menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Trần Thanh Hải

Cạnh tranh bằng giảm phát thải

"Ôi! Nước đến chân rồi mà các doanh nghiệp chưa biết mà nhảy. Em lo quá anh ơi!"

Lâu lắm mới gặp lại, chưa kịp hỏi han gì mà Phúc, chuyên gia của Forest Trends đã bật kêu lên với tôi như vậy.

Điều lo lắng mà Phúc đang nói tới, cũng là chủ đề mà tôi muốn gặp để trao đổi, là thuế các-bon và các quy định mới về chống mất rừng và suy thoái rừng mà EU sẽ áp dụng trong thời gian tới đây đối với các sản phẩm nhập khẩu vào thị trường này. Đằng sau đó là câu chuyện về net zero, về trung hòa phát thải.

Câu chuyện về thương mại và môi trường không hề mới, nhưng những bàn thảo mấy chục năm nay ở các diễn đàn trên thế giới vẫn chỉ dừng ở bàn thảo, không có tác động đáng kể với hoạt động thương mại. Chính vì vậy, việc EU ban hành đạo luật mới về thuế các-bon nói riêng và về chống biến đổi khí hậu nói chung như một tiếng sấm, làm rung chuyển các quốc gia có nền kinh tế dựa vào xuất khẩu như Việt Nam.

Đạo luật mới của EU, có tên chính thức là Cơ chế Điều chỉnh Các-bon Biên giới (Carbon Border Adjustment Mechanism - CBAM) quy định trực tiếp về vấn đề thuế carbon sẽ được áp dụng đối với nhóm các mặt hàng có hàm lượng phát thải cao. Quy định mới của EU về chống mất rừng và suy thoái rừng (EU Deforestation-free Regulation - EUDR) áp dụng đối với một số nhóm các mặt hàng nông - lâm nghiệp.

Tại sao lại là các-bon?

Câu chuyện ở chỗ các-bon là đại diện cho khí các-bô-níc CO2, hay các-bon đi-ô-xít, một trong những loại khí nhà kính phổ biến. Ngoài CO2 còn có một số loại khí như mê-tan (CH4), ô-xít ni-tơ (N2O)… Các loại khí nhà kính là loại khí gây nên hiệu ứng ấm lên toàn cầu, từ đó gây ra những biến đổi về mặt khí hậu, ảnh hưởng đến cuộc sống con người và các hệ sinh thái động, thực vật khác. Trong vòng 200 năm qua, con người đã làm tăng hàm lượng CO2 trong khí quyển thêm 50%. Điều này tác động tiêu cực trực tiếp đến con người và các hệ sinh thái.

CƠ CHẾ CBAM CỦA EU

Đối với CBAM, lập luận của EU để đưa ra cơ chế này là ở chỗ, khi EU đánh thuế các sản phẩm có hàm lượng phát thải cao được sản xuất từ châu lục này thì có thể dẫn đến các doanh nghiệp EU dịch chuyển các hoạt động sản xuất của mình ra nước ngoài, hoặc nhập khẩu các sản phẩm này từ nước ngoài, thường là những nước có chính sách về khí hậu kém nghiêm ngặt hơn EU nhằm giảm chi phí. Sau đó các doanh nghiệp này đem sản phẩm xuất khẩu vào EU. Điều này sẽ đem lại lợi thế chi phí nhất định cho các doanh nghiệp, do vậy tạo nên sự cạnh tranh không bình đẳng với sản phẩm cùng loại sản xuất ở EU. Vì thế, EU cho rằng CBAM sẽ tránh được tình trạng “rò rỉ” các-bon, lập lại công bằng giữa sản phẩm nhập khẩu với sản phẩm nội địa, qua đó cũng khuyến khích các nước xuất khẩu sang EU quan tâm hơn đến vấn đề môi trường, biến đổi khí hậu.

Tại Việt Nam, trước khi Thủ tướng Chính phủ đưa ra cam kết tại Hội nghị COP26 về trung hòa phát thải (net zero) vào năm 2050, có lẽ cũng chưa nhiều người ý thức nhiều về câu chuyện này.

- Một số người cứ nói Việt Nam đặt mục tiêu giảm phát thải bằng 0. Đó là cách nói hoàn toàn sai - Phúc nói. "Một quốc gia không thể không phát thải, giống như con người tồn tại thì phải thở, phải thải ra khí các-bô-níc. Vấn đề ở đây là giảm phát thải nhằm tránh đầu độc bầu khí quyển, phát thải một cách có trách nhiệm. Trách nhiệm chính là việc phải có những hành động bù đắp để hấp thụ bớt lượng khí nhà kính đưa ra môi trường".

Chợt nhớ hôm đến thăm cảng Gemalink, vị Giám đốc điều hành cảng say sưa nói về dự án trồng rừng ngập mặn. Có lẽ từ giờ trở đi, một bài trình bày, giới thiệu về doanh nghiệp mà không có chữ "xanh" thì chưa thể coi là một bài trình bày đầy đủ.

Như vậy, trong nhiều yếu tố để tạo nên khác biệt, đem lại lợi thế cạnh tranh cho doanh nghiệp thì giảm phát thải là một yếu tố mới xuất hiện. Doanh nghiệp nào có nhận thức nhanh nhậy, nắm bắt và có biện pháp chuyển đổi, thích ứng với vấn đề này sẽ có lợi thế cao hơn.

"Đơn giản là vì nếu anh không phải là doanh nghiệp xanh, anh sẽ không được khách hàng lựa chọn, và bị loại ra khỏi chuỗi cung ứng", Phúc khẳng định.

Cách đây không lâu, một doanh nghiệp dệt may nói với tôi rằng, trước đây chúng ta tự hào ngành dệt may đi trước các nước như Bangladesh, Campuchia. Nhưng bây giờ các nước đó đã đi trước chúng ta trong chuyển đổi xanh. Khi đơn hàng giảm đi, khách hàng sẽ lựa chọn những doanh nghiệp nào đáp ứng được yêu cầu của họ cao nhất, trong đó có yêu cầu về giảm phát thải. Do vậy, đơn hàng đã giảm vì nhu cầu đi xuống, lại còn bị mất vào tay các nước đối thủ.

CBAM SẼ TÁC ĐỘNG NHƯ THẾ NÀO?

CBAM sẽ bắt đầu áp dụng từ ngày 1/10/2023 (tức là chỉ còn hơn 4 tháng nữa!). Đây là thời điểm bắt đầu giai đoạn quá độ, các doanh nghiệp nhập khẩu phải thực hiện khai báo mức độ phát thải với 6 nhóm sản phẩm, bao gồm nhôm, sắt thép, phân bón, xi măng, điện và hydrogen. Tuy nhiên các doanh nghiệp nhập khẩu các nhóm mặt hàng này vào EU chưa phải trả thêm chi phí trong giai đoạn này cho tới năm 2016.

Từ ngày 01/01/2026, CBAM chính thức có hiệu lực. Các doanh nghiệp nhập khẩu vào EU sẽ phải khai báo số lượng hàng hóa nhập khẩu và lượng phát thải trong các hàng hóa đó. Doanh nghiệp nhập khẩu sẽ phải xuất trình giấy chứng nhận CBAM tương ứng với lượng phát thải mới được đem hàng vào EU. Giấy chứng nhận CBAM này phải mua, giá bán giấy chứng nhận này thay đổi mỗi tuần dựa theo giá đấu giá giấy phép ETS của EU.

Thuế các-bon là một cách nói hình tượng. Bản chất CBAM không phải là thuế, nhưng tạo ra thêm chi phí để khuyến khích hay buộc doanh nghiệp phải thay đổi công nghệ sản xuất, giảm phát thải.

QUY ĐỊNH MỚI CỦA EU VỀ CHỐNG MẤT RỪNG VÀ SUY THOÁI RỪNG (EUDR)

EU cũng chuẩn bị ban hành Quy định về Chống mất rừng và suy thoái rừng (EUDR) trong đó cấm một số nhóm mặt hàng nông - lâm nghiệp có liên quan tới mất rừng được nhập khẩu vào thị trường này. Lý do EU đưa ra là bởi mất rừng là nguyên nhân trực tiếp gây ra biến đổi khí hậu.

Hỏi han thêm về công việc, tôi được biết Phúc đang đi thông tin, tuyên truyền về tác động của EUDR đối với các nhóm mặt hàng gỗ, cà-phê và cao su của Việt Nam.

- Có phải ý em nói là gỗ và cà-phê cũng sẽ bị EU kiểm soát chặt chẽ trong tương lai do lo ngại về biến đổi khí hậu? Anh tưởng các ngành nông nghiệp là những ngành ít phát thải, và còn hấp thụ các-bô-níc, tái tạo ra ô-xy chứ!

- Sản xuất nông nghiệp cũng là những ngành tiêu thụ nhiều vật tư, và để sản xuất ra những vật tư ấy thì đều phải tiêu tốn năng lượng, phải phát thải. Điển hình là phân bón, một sản phẩm có mức tiêu thụ năng lượng khá cao. Ngoài ra, ở một số quốc gia, nhiều diện tích rừng tự nhiên đã bị chuyển đổi sang đất trồng trọt để sản xuất các cây hàng hóa. Điều này là nguyên nhân trực tiếp dẫn đế mất rừng và suy thoái rừng.

Nhóm các mặt hàng hiện đang nằm trong sự quản lý của EUDR bao gồm gỗ, cà phê, cao cao, dầu cọ, thịt bò, đậu tương và cao su và các sản phẩm được chế biến từ các nhóm này.

Thì ra là vậy, đằng sau mỗi một sản phẩm, cho dù là hạt cà-phê, cao su, gỗ đều là một sự "đóng góp" vào việc phát thải ra môi trường. Thảo nào, EU họ dùng từ "footprint" (dấu chân, dấu vết) là cũng có lý. Chúng ta không nhìn thấy ngay việc phát thải khi cầm trên tay một sản phẩm, nhưng nếu lần lại quá trình sản xuất ra sản phẩm đó thì sẽ rõ sản phẩm đó có thân thiện với môi trường hay không.

Một sản phẩm có dấu vết tiêu tốn nhiều năng lượng, phát thải nhiều các-bon sẽ bị EU đánh thuế, làm giảm tính cạnh tranh. Một sản phẩm mà quá trình sản xuất làm mất rừng và suy thoái rừng cũng là sản phẩm được coi là gây ra các tác động tiêu cực tới khí hậu và bị EU hạn chế nhập khẩu.

Cuối cùng đều là quy ra việc sử dụng năng lượng, phát thải ra môi trường hoặc quá trình sản xuất gây ra tác động tiêu cực tới khí hậu. Một doanh nghiệp có thể không giảm được việc sử dụng năng lượng, nhưng lựa chọn nguồn năng lượng để tiêu thụ là điều có thể làm được. Ví dụ, thay vì sử dụng điện phát bằng việc đốt than thì sử dụng điện mặt trời, điện gió.

GIẢM PHÁT THẢI ĐỂ CẠNH TRANH

Thậm chí, đến các tòa nhà văn phòng bây giờ cũng được cấp giấy chứng nhận xanh, và coi đây là một tiêu chí cạnh tranh trong mời gọi các khách hàng. Những doanh nghiệp đa quốc gia thường sẽ lựa chọn những tòa nhà như vậy để đặt văn phòng. Việt Nam mới có 230 công trình được gọi là xanh, trong đó bao gồm cả nhà máy, khu nghỉ dưỡng, trường học, ...

Trong lĩnh vực logistics, Tổ chức Hàng hải quốc tế (IMO) cũng đưa ra các yêu cầu về giảm phát thải khí nhà kính trong sử dụng nhiên liệu. Điều này đòi hỏi các hãng tàu phải đổi mới đội tàu, đổi mới công nghệ để sử dụng các loại nhiên liệu phát thải ít hơn.

Sản xuất các mặt hàng nông - lâm sản nếu không làm tổn hại đến nguồn tài nguyên rừng thì sẽ có lợi thế cạnh tranh hơn trong xuất khẩu, được đón nhận tốt hơn tại các thị trường lớn.

Xu hướng tất yếu hiện nay, đặc biệt là tại các thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam như EU, Bắc Mỹ và các thị trường Đông Bắc Á là các quy định về biến đổi khí hậu ngày càng chặt chẽ. Chính phủ Hoa Kỳ và Canada hiện đang cân nhắc các cơ chế tương tự như CBAM và EUDR của EU. EU cũng nêu rõ các nhóm mặt hàng nằm trong CBAM và EUDR sẽ được mở rộng trong tương lai.

Việt Nam đang trong quá trình chuyển đổi cơ cấu năng lượng, dừng đầu tư và giảm dần điện than, nâng tỷ trọng điện tái tạo. Việc ban hành Quy hoạch Điện VIII vừa qua cũng thể hiện một cam kết mạnh mẽ của Việt Nam trong chuyển đổi cơ cấu năng lượng. Tuy nhiên, mọi thứ cũng không dễ dàng. Điện mặt trời và điện gió là nguồn năng lượng sạch, nhưng phụ thuộc nhiều vào thiên nhiên, thời tiết nên không có tính ổn định, không thể là nguồn điện chủ yếu mà chỉ là nguồn bổ sung. Trong khi đó, điện hạt nhân đã được rút ra khỏi phạm vi xem xét.

Bất luận thế nào, Việt Nam cũng cần phải đạt các mục tiêu giảm phát thải để duy trì cạnh tranh quốc gia và quốc tế. Đó là điều Phúc khẳng định với tôi, trước khi chia tay nhau trong một chiều nắng đổ lửa. Biến đổi khí hậu đang ở ngay ngưỡng cửa mỗi nhà.

Cạnh tranh bằng giảm phát thải
Cạnh tranh bằng giảm phát thải
Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Trần Thanh Hải

Bấm theo dõi để nhận thêm nội dung bổ ích từ chuyên gia này.

Tìm hiểu thêm về chuyên gia.

Hãy chọn VIP/PRO hàng đầu để nhận kho bài viết chuyên sâu

Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - App Tài chính, Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại