Quốc, bao gồm lithium. “Chúng ta phải cạnh tranh với Trung Quốc và trên thế giới, đồng thời sản xuất chúng tại Mỹ, không cần phải nhập khẩu chúng”, Tổng thống Mỹ Joe Biden nói.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận