“Canh bạc” cá tra
Nếu như cuối năm 2018, giá cá tra vụt tăng cao nhất trong lịch sử thì chỉ ít tháng sau, giá cá “rơi” xuống thấp nhất trong vòng 10 năm qua.
Cá tra “ sáng nắng, chiều mưa” và hiện tượng doanh nghiệp vỡ nợ hàng loạt khiến người nuôi lao đao diễn ra trong thời gian qua là do đâu?
Xuất khẩu không tăng nhưng diện tích sản lượng cá tra tăng dẫn đến cung vượt cầu.
Nuôi cá như đánh bạc
Ông Trần Văn Phú (huyện Châu Phú, tỉnh An Giang) cho biết, gia đình có 1ha nuôi cá tra, hiện cá đã quá lứa, một số doanh nghiệp chấp nhận mua cá tra tại ao với giá khoảng 19.500 đồng/kg kèm điều kiện 20 ngày sau mới trả tiền. “Với giá bán như vậy gia đình ông đã thua lỗ tiền tỷ” - ông Phú cho biết.
Thế nhưng, theo ông Phú, như vậy đã là may mắn rồi vì nhiều hộ nuôi cá nhỏ lẻ khác còn bị ép giá xuống 18.000 đồng/kg. “Mới vụ trước giá cá lên đến gần 40.000 đồng ai cũng hí hửng thế mà nay chỉ còn chưa đến một nửa, có ai ngờ, nuôi cá bây giờ có khác gì đánh bạc” - ông Phú ngán ngẩm.
Ông Dương Nghĩa Quốc, Chủ tịch Hiệp hội Cá tra Việt Nam (Vinapa) cho biết: Trong lúc chi phí đầu vào từ con giống, thức ăn… cái gì cũng tăng nhưng giá bán ra thì giảm tới mức giá 19.000 - 20.000 đồng/kg như hiện nay, người nuôi cầm chắc lỗ khoảng 3.000 - 5.000 đồng/kg.
Vẫn chuyện quy hoạch
Theo Hiệp hội chế biến, xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep): 6 tháng đầu năm 2019, kim ngạch xuất khẩu cá tra sang các thị trường chỉ đạt 961 triệu USD, bằng 40% kế hoạch của năm 2019. Nguyên nhân là do xuất khẩu sang thị trường HongKong-Trung Quốc chững lại, trong khi xuất khẩu sang thị trường Mỹ, Brazil và Colombia giảm. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu cá tra sang thị trường Mỹ giảm đến 40% sản lượng so với cùng kỳ, nguyên nhân là do tác động của việc tăng thuế bán phá giá trong đợt xem xét hành chính lần thứ 14 (POR14) từ thị trường này.
Trớ trêu thay, theo Vasep, mặc dầu xuất khẩu chậm lại nhưng diện tích, sản lượng thu hoạch cá lại tăng lên. Theo đánh giá của Tổng cục Thủy sản (Bộ NN&PTNT), tính chung 6 tháng đầu năm nay, diện tích nuôi cá tra đạt gần 4.000ha (tăng 9%), sản lượng đạt gần 650.000 tấn (tăng 7,7%) so cùng kỳ năm 2018. Trong đó, một số tỉnh nuôi cá tra trọng điểm đạt sản lượng lớn: Đồng Tháp ước đạt 204.900 tấn (tăng 6,4%), An Giang 175.400 tấn (tăng 13%), Cần Thơ 87.900 tấn (tăng 7,5%).
Tại An Giang, tỉnh được mệnh danh là “thủ phủ” của con cá tra, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình cũng thừa nhận địa phương vẫn chưa làm tốt quy hoạch vùng nuôi.
“Địa phương đang thực hiện quy hoạch lại ngành hàng theo hướng nâng cao chất lượng con giống, khuyến khích những người tham gia ngành hàng thực hiện mô hình liên kết. Những nơi không có lợi thế trong phát triển nuôi cá tra hay nằm ngoài quy hoạch thì kiên quyết không cho đào ao để nuôi, vì làm như thế sẽ phá vỡ quy hoạch, gây nên “thừa hàng, dội chợ”“, ông Bình cho biết.
Là chủ một doanh nghiệp có hơn 30 năm kinh nghiệm trong ngành thủy sản, ông Nguyễn Văn Kịch, Tổng giám đốc Công ty cổ phần xuất nhập khẩu thủy sản Cafatex cho rằng, bất cứ ngành hàng nào cũng phải vận hành theo quy luật cung cầu, ngành cá tra cũng không ngoại lệ. Để có thể quản lý được vùng nuôi, theo ông Kịch, bên cạnh quy hoạch thì cần dùng công cụ tín dụng để điều tiết sản lượng phù hợp với tình hình của thị trường theo từng thời điểm.
Chia sẻ về vấn đề này, Chủ tịch Vinapa - Dương Nghĩa Quốc, cho rằng, cá tra Việt Nam không còn “một mình một chợ” như trước đây, khi hiện đã có nhiều quốc gia bắt đầu nuôi cá tra để xuất khẩu cạnh tranh với Việt Nam. Vì vậy, ngoài việc nâng cao chất lượng cho cá tra từ khâu nuôi trồng cho đến chế biến thì khâu quảng bá, xây dựng thương hiệu và hình ảnh cá tra trên thị trường quốc tế cũng cần phải được quan tâm nhiều hơn.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận