Cảnh ngập nước tại nơi có hầm chống ngập hơn 24 tỷ đồng ở Hà Nội
Được đầu tư hơn 24 tỷ đồng, hầm chống ngập đầu tiên của thành phố trên đường Nguyễn Khuyến, quận Đống Đa vẫn không thể chống đỡ cho tuyến đường sau trận mưa đêm 13/6.
Ghi nhận của PV Dân Việt đêm 13/6, sau trận mưa lớn kéo dài hơn một giờ, đường Nguyễn Khuyến ngập một đoạn dài 300m, mức độ ngập từ 0,5m đến 0,7m.
Đặc biệt, đoạn trường THCS Lý Thường Kiệt, nơi đặt bể ngầm chống ngập, nước dâng lên gần 1m. Nhiều ô tô, xe máy bị chết máy khi lưu thông qua đây.
Đưa vào vận hành từ cuối năm 2021, với mục tiêu chống ngập cho khu vực song công trình này chưa đạt được hiệu quả như kỳ vọng.
"Mực nước ngập chỉ giảm đôi chút, tôi đã chuẩn bị đắp bờ nhưng nước vẫn tràn khắp nhà. Mỗi lần ô tô đi qua, sóng nước tung tóe", anh Vũ Văn Vinh, 45 tuổi, một người dân sống ở mặt đường Nguyễn Khuyến, nói.
Đường Nguyễn Khuyến, quận Đống Đa ngập sâu sau trận mưa tối 13/6. Ảnh: Bình Nguyên.
Đây không phải lần đầu hầm chống ngập "thử sức", trong trận mưa đầu mùa hôm 23/5, đường Nguyễn Khuyến ngập 0,2 đến 0,5m. Đến trận mưa ngay sau đó, tuyến phố này ngập đến 0,5m.
Đánh giá về hiệu quả của bể ngầm, ông Bùi Ngọc Uyên, Phó trưởng Phòng Truyền thông, đối ngoại, Cty Thoát nước Hà Nội cho biết, với những trên mưa 50-100mm, phố Nguyễn Khuyến đã giảm mức độ ngập xuống khoảng 0,2 đến 0,3m; trước đây ngập 0,5 đến 0,7m.
Trong khi đó, số liệu từ Công ty Thoát nước Hà Nội tối 13/6 cho thấy, từ 19 giờ 45 đến 20 giờ 10, các quận Đống Đa, Thanh Xuân, Hoàn Kiếm ghi nhận lượng mưa dao động 30 - 50 mm.
Nhiều xe chết máy khi đi qua phố Nguyễn Khuyến tối 13/6. Ảnh: Bình Nguyên.
Năm 2019, quận Đống Đa triển khai dự án cải tạo thoát nước phố Nguyễn Khuyến kết hợp chỉnh trang phố Nguyễn Khuyến, Văn Miếu, Quốc Tử Giám, tổng mức đầu tư hơn 24 tỷ đồng.
Hầm ngầm được xây dựng giữa năm 2020, bàn giao cho Công ty Thoát nước Hà Nội đưa vào vận hành từ cuối năm 2021. Nằm tại sân trường THCS Lý Thường Kiệt, hầm có kết cấu bê tông cốt thép, dài 34 m, rộng 9 m, sâu 6,6 m, dung tích 2.000 m3. Chiều dày đáy và tường hầm là 50 cm, trần 30 cm. Giữa hầm có cột bê tông cốt thép để chống đỡ trần.
Khi mưa lớn, hệ thống thu gom trước cổng trường THCS Lý Thường Kiệt đưa nước về hầm qua đường ống dài hơn 22 m. Trong hầm có ba máy bơm chìm (hai máy chạy, một máy dự phòng). Khi mưa ngớt, mực nước trong hệ thống thoát nước của thành phố giảm, hai máy bơm sẽ bơm nước từ hầm trở lại hệ thống.
Video đường Nguyễn Khuyến ngập sâu sau trận mưa tối 13/6. Video: Bình Nguyên.
Tại cuộc họp giao ban hôm 2/6, Giám đốc Sở Xây dựng Võ Nguyên Phong kiến nghị giao UBND quận Hoàn Kiếm nghiên cứu triển khai phương án xây dựng bể ngầm điều tiết chứa nước mưa khu vực ngã năm Bát Đàn - Đường Thành (như đã làm tương tự bể điều tiết ngầm phố Nguyễn Khuyến).
Ông Phong đánh giá, điểm úng ngập tại phố Nguyễn Khuyến, quận Đống Đa, qua theo dõi các trận mưa năm 2021 cho thấy sau khi đưa công trình bể điều tiết Nguyễn Khuyến vào vận hành đã phát huy được hiệu quả, mức độ úng ngập và thời gian úng ngập đã giảm đáng kể (khoảng 70%) so với năm 2020.
Việc xây dựng hầm ngầm chứa nước mưa được Hà Nội đặt ra từ năm 2018. Công ty Thoát nước Hà Nội đã đề xuất làm hầm ngầm để điều tiết nước mưa tại ba điểm ngập nặng nhiều năm ở phố Đường Thành, ngã tư Phan Bội Châu - Lý Thường Kiệt (Hoàn Kiếm) và phố Nguyễn Khuyến.
Mới đây, Sở Xây dựng Hà Nội thông tin, hai dự án xây hầm chống ngập tại ngã 5 chợ Hàng Da và nút giao Lý Thường Kiệt - Phan Bội Châu đang được tạm dừng lại để lấy ý kiến và nghiên cứu thêm.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận