Cảnh báo làn sóng vỡ nợ tại Trung Quốc
Tổng giá trị các vụ vỡ nợ của doanh nghiệp Trung Quốc dự kiến có thể vượt quá con số 100 tỷ nhân dân tệ năm thứ ba liên tiếp, cho thấy đại dịch Covid-19 đã làm gián đoạn chiến dịch của chính phủ Trung Quốc nhằm ổn định thị trường tài chính.
Dữ liệu do Bloomberg tổng hợp cho thấy, sự gia tăng các vụ vi phạm nghĩa vụ trả nợ trong hai tuần qua đã đẩy giá trị các khoản nợ trễ hạn thanh toán tại nội địa kể từ đầu năm lên tới 104 tỷ nhân dân tệ (15,8 tỷ USD). Con số tương ứng đối với nghĩa vụ trả nợ nước ngoài là 8,1 tỷ USD, gấp 2,1 lần tổng giá trị của cả năm 2019.
Những nỗ lực của nước này hồi đầu năm nhằm hỗ trợ nền kinh tế ứng phó với đại dịch Covid-19 bằng cách nới lỏng tín dụng đã làm dấy lên lo ngại vốn đã tồn tại lâu nay, đó là các nhà chức trách cần phải hành động mạnh mẽ hơn trước tình trạng gia tăng căng thẳng trong hệ thống tài chính của nước này.
Đặc biệt với việc nền kinh tế phục hồi mạnh trở lại sau đại dịch, các nhà hoạch định chính sách đã siết chặt lại chính sách tín dụng, thế nhưng điều đó vô hình trung đã thúc đẩy các vụ vỡ nợ. Chưa dừng lại ở đó, việc rút lại theo dự kiến các biện pháp kích thích sẽ càng chất thêm khó khăn cho các doanh nghiệp trong việc huy động vốn trả nợ.
Ước tính khoảng 172,6 tỷ nhân dân tệ các khoản nợ sẽ đáo hạn trong vòng từ nay đến tháng 11/2021 và hơn một nửa trong số đó đáo hạn vào tháng 3 năm tới. Đáng chú ý khoảng 63,9 tỷ nhân dân tệ, tương đương 37% tổng giá trị các khoản nợ đáo hạn sắp tới, thuộc về Henan’s Yongcheng Coal & Power Holding Group Co., Tsinghua Unigroup Co. và Brilliance Auto Group Holding Co. - 3 doanh nghiệp nhà nước lớn.
Các nhà quản lý tài chính đã tuyên bố sẽ “không khoan nhượng” đối với các vi phạm trên thị trường trái phiếu sau một loạt các vụ vi phạm nghĩa vụ trả nợ của doanh nghiệp. Theo Yewei Yang - một nhà phân tích của Guosheng Securities Co., áp lực tái phát hành các công cụ nợ để đảo nợ sẽ gia tăng trước làn sóng đáo hạn trái phiếu của doanh nghiệp nhà nước địa phương, điều này có thể thúc đẩy các vụ vỡ nợ. Rủi ro tín dụng sẽ lớn hơn đối với các doanh nghiệp nhà nước địa phương tại các khu vực có nền kinh tế yếu hơn, áp lực nợ lớn hơn và phụ thuộc nhiều hơn vào việc bán đất.
Tái cấu trúc sẽ chiếm ưu thế trong các lý do được viện dẫn cho các vụ vi phạm nghĩa vụ trả nợ của các doanh nghiệp trong năm nay. Bảy công ty đang bị căng thẳng về tài chính sắp phải trả tổng cộng 43,8 tỷ nhân dân tệ - bao gồm cả Tập đoàn sáng lập Đại học Bắc Kinh - đã nộp đơn tái cơ cấu. Tuần trước, Brilliance Auto Group - một nhà sản xuất ô tô có liên kết với Bayerische Motoren Werke AG, đã gia nhập danh sách ngày càng dài những doanh nghiệp do nhà nước điều hành buộc phải tái cơ cấu theo lệnh của tòa án.
Các khoản thanh toán gốc và lãi bị trễ hạn trả nợ từ đầu năm đến nay đã lên tới 34 tỷ nhân dân tệ là nguyên nhân lớn thứ hai khiến công ty vỡ nợ.
Lĩnh vực công nghệ dẫn đầu là Tập đoàn sáng lập Đại học Bắc Kinh, chiếm hơn một phần ba tổng số tiền vỡ nợ trong năm nay. Đứng ở vị trí thứ hai là lĩnh vực tiêu dùng theo chu kỳ, bao gồm sáu công ty do Tunghsu Group và Brilliance Auto Group dẫn đầu. Thứ ba là các nhà phát triển bất động sản, bao gồm Tập đoàn Tahoe và Tập đoàn Bất động sản Thiên Tân.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận