menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Lê Kiều Trang

Canh bạc đầy rủi ro của ông Trump: Vũ khí hóa sức mạnh kinh tế Mỹ bằng hàng rào thuế quan

Cách đây không lâu, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã sử dụng hàng rào thuế quan đối với Mexico để giải quyết vấn đề về nhập cư, một vấn đề nằm ngoài phạm vi thương mại. Tính hiệu quả của việc sử dụng hàng rào thuế quan này đang đối mặt với bài kiểm tra quan trọng bậc nhất ở Mexico và Trung Quốc.

Trong trường hợp của Mexico, ông dọa áp thêm thuế 5% lên toàn bộ hàng hóa nước này – lúc đầu dự kiến có hiệu lực vào ngày thứ Hai (10/06). Sở dĩ ông làm thế là để buộc Chính phủ Mexico phải thực hiện động thái ngăn chặn dòng người di cư bất hợp pháp qua biên giới nước Mỹ.

Mỹ và Mexico đã tiến tới thỏa thuận vào đêm ngày thứ Sáu (07/06) và vì thế, ông Trump đã đình chỉ áp thuế vô thời hạn để đổi lại cam kết tăng cường kiểm soát nhập cư của Mexico.

Trong trường hợp của Trung Quốc, các quan chức Bắc Kinh ngày càng tin rằng mục tiêu của chính quyền Trump là thay đổi cách thức làm kinh doanh của chế độ tư bản chuyên quyền, ít nhất là vậy.

Còn nhiều nhất thì sao? Họ tin rằng các quan chức thuộc chính quyền Trump muốn làm chậm hoặc chặn đứng sự trỗi dậy của Trung Quốc và có lẽ là thay đổi chế độ này.

Một văn bản thỏa thuận thương mại – trong đó các quan chức Mỹ cho rằng, Trung Quốc lúc đầu chấp nhận nhưng sau đó lại “ngoảnh mặt” từ chối – dường như có bao gồm việc Trung Quốc cam kết thay đổi luật để kìm hãm các hành vi chuyển giao công nghệ bất hợp pháp, đánh cắp sở hữu trí tuệ và trợ cấp Chính phủ.

Chẳng ai (ít nhất là đối với những quan chức Mexico) bất đồng với việc Mexico nên làm nhiều hơn để giúp Mỹ giải quyết vấn đề di cư. Tháng trước, các quan chức Mỹ bắt giữ hoặc từ chối nhập cảnh đối với hơn 144,000 người đi qua biên giới phía nam một cách bất hợp pháp, con số nhiều nhất trong khoảng 5 năm qua. Con số này ngày càng tăng kể từ tháng 1/2019, do người di cư lo sợ về các ràng buộc hà khắc hơn nữa và muốn bước vào nước Mỹ trước khi cánh cửa biên giới đóng lại.

Những quan chức hàng đầu của Mexico đã bay tới Washington trong tuần trước nhằm thực hiện nhiệm vụ khẩn cấp: Tiến tới thỏa thuận để tránh bị Mỹ áp thuế quan. Trong tuần này, Ngoại trưởng Mexico Marcelo Ebard lên tiếng xác nhận thông tin cho biết Mexico sẽ cử 6,000 quân đội bảo vệ quốc gia tới biên giới phía nam – một hành động được đưa ra để làm vừa lòng ông Trump. Ngoài ra, theo các quan chức Mỹ, Mexico cũng đề xuất những thay đổi tới quy định tị nạn, trong đó đòi hỏi những người di cư từ Trung Mỹ đăng ký tị nạn ở quốc gia nước ngoài đầu tiên mà họ nhập cảnh – cụ thể hơn là Mexico.

Không ai tranh cãi về việc nếu ông Trump có thể dỗ dành Trung Quốc sửa đổi cách thức giao dịch không công bằng của họ (một nỗ lực được toàn cầu và lưỡng đảng tại Mỹ ủng hộ) thì điều này sẽ có tác động tích cực ra sao. Tuy nhiên, các quan chức Trung Quốc nói rằng họ đã vạch ra lằn ranh giới hạn và đã tiết lộ chi tiết trong các cuộc đàm phán để hỗ trợ cho lập luận của họ, khi phía Mỹ đi vượt ra ngoài các mục tiêu kinh tế để yêu cầu Bắc Kinh điều chỉnh luật nhằm thay đổi hệ thống do Nhà nước kiểm soát.

Tuy nhiên, cho dù những người ủng hộ nhiệt thành nhất của ông Trump lên tiếng khen ngợi những mục tiêu của ông về Mexico và Trung Quốc, nhưng không may thay, trong kịch bản tốt nhất thì hàng rào thuế quan vẫn chưa đủ để đạt được kết quả mong muốn và trong trường hợp tệ nhất, hàng rào thuế quan có thể gây phản tác dụng.

Mexico đã tiến tới thỏa thuận để tránh bị áp thuế, nhưng thỏa thuận này sẽ không giải quyết được các vấn đề tiềm ẩn bên trong.

Tony Wayne của Hội đồng Đại Tây Dương – từng là Đại sứ Mỹ ở Mexico – tranh luận rằng: “Vì các chính quyền Trung Mỹ không thể cung cấp các nhu cầu thiết yếu và an toàn cho nhiều người dân nên họ đã di cư. Điều này đã cắm rễ quá sâu và phải mất nhiều năm để giải quyết”.

Gần đây, Mỹ đã cắt nguồn trợ cấp cho Trung Mỹ bất chấp nhu cầu ngày càng tăng và từ đó lại tạo thêm động lực để họ di cư. Mặc dù Mexico và Mỹ đã đồng ý về nguyên tắc là sẽ thúc đẩy sự phát triển kinh tế ở phía nam Mexico và Trung Mỹ, nhưng họ chưa thực hiện điều gì cụ thể.

Cho dù các quan chức Mexico có thể hứa hẹn gì với chính quyền Trump, nhưng vẫn chưa rõ họ có khả năng để thực hiện những lời hứa đó hay không. “Các cơ quan nhập cư và tị nạn của Mexico đang thiếu nhân lực, thiếu nguồn lực trầm trọng và bị ngợp bởi số lượng người Trung Mỹ đang đi về phía Bắc”, ông Wayne cho hay.

Việc giải quyết những thách thức về Trung Quốc thông qua leo thang thuế quan còn khó khăn nhiều hơn. Thậm chí, Mỹ còn phải sư dụng tới các công cụ kinh tế khác như cấm Huawei bán sản phẩm 5G ở Mỹ.

Lập trường cứng rắn của quan chức Mỹ trong các cuộc đàm phán và việc leo thang căng thẳng về Huawei đã khiến Chính phủ Trung Quốc phản ứng quyết liệt hơn và kích động quan điểm chủ nghĩa dân tộc trong họ. Điều này được thể hiện rõ trong chuyến công du tới Nga của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong tuần này.

Ông Tập và ông Putin ngày càng thân thiết hơn và động lực đằng sau chính là một liên minh chống lại Mỹ. Trong 30 thỏa thuận ký kết giữa hai nhà lãnh đạo này là một thỏa thuận để Huawei phát triển mạng lưới 5G ở Nga cùng với công ty viễn thông MTS của Nga.

Dĩ nhiên, những động thái nhắm tới Trung Quốc của Mỹ sẽ kìm hãm tăng trưởng của Trung Quốc và chặn đứng khả năng mở rộng phạm vi hoạt động của Huawei trên thị trường viễn thông và 5G toàn cầu.

Dù vậy, hàng rào thuế quan và những lệnh trừng phạt đối với lĩnh vực công nghệ khó lòng đạt được những giá trị lâu dài khi không đi kèm với các cuộc đàm phán và cách hai cường quốc này có thể cùng nhau kiểm soát tương lai toàn cầu với bộ quy tắc đã nhất trí trước đó – một điều sẽ giúp họ vừa hợp tác vừa cạnh tranh về mặt chiến lược.

Những rắc rồi về thuế quan của ông Trump với Mexico và Trung Quốc chỉ là một phần của những gì mà tờ Economist gọi là “Vũ khí hủy diệt hàng loạt” (Weapons of Mass Disruption), được in bên cạnh một hình minh họa hấp dẫn về một quả bom có đầu ông Trump hướng về phía trái đất đi kèm những từ này: “TARIFFS, TECH BLACKLISTS, GIẢI FINANCIAL ISOLATION, SANCTIONS” (Hàng rào thuế quan, danh sách đen về công nghệ, cô lập tài chính, lệnh trừng phạt).

Vũ khí kinh tế của Mỹ vẫn là mạnh nhất trên thế giới và 88% giao dịch trên thế giới vẫn được thực hiện bằng USD, mặc dù tỷ trọng đóng góp của Mỹ trong GDP toàn cầu đã giảm từ mức gần 50% (sau Thế Chiến II) xuống 38% trong năm 1969 và xuống 24% tại thời điểm này.

Vẫn còn phải chờ xem - ở Mexico, Trung Quốc và những quốc gia khác – ông Trump sẽ giành được lợi ích gì thông qua việc tận dụng những vũ khí kinh tế.

Những gì đã rõ ràng là những quốc gia đồng minh và cả đối thủ quan tâm hơn hết là tìm kiếm giải pháp thay thế cho một hệ thống do Mỹ thống trị. Quá trình chuyển giao sẽ mất nhiều năm, tốn hàng đống chi phí và trải qua nhiều giai đoạn. Tuy nhiên, việc liên tục lạm dụng sức mạnh kinh tế của Mỹ đã khiến kịch bản không ai nghĩ tới trở nên khả dĩ hơn.

* Bài viết thể hiện quan điểm của Frederick Kempe. Ông là tác giả viết sách nổi tiếng, nhà báo từng đoạt giải thưởng, Chủ tịch kiêm CEO của Hội đồng Đại Tây Dương, một trong những viện nghiên cứu có ảnh hưởng nhất về những vấn đề toàn cầu.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - App Tài chính, Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại