24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Dương Mạnh
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Cạnh tranh ảnh hưởng Mỹ-Trung tại Đông Nam Á

Tác giả Hoàng Thị Hà từ Viện nghiên cứu ISEAS - Yusof Ishak có bài viết nhận định về cạnh tranh ảnh hưởng Mỹ-Trung Quốc tại Đông Nam Á.

Trung Quốc đang làm tốt hơn và nhiều hơn Mỹ trong cuộc cạnh tranh ảnh hưởng tại Đông Nam Á, dù chính quyền của Tổng thống Joe Biden giành được nhiều thiện chí của các nước trong khu vực.

Hai cuốn sách xuất bản gần đây là “Dưới bóng con rồng: Đông Nam Á trong kỷ nguyên Trung Quốc” của tác giả Sebastian Strangio và “Dưới cái bóng của Bắc Kinh: Thách thức từ Trung Quốc đối với Đông Nam Á” của tác giả Murray Hiebert có điểm tương đồng nổi bật về Trung Quốc và Đông Nam Á.

“Cái bóng” là phép ẩn dụ, nhưng cũng là một thực tế khách quan của việc Trung Quốc đang án ngữ trước ngưỡng cửa Đông Nam Á.

Sự gần gũi về mặt địa lý, cùng với mối quan hệ văn hóa-lịch sử và trọng tâm là kinh tế của Trung Quốc đã trở thành cơ sở cho Bắc Kinh đề ra tầm nhìn về một “Cộng đồng cùng chung vận mệnh” với Đông Nam Á - một trật tự khu vực có thứ bậc, trong đó Bắc Kinh cho rằng, các quốc gia nhỏ hơn phải chấp nhận vai trò lãnh đạo và vị trí trung tâm của nước này như một lẽ tự nhiên.

Từ bên kia Thái Bình Dương, kể từ khi Thế chiến 2 kết thúc, Mỹ đã tìm cách thách thức “sự chuyên chế về địa lý” này bằng cách xây dựng sức mạnh thông qua ảnh hưởng kinh tế, hiện diện quân sự và tính toán chiến lược bền vững nhằm xác định tương lai của Mỹ gắn liền với tương lai của châu Á-Thái Bình Dương (hoặc Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương).

Cách đây một thập kỷ, Ngoại trưởng Mỹ khi đó là bà Hillary Clinton đã báo hiệu sự "xoay trục" sang châu Á của chính quyền Tổng thống Obama khi tuyên bố rằng: “Mỹ là một cường quốc thường trực ở châu Á - không chỉ là một cường quốc ngoại giao hay quân sự, mà còn là một cường quốc kinh tế. Và chúng tôi sẽ tiếp tục hiện diện tại đây”.

Trong bối cảnh chính quyền của Tổng thống Biden sẽ thiết lập chính xác “Xoay trục sang châu Á phiên bản 2.0” của riêng mình, định hướng chiến lược này sẽ tiếp tục được thúc đẩy và gia tăng sức mạnh với việc Mỹ xem xét Trung Quốc như đối thủ cạnh tranh chiến lược đáng gờm nhất.

Mắt xích yếu

Dù được coi như một chiến trường quan trọng trong cuộc cạnh tranh quyền lực Mỹ-Trung và sự ủng hộ hùng hồn của Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đối với “vai trò chủ chốt của tính trung tâm của ASEAN ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương”, Đông Nam Á vẫn chỉ là một mắt xích yếu trong chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương đang hình thành của chính quyền Tổng thống Biden.

Vì thế, cho tới nay ông Biden mới chỉ thể hiện một chút cấp bách trong việc để Đông Nam Á cảm thấy rằng “Mỹ đang trở lại”. Các vị trí Đại sứ Mỹ tại Singapore và ASEAN vẫn bị bỏ trống kể từ tháng 1/2017, trong khi nhân sự Đại sứ mới cho Thái Lan và Indonesia vẫn chưa được công bố.

Tổng thống Joe Biden đã tham dự Hội nghị Thượng đỉnh Bộ tứ trực tuyến, tiếp Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide tại Nhà Trắng và điện đàm với các nhà lãnh đạo Nhật Bản, Australia, Hàn Quốc và Ấn Độ. Tuy nhiên, tới nay ông Biden chưa có bất kỳ cuộc điện thoại nào với các nhà lãnh đạo Đông Nam Á.

Tương tự như vậy, ông Blinken và Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin có chuyến công du nước ngoài đầu tiên đến Seoul và Tokyo, nhưng lại bỏ qua Đông Nam Á.

Nếu có chăng thì tại Đối thoại Shangri-La 2021 ở Singapore, ông Austin dự kiến sẽ có bài phát biểu về chiến lược của Mỹ đối với khu vực. Tuy nhiên, hội nghị này đã bị hủy bỏ vào phút chót vì đại dịch Covid-19.

Địa lý có vai trò trong tam giác Trung Quốc-Mỹ-Đông Nam Á bởi yếu tố này xác định ưu tiên của hai cường quốc đối với khu vực.

Cựu quan chức ngoại giao Singapore Bilahari Kausikan đánh giá, sự hiện diện của Mỹ tại khu vực không phải chỉ là địa lý, mà còn là “kết quả của sự tính toán địa chính trị”.

Do đó, “quyền lực hiện diện” của Mỹ đòi hỏi sự quan tâm, cam kết và đầu tư bền vững của Washington.

Với Trung Quốc, sự hiện diện của nước này tại khu vực là một vấn đề thực tế, là ưu tiên hàng đầu trong văn hóa chiến lược đưa ảnh hưởng của Trung Quốc ra thế giới bên ngoài thông qua các vòng tròn đồng tâm, trong đó Đông Nam Á là khu vực gần tâm nhất.

Hơn nữa, khi sự tiếp nhận và nhận thức về ảnh hưởng của Trung Quốc đã xấu đi ở khắp các nước phương Tây, Bắc Kinh đã gia tăng hướng tới các quốc gia Đông Nam Á, nơi trở thành mục tiêu chính của chiến dịch “tấn công quyến rũ” từ Trung Quốc.

Bộ trưởng Ngoại giao và Quốc phòng Trung Quốc đã có nhiều cuộc hội đàm ngoại giao trực tiếp với các đối tác Đông Nam Á trong năm qua.

Trong thời gian dịch Covid-19, việc bay tới các nước tham dự các cuộc gặp trực tiếp càng có nhiều ý nghĩa hơn. Điều này thể hiện cam kết và đầu tư kiên trì vào việc xây dựng mối quan hệ, bất chấp mọi rào cản hiện hữu từ những hạn chế do đại dịch gây ra.

Kể từ tháng 10/2020, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị đã đến thăm hầu hết các nước ASEAN. Tháng 4, ông có các cuộc gặp song phương với Bộ trưởng Ngoại giao các nước Singapore, Indonesia, Philippines và Malaysia tại Phúc Kiến, Trung Quốc.

Khi các Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc và ASEAN gặp lại nhau tại Trùng Khánh vào tháng 6/2021, Bộ trưởng Ngoại giao các nước ASEAN huy động sự ủng hộ của Trung Quốc trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng Myanmar, trong khi Trung Quốc thúc đẩy việc nâng tầm quan hệ ASEAN-Trung Quốc.

Vị trí thứ cấp

Nếu cuộc cạnh tranh ảnh hưởng giữa Mỹ và Trung Quốc tại Đông Nam Á là một cuộc đua marathon kể từ ngày ông Biden nhậm chức, thì Bắc Kinh đã có một khởi đầu thuận lợi ngay trong chặng đầu tiên.

Tháng 6/2021, Bộ trưởng Ngoại giao các nước Đông Nam Á bay đến Trùng Khánh để dự hội nghị đặc biệt ASEAN-Trung Quốc với ông Vương Nghị.

Trong khi đó, ngày 25/5, ông Blinken đã không thể tham dự hội nghị đặc biệt Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN-Mỹ trực tuyến do chính Washington đề xuất vì sự cố liên lạc trên máy bay khi ông trên đường đến Trung Đông.

Dù thất vọng nhưng cũng không nên quá ngạc nhiên. Trước đây đã có những sự việc tương tự với những người tiền nhiệm của ông Blinken.

Ông Warren Christopher (1994) và bà Condoleezza Rice hai lần (2005 và 2007) đã không tham dự các cuộc họp với ASEAN hàng năm vì bận tham gia vào các vấn đề cấp bách của Trung Đông.

Ông James Baker (1992), bà Madeleine Albright (1998), bà Hilary Clinton (2009) và ông Mike Pompeo (2018) đã không tháp tùng các Tổng thống Mỹ tới các Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN vì lý do tương tự.

Quyết định của ông Biden về việc rút số lính Mỹ còn lại khỏi Afghanistan cho thấy quyết tâm của Washington trong việc xoay chuyển từ cuộc chiến chống khủng bố sang cuộc cạnh tranh có hệ thống với Trung Quốc, đặc biệt là ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

Tuy nhiên, như đã từng xảy ra với chiến lược xoay trục sang châu Á 1.0 của cựu Tổng thống Barack Obama, sức hút từ Trung Đông là điều không thể cưỡng lại.

Nói cách khác, không phải siêu cường toàn cầu thỉnh thoảng bị phân tâm, mà là một lời nhắc nhở về vị trí thứ cấp lâu đời của Đông Nam Á trong chương trình nghị sự chính sách đối ngoại của Mỹ.

Tuy vậy, cựu quan chức ngoại giao Singapore, ông Bilahari Kausikan nhận thấy mặt tích cực của điều này: "Đó không hẳn là một điều xấu. Điều đó có nghĩa là các vấn đề của chúng tôi không quá tệ như ở các khu vực khác".

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả