Cảnh báo: Giả CMND, thay chữ ký rút tiền ngân hàng
Mới đây cơ quan công an đã bắt băng nhóm dùng CMND giả, sau đó yêu cầu nhân viên ngân hàng ở TP.HCM thay chữ ký, đổi tài khoản và chuyển hết tiền từ tài khoản cũ sang tài khoản mới, qua mặt cả ngân hàng.
Theo thông tin từ công an, ngày 11-3, Lê Văn Nam đã đến chi nhánh ngân hàng ở khu dân cư Trung Sơn (xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh) sử dụng CMND tên L.Q.T. và yêu cầu nhân viên ngân hàng khóa tài khoản mang tên anh T..
Có dễ dùng CMND giả rút tiền?
Người này sau đó làm thủ tục mở tài khoản mới tại ngân hàng và chuyển số tiền 45 triệu đồng từ tài khoản cũ vào tài khoản mới, đồng thời thay đổi chữ ký. Anh L.Q.T. sau đó khiếu nại ngân hàng là mình không giao dịch nhưng tài khoản bỗng bị trừ tiền, nghi vấn có sự giả mạo nên trình báo sự việc, cung cấp hình ảnh cho cơ quan chức năng.
Sáng 26-3, Nam tiếp tục đến chi nhánh ngân hàng này và sử dụng CMND mang tên V.H.L. để làm thẻ ATM thì bị cảnh sát bắt giữ.
Công an sau đó cũng triệu tập những người thuê Nam sử dụng CMND giả để mở tài khoản ngân hàng và thu mua lại thẻ ATM, sim để chiếm đoạt tiền. Khi lực lượng chức năng khám xét nơi ở của nhóm người, thu giữ 495 CMND, 44 giấy phép lái xe và 85 thẻ các ngân hàng.
Thông tin trên khiến nhiều chủ tài khoản hoang mang. Câu hỏi được đặt ra là có dễ dùng CMND giả của người khác để rút tiền ngân hàng như vậy không?
Trao đổi với Tuổi Trẻ, các ngân hàng cho biết theo quy định việc rút tiền từ tài khoản phải có CMND, thẻ căn cước của chủ tài khoản. Sau đó nhân viên ngân hàng sẽ đối chiếu hình ảnh trên CMND hoặc thẻ căn cước với nhân dạng người yêu cầu rút tiền, kiểm tra chữ ký của người yêu cầu rút tiền và so sánh với chữ ký trên trong hồ sơ. Nếu thỏa mãn các bước kiểm tra trên, người yêu cầu mới rút được tiền.
Có thể do sơ sót của nhân viên ngân hàng
Theo giám đốc khối khách hàng cá nhân một ngân hàng cổ phần lớn tại TP.HCM, mỗi người đều có một chữ ký khác nhau, nếu chưa nhìn thấy chữ ký đó trước đây thì khó mà giả chữ ký được. Với trường hợp trên, sở dĩ có thể dùng CMND giả sau đó yêu cầu nhân viên ngân hàng thay chữ ký, đổi tài khoản và chuyển hết tiền từ tài khoản cũ sang tài khoản mới có thể là do sơ suất của nhân viên ngân hàng.
"Theo quy trình phải đối chiếu được gương mặt khách hàng với thông tin đang có tại ngân hàng và phải đối chiếu chữ ký. Chữ ký phải trùng khớp mới đến bước thay đổi chữ ký. Tuy nhiên vẫn có một số trường hợp giao dịch viên xử lý theo cách chữ ký không đúng sẽ đề nghị khách hàng ký lại, thậm chí đưa mẫu chữ ký cũ để khách hàng nhìn và ký cho đúng... Đây chính là kẽ hở để kẻ gian qua mặt", vị giám đốc khối khách hàng cá nhân này nói.
Theo ghi nhận của Tuổi Trẻ, dù đang mùa COVID-19 tuy nhiên để thực hiện các giao dịch gửi, rút tiền, nộp tiền vào tài khoản, nhân viên ngân hàng đều yêu cầu khách hàng kéo khẩu trang xuống để nhận diện, xác thực khách hàng. Nếu đúng mới tiến hành các bước tiếp theo.
Sau sự việc dùng CMND giả, thay chữ ký... rút tiền ngân hàng này, nhiều ngân hàng đã phát cảnh báo trên toàn hệ thống. Cụ thể Ngân hàng Phương Đông (OCB) yêu cầu toàn hệ thống đề cao cảnh giác, kiểm tra các dấu hiệu đáng ngờ và áp dụng các biện pháp kiểm tra tăng cường khi nghi ngờ sử dụng CMND giả.
Ngân hàng sẽ từ chối giao dịch khi phát hiện giấy tờ tùy thân giả hoặc khách hàng không cung cấp thêm các thông tin để kiểm tra tăng cường. Không chỉ người trong nước, OCB cũng cảnh báo hiện tượng người nước ngoài, đặc biệt là người gốc Phi sử dụng hộ chiếu, visa giả để mở tài khoản.
Một số ngân hàng khác cũng phát đi cảnh báo trên toàn hệ thống về việc một số kẻ sử dụng giấy tờ tùy thân giả để mở tài khoản ngân hàng. Ngoài ra, trường hợp dấu mộc giáp lai giữa CMND và hình ảnh trên CMND cũng phải được soi kỹ vì các kẻ giả mạo thường dán hình của họ vào CMND của người khác nên hình dán này không có dấu giáp lai hoặc đóng dấu giáp lai giả.
Mất sạch tiền trong thẻ sau khi "nâng cấp lên sim 4G"
Cục Cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng vừa phát đi cảnh báo cho hay, lợi dụng chính sách hỗ trợ đổi sim 4G của các nhà mạng, các đối tượng lừa đảo đang diễn chiêu lừa như sau:
Gọi điện đến người dùng xưng là nhân viên nhà mạng và yêu cầu thực hiện nhắn tin theo cú pháp mà đối tượng lừa đảo hướng dẫn qua tin nhắn. Tuy nhiên, nhiều người sau khi thực hiện các thao tác theo hướng dẫn, sim điện thoại đang dùng bị mất tín hiệu và vô hiệu hóa, không thể sử dụng được nữa. Cùng lúc đó, họ nhận được thông báo gửi đến hộp thư điện tử về việc thay đổi mật khẩu thành công đối với ứng dụng vay tiêu dùng.
Sau khi đến cửa hàng để khóa và khôi phục sim thì phát hiện thẻ tín dụng được cấp của công ty tài chính đã gần sạch tiền.
Các tay lừa đảo sẽ đưa ra nhiều lý lẽ đầy thuyết phục như: thực hiện đổi sim theo cú pháp, không giao sim trực tiếp nhằm hạn chế tiếp xúc, tránh lây lan dịch bệnh COVID-19; đổi sim ngay để được miễn phí và nhận được các ưu đãi, khuyến mãi; nếu không nâng cấp lên 4G sẽ không thể tiếp tục sử dụng dịch vụ..., do vậy kẻ lừa đảo đã dễ dàng chiếm được lòng tin của người tiêu dùng.
Các chiêu thức lừa đảo tinh vi như vậy không chỉ xảy ra ở TP.HCM mà còn ở các tỉnh thành khác như Hải Phòng, Hà Nội, Đồng Tháp...
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận