menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Văn Anh Tuấn

Cảnh báo hiện tượng “mượn” xuất xứ đối với mặt hàng đồ gỗ xuất khẩu

Hiện nay có hiện tượng doanh nghiệp nhập khẩu bộ phận các sản phẩm gỗ từ nước ngoài về Việt Nam, sau đó lắp ráp thành sản phẩm hoàn chỉnh để xuất khẩu.

Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban Chỉ đạo 389 quốc gia) dẫn báo cáo của Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, hoạt động xuất khẩu lâm sản trong 6 tháng đầu năm 2021 ước đạt 8,71 tỷ USD, tăng 61,6% so với cùng kỳ năm 2020.

Trong đó, mặt hàng gỗ và các loại đạt 1,76 tỷ USD, tăng 23,6%; sản phẩm gỗ 6,35 tỷ USD, tăng 75,4%; lâm sản ngoài gỗ 0,6 tỷ USD, tăng 72,9%. Cũng trong nửa đầu năm nay, xuất siêu của ngành này ước đạt 7,2 tỷ USD, tăng 67,4% so với cùng kỳ năm 2020.

Theo đánh giá, do sản lượng xuất khẩu gỗ nói chung, sản phẩm từ gỗ trong 6 tháng đầu năm 2021 tăng cao, nên nhu cầu nguyên liệu đầu vào cho chế biến gỗ xuất khẩu cũng tăng.

Như vậy, nguồn cung nguyên liệu cho chế biến mặt hàng gỗ xuất khẩu được khai thác từ hai nguồn đó là nguồn trong nước và nhập khẩu. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất của ngành này là không đủ nguyên liệu đầu vào đủ tiêu chuẩn, trong khi đó, nguồn gỗ trong nước hiện nay phần lớn chưa có chứng chỉ rừng.

Vì thế, lợi dụng vấn đề này, một số doanh nghiệp đã nhập khẩu bộ phận, chi tiết của các sản phẩm gỗ, thiết bị nội thất bằng gỗ từ nước ngoài về Việt Nam, sau đó lắp ráp thành sản phẩm hoàn chỉnh, hàm lượng gia công rất ít để xuất khẩu. Điều này dẫn đến nguy cơ lẩn tránh xuất xứ đối với mặt hàng đồ gỗ đã chế biến để xuất khẩu là rất lớn.

Nguyên nhân lẩn tránh xuất xứ đối mặt hàng đồ gỗ để xuất khẩu bởi một số nước trong khu vực không được hưởng ưu đãi của các hiệp định thương mại (FTA) nên bị đánh thuế cao. Để lẩn tránh xuất xứ đối với mặt hàng này, một số doanh nghiệp đã dùng thủ đoạn “giả danh” hàng Việt Nam sau đó xuất khẩu nhằm hưởng ưu đãi về thuế.

Để thực hiện hành vi lẩn tránh xuất xứ, một số doanh nghiệp Việt Nam dùng thủ đoạn nhập các bộ phận mặt hàng gỗ có rủi ro, sau đó mua bán lòng vòng qua một số công ty khác nhau, sau đó bộ phận của mặt hàng này được tập hợp lại tại một công ty để lắp ráp thành bộ đồ gỗ hoàn chỉnh rồi lấy thương hiệu sản phẩm do mình sản xuất để xuất khẩu.

Một thủ đoạn khác là lợi dụng hoạt động thương mại quốc tế một số doanh nghiệp nước ngoài tổ chức liên kết với một số doanh nghiệp của Việt Nam để sản xuất hàng này sau đó thay đổi nhãn mác; đưa các sản phẩm rời từ nước họ vào nước ta, cuối cùng tiến hành lắp ghép rồi dãn nhãn Việt Nam và tiếp tục xuất khẩu sang một số nước mà nước ta được ưu đãi về thuế xuất khẩu mặt hàng đồ gỗ.

Cách thức phổ biến để thực hiện hành vi gian lận đó là doanh nghiệp Việt Nam đầu tư dây chuyền sản xuất sơ sài, nhập khẩu đầy đủ linh kiện về và chỉ thực hiện một số công đoạn gia công đơn giản, sau đó lắp ráp thành sản phẩm hoàn chỉnh để lấy xuất xứ Việt Nam.

Theo thống kê, hiện nay cả nước có khoảng 5.650 doanh nghiệp chế biến gỗ và lâm sản nhưng chỉ một số ít có hoạt động xuất nhập khẩu mặt hàng này.

Trước đó, Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (Viforest) cũng đã có văn bản đề nghị Bộ Công thương, Bộ Tài Chính và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, quan tâm xem xét, chỉ đạo ngăn chặn những rủi ro trong hoạt động nhập khẩu mặt hàng tủ bếp, gỗ dán.

Theo đó, Viforest dẫn phản ánh của các doanh nghiệp hội viên cho biết, thời gian gần đây có một số doanh nghiệp đã nhập khẩu bộ phận, chi tiết của các sản phẩm tủ bếp, tủ nhà tắm (những mặt hàng rủi ro cao) từ Trung Quốc về Việt Nam.

Cụ thể, công ty Việt Nam thành lập mới hoặc mới hoạt động trong khoảng 1-2 năm gần đây, nhập khẩu mặt hàng bộ phận tủ bếp, tủ nhà tắm, gỗ dán, sau đó gia công, lắp ráp thành sản phẩm hoàn chỉnh (hàm lượng gia công rất ít) để xuất khẩu sang Mỹ.

Theo Viforest, công ty Việt Nam nhập bộ phận các mặt hàng có yếu tố rủi ro về Việt Nam, mua bán lòng vòng qua các công ty khác nhau, các bộ phận mặt hàng này sau sẽ tập hợp lại một công ty, công ty này lắp ráp và lấy danh nghĩa sản phẩm sản xuất của mình để xuất khẩu sang Mỹ.

Theo Viforest, trong 2 năm trở lại đây, khi Mỹ áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại đối với một số mặt hàng gỗ và sản phẩm gỗ xuất khẩu của Trung Quốc, bằng biện pháp áp thuế chống bán phá giá, trợ cấp cao với mức thuế từ 55 - gần 200% đối với một số mặt hàng như gỗ dán, tủ bếp, tủ nhà tắm, sofa gỗ…

Với việc kiểm soát này, khiến một số doanh nghiệp Trung Quốc chuyến hướng đầu tư hoặc tìm các biện pháp để lẩn tránh mức thuế trên, trong đó Việt Nam có thể được chọn là một trong những điểm đến.

Bên cạnh đó, giá trị xuất khẩu của ngành gỗ tăng mạnh, trong 2 năm trở lại đây, là một điều đang mừng, nhưng cũng tiểm ẩn những yếu tố rủi ro do giá trị xuất khẩu tăng ở các mặt hàng mà Mỹ đang áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại đối với Trung Quốc.

Trước vấn đề trên, Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia cho rằng, ngành lâm nghiệp cần tham mưu quản lý chặt chẽ nguồn nguyên liệu trong nước cung cấp cho lĩnh vực chế biến gỗ để xuất khẩu bằng cách quản lý chặt chẽ việc cấp chứng chỉ rừng trồng để kiểm soát nguồn nguyên liệu được khai thác từ rừng trong nước theo hướng quản lý rừng bền vững, tiến tới Việt Nam cơ bản làm chủ được nguồn gỗ nguyên liệu phục vụ cho chế biến gỗ xuất khẩu.

Trong khi đó, cùng với việc quản lý chặt chẽ việc cấp chứng chỉ rừng trồng lâm sản trong nước (trong đó có mặt hàng gỗ) thì cơ quan Hải quan cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, kiểm soát chặt chẽ các mặt hàng gỗ nhập khẩu có rủi ro cao về lẩn tránh xuất xứ bằng cách làm tốt hoạt động quản lý rủi ro.

Ngoài ra, cơ quan Hải quan cũng cần quản lý chặt chẽ các doanh nghiệp có rủi ro cao trong hoạt động nhập khẩu mặt hàng này; phối hợp chặt chẽ với các cơ quan quản lý nhà Nước khác trong việc cung cấp thông tin, tài liệu có liên quan đến hoạt động nhập khẩu, chế biến, sản xuất mặt hàng đồ gỗ để xuất khẩu lấy nhãn mác Việt Nam. Kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý nghiêm đối với các trường hợp vi phạm.

Cùng với đó, các cơ quan quản lý Nhà nước liên quan cũng cần thường xuyên nắm bắt các thông tin về thị trường trong nước và quốc tế đối với mặt hàng này để đưa ra các biện pháp kỹ thuật cần thiết, kịp thời nhằm bình ổn thị trường, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh cho các doanh nghiệp chân chính phát triển.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - App Tài chính, Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại