24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Minh Nhật
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Cảnh báo "bong bóng" chứng khoán: Nhìn lại những lần lao dốc trong quá khứ

Thị trường chứng khoán Việt Nam đang thăng hoa trên những đỉnh mới. Trên đỉnh cao, nhiều người có thể sẽ quên những giai đoạn "đen tối", khi chứng khoán lao dốc từ đỉnh và nhà đầu tư trắng tay...

Trong năm 2020-2021 thị trường chứng khoán Việt Nam (TTCK) đã chứng kiến sự tăng trưởng cả về lượng và chất trên thị trường, số lượng nhà đầu tư mới tăng kỷ lục dựa trên số lượng tài khoản mở mới, thanh khoản thị trường đạt kỷ lục hơn 2 tỷ USD, nhu cầu margin tăng cao cũng khiến các công ty chứng khoán đua nhau tăng vốn… Tuy nhiên, sau giai đoạn tăng nóng, dựa trên dữ liệu lịch sử, một câu hỏi đặt ra liệu TTCK Việt Nam có một cú “lao dốc” nữa như quá khứ hay không?

Biến động giai đoạn 2007-2009

Ngày 12/3/2007, chỉ số VN-Index đạt đỉnh lịch sử khi kết phiên ở 1.170,67 điểm. Từ mức chỉ 300 điểm thời kỳ đầu năm 2006 thì chỉ hơn 1 năm sau, VN-Index đã gấp khoảng 3,9 lần. Nếu như năm 2006, vốn hóa của thị trường chứng khoán chỉ chiếm khoảng 22% GDP thì năm 2007 đã lên tới hơn 40% GDP.

Tác động chính khiến VN-Index lập đỉnh ngày 12/3/2007 đến từ làn sóng IPO của doanh nghiệp Nhà nước mà điển hình là IPO của Bảo Việt, Đạm Phú Mỹ, Vietcombank, Tổng Công ty Tài chính Cổ phần Dầu khí Việt Nam... Bên cạnh đó có sự hỗ trợ của các yếu tố vĩ mô, chính sách tiền tệ, Việt Nam gia nhập WTO cũng góp phần đẩy thị trường chứng khoán lên đỉnh.

Tuy nhiên tin vui trên thị trường không diễn ra lâu, thị trường bắt đầu đi vào giai đoạn nổ “bong bóng”. Theo đó, thị trường có dấu hiệu giảm sâu bắt đầu những tháng cuối năm 2007. Sang cuối quý 1/2008, khi mức tăng trưởng tín dụng Việt Nam đạt đỉnh điểm với một phần không nhỏ tiền được bơm vào bất động sản, chứng khoán. Đi kèm tăng trưởng tín dụng là lạm phát tăng cao khiến Chính phủ phải vào cuộc thông qua tăng lãi suất.

Việc điều chỉnh lãi suất nhằm thắt chặt tiền tệ được cho là cú đánh mạnh vào thị trường chứng khoán đặc biệt là hoạt động margin trong khi thời kỳ bùng nổ 2007 đòn bẩy trên thị trường được nâng lên quá cao. Các công ty chứng khoán liên tục giải chấp cổ phiếu, đến giai đoạn này thị trường đã lao dốc không phanh.

Giải pháp đưa ra cũng chỉ giúp VN-Index tăng được chục phiên sau đó lại ghi nhận chuỗi dài giảm giá và ba tháng sau VN-Index chỉ còn chưa đến 370 điểm. Đến tháng 2/2009 VN-Index ở khoảng 240 điểm.

Cảnh báo "bong bóng" chứng khoán: Nhìn lại những lần lao dốc trong quá khứ

Trong lịch sử TTCK Việt Nam đã có 2 giai đoạn lao dốc lịch sử, khiến nhiều nhà đầu tư không khỏi e ngại kịch bản này có thể lặp lại.

Lịch sử lặp lại

10 năm sau biến cố lịch sử của thị trường, TTCK Việt Nam đã bắt đầu đi vào nhịp hồi phục thậm chí năm 2018 đã đi vào lịch sử khi lần đầu tiên thị trường vượt 1.200 điểm. Sự khởi sắc được duy trì sang năm tiếp theo mặc dù lúc này thị trường lại chỉ biến động quanh ngưỡng 1.000 điểm. Giai đoạn cuối năm 2019, sự khởi sắc không duy trì được lâu, thị trường đảo chiều bước vào nhịp điều chỉnh sâu với nhiều sóng giảm liên tiếp, VN-Index có thời điểm rơi xuống quanh ngưỡng 940 điểm.

Nguyên nhân do áp lực chốt lời mạnh tại vùng kháng cự kỹ thuật 1.020 điểm cùng động thái bán ròng liên tục trong những tháng cuối năm khiến VN-Index mất đà và rơi sâu về vùng 950 điểm. Điều này làm mất đi kỳ vọng của giới đầu tư vào việc năm 2019 thị trường có thể đạt lại đỉnh lịch sử 1.200 năm trước đó.

Việc VN-Index phải mất hơn nửa năm để chinh phục mốc 1.000 điểm nhưng lại nhanh chóng “đánh rơi” gần hết thành quả của cả năm 2019 chỉ trong khoảng 3 tuần cuối tháng 11 khiến tâm lý nhà đầu tư có phần hụt hẫng. Chỉ số VN-Index đóng cửa phiên giao dịch cuối cùng tại 960,99 điểm, tăng 7,7% so với thời điểm đầu năm.

Liệu thị trường sẽ có một cú rơi?

Sang đến năm 2020, đại dịch COVID-19 bắt đầu ảnh hưởng tới TTCK Việt Nam từ cuối tháng 1/2020, sớm hơn thế giới tới gần một tháng. Phản ứng của các nhà đầu tư trên toàn cầu đã dẫn đến một đợt sụt giảm nhanh và mạnh chưa từng thấy trên các TTCK. VN-Index chỉ trong hai tháng sau đó đã sụt giảm 33,51% xuống mức thấp nhất trong vòng ba năm.

Tuy nhiên cùng với khả năng kiểm soát dịch bệnh thành công, TTCK Việt Nam đã phục hồi nhanh chóng trong chín tháng còn lại của năm 2020 với mức tăng trưởng gần 60% kể từ đáy và tăng so với cuối năm 2019 hơn 9% (năm 2019 mức tăng trưởng của VN-Index chỉ 7,67%). Đây là diễn biến phục hồi ngoạn mục.

Tiếp đà tăng của thị trường trong năm 2020, sang năm 2021, VN-Index tiếp tục ghi dấu ấn khi đạt đỉnh 1.423 điểm hồi tháng 7/2021.

Nhưng lịch sử đã một lần nữa lặp lại, sau khi lập đỉnh lịch sử, VN-Index đã giảm mạnh gần 56 điểm xuống còn 1.291 điểm. Cùng với nhịp giảm điểm, vốn hóa thị trường chứng khoán giảm rất mạnh, so với đỉnh cao ghi nhận hôm 2/7 mất khoảng 26 tỷ USD. Như vậy, chỉ trong vòng 10 ngày, áp lực bán đã khiến chỉ số VN-Index mất 2 ngưỡng hỗ trợ tâm lý quan trọng: 1.400 điểm và 1.300 điểm.

Lý do giảm điểm của thị trường theo ông Lê Ngọc Nam, Giám đốc Phân tích CTCK Tân Việt, thị trường giao dịch đã chịu ảnh hưởng từ thông tin các ca nhiễm COVID-19 mới, tình hình dịch bệnh có vẻ phức tạp hơn, kết hợp đà giảm của thị trường 2 tuần trước đó khi VN-Index đã giảm từ 1.420 điểm xuống ngưỡng 1.288 điểm, với mức giảm khoảng 11%.

Ngoài ra, nhóm ngân hàng còn chịu áp lực bán do NHNN có yêu cầu các ngân hàng hy sinh lợi nhuận để cắt giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ doanh nghiệp và hỗ trợ nền kinh tế trong bối cảnh nền kinh tế chịu ảnh hưởng tiêu cực của dịch COVID-19.

Nếu các ngân hàng cắt giảm lãi suất cho vay sẽ tác động tiêu cực lên nguồn thu của ngân hàng từ lãi, điều này có thể ảnh hưởng đến đánh giá của các công ty chứng khoán về triển vọng kinh doanh quý 3 và 4. Tổng hòa các yếu tố như vậy đã khiến thị trường điều chỉnh tương đối sâu.

Sau đà giảm mạnh hồi tháng 7 thì sang giai đoạn tháng cuối tháng 10 đầu tháng 11 năm 2021, thị trường lại liên tục xô đổ các kỷ lục cũ khi một lần nữa vượt mốc 1.423 điểm tiến tới 1.460 điểm và đến nay giao dịch quanh ngưỡng 1.480 điểm. Đáng chú ý trong những phiên đầu giao dịch tháng 11, TTCK Việt Nam đã lập kỷ lục về thanh khoản trong phiên giao dịch 3/11 với gần 52 nghìn tỷ đồng, tương ứng hơn 2,2 tỷ USD.

Vấn đề đặt ra liệu thị trường có một lần nữa sụt giảm sau đà tăng nóng hay không? Theo ông Trần Xuân Bách, chuyên gia phân tích của CTCK BVSC, nhìn toàn thể thị trường VN-Index có thể sẽ tiếp tục đi lên và kiểm định lại vùng 1.470-1.530 điểm trong giai đoạn tháng 11.

Nếu nhìn về các yếu tố thông tin tác động lên thị trường trong tháng 11 và thời gian còn lại của năm 2021, ông Bách cho rằng ở khía cạch góc độ tích cực, thứ nhất, việc Chính phủ tung ra các gói kích thích kinh tế sẽ là một trong những động lực mạnh để giúp hỗ trợ thị trường chứng khoán tiếp tục đi lên.

Thứ hai, về tổng thể nền kinh tế vĩ mô của chúng ta vẫn đang được giữ ổn định và điểm quan trọng là lạm phát đang giữ ở mức thấp, điều này tạo tiền đề để chính phủ tiếp tục có thể thực thi các chính sách tiền tệ nới lỏng trong thời gian tới. Như vậy, với chính sách tiền tệ nới lỏng môi trường lãi suất thấp có khả năng kéo dài đến hết năm 2021 và thậm chí qua nửa đầu năm 2022.

Môi trường lãi suất thấp như vậy sẽ tiếp tục tạo thuận lợi cho kênh đầu tư chứng khoán phát triển, dòng tiền của F0, của nhà đầu tư trong nước sẽ tiếp tục chảy vào thị trường và sẽ là động lực giúp cho thị trường chứng khoán tiếp tục phát triển trong thời gian tới.

Tuy nhiên, cũng phải nhìn thấy những rủi ro mà thị trường sẽ gặp phải, mặc dù ở thời điểm ngắn hạn hiện tại nó chưa xảy ra, đây là những rủi ro hiện hữu trước mắt, nếu nó xảy ra sẽ ảnh hưởng mạnh đến diễn biến của thị trường tài chính nói chung và thị trường chứng khoán nói riêng.

Rủi ro thứ nhất là về lạm phát, áp lực lạm phát của các nước trên thế giới đã khiến các ngân hàng trung ương phải tính đến giảm dần các gói nới lỏng tiền tệ. Điển hình tuần qua Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã chính thức công bố lộ trình thu hẹp quy mô gói kích thích nền kinh tế. Đây là xu hướng các nước sẽ tiếp tục triển khai và tiến tới ngừng các gói kích thích, nếu lạm phát tiếp tục gia tăng thì buộc phải áp dụng các gói thắt chặt tiền tệ. Trường hợp thắt chặt tiền tệ sẽ khiến lãi suất bắt đầu tăng trở lại, những yếu tố đấy sẽ ảnh hưởng đến tỷ suất lợi nhuận của thị trường chứng khoán và tạo áp lực giảm điểm lên thị trường chứng khoán.

Thứ hai, nợ xấu của hệ thống ngân hàng. Hệ lụy từ dịch COVID-19 đã ảnh hưởng với việc chúng ta phải giãn cách xã hội trong một thời gian dài, khiến cho hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp tạo ra hệ lụy ảnh hưởng đến khả năng trả nợ của các doanh nghiệp đối với các khoản vay ngân hàng.

Do vậy, trong thời gian tới nếu dịch bệnh nghiêm trọng hơn khiến cho hoạt động giãn cách tiếp tục diễn ra sẽ khiến việc sản xuất kinh doanh tiếp tục bị đình trệ ảnh hưởng đến việc trả nợ của các doanh nghiệp. Như vậy, nó sẽ tạo ra hệ lụy đến nợ xấu của ngành ngân hàng và ảnh hưởng đến toàn bộ nền kinh tế. Nếu không xử lý tốt vấn đề nợ xấu của ngành ngân hàng, sẽ ảnh hưởng đến toàn bộ nền tài chính và thị trường chứng khoán nói riêng.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả