Căng thẳng Trung - Ấn làm điêu đứng hoạt động kinh doanh ở biên giới “Con đường tơ lụa”
Không giống như những năm trước, mùa đông năm nay không mang lại nhiều hy vọng cho Gyalson, thương nhân ở Demchok - một trong những ngôi làng ở khu vực Ladakh, nơi Trung Quốc và Ấn Độ đang tranh chấp.
Mùa đông – thời điểm vàng cho các thương nhân Ấn Độ
Vào mùa đông, cuộc sống ở vùng núi cao trở nên khó khăn hơn khi nhiệt độ có thể xuống tới âm 40 độ C. Tuy nhiên, đối với những thương nhân như Gyalson, mùa đông là thời điểm vàng cho việc buôn bán. Tuyết rơi dày và lở đất đã chia cắt các ngôi làng và thị trấn Leh của khu vực Ladakh, đồng nghĩa với việc người dân buộc phải tìm kế mưu sinh ở phía đông Trung Quốc.
Căng thẳng biên giới giữa Ấn Độ và Trung Quốc đã diễn ra khoảng nửa thế kỷ. Tuy nhiên, ở Ladakh, các tuyến đường nối khu vực này với “Con đường tơ lụa” vẫn tiếp tục hoạt động. Điều này cho phép việc buôn bán giữa những ngôi làng tại khu vực biên giới phát triển mạnh mẽ.
Khi dòng sông Ấn chảy qua làng Demchok bị đóng băng, Gyalson thường mang theo bầy động vật chở hàng của mình và đi qua Trung Quốc với đầy hàng hóa như trái cây khô, bột mỳ, gia vị, len thô và gạo. Trong nhiều tháng, Gyalson đã chăm sóc cho những chú bò Tây Tạng và ngựa của mình để chuẩn bị cho cuộc hành trình tiếp theo.
“Tôi phải mất một ngày để đưa hàng hóa sang bờ bên kia, gần một nơi có tên là Dumchelle, nơi các thương nhân tập trung hàng hóa của họ. Đây là địa điểm mà chúng tôi trao đổi hàng hóa với người Trung Quốc”, anh Gyalson nói. “Sau đó, chúng tôi chất hàng lên các động vật chở hàng một lần nữa và quay trở lại làng trong đêm”.
Trao đổi hàng hóa, Gyalson nhận lại giày, thảm, chăn, quần áo, đồ sành sứ và đồ điện tử. “Vào mùa hè, chúng tôi thu thập hàng hóa từ khắp Ladakh để bán cho người Trung Quốc vào mùa đông. Đổi lại, chúng tôi mang hàng hóa từ Trung Quốc về và bán cho các nhà bán lẻ ở thị trấn Leh”, anh Gyalson cho biết.
Đối với nhiều người ở Ladakh, đây là cách duy nhất để kiếm sống và những cuộc trao đổi này đã diễn ra trong nhiều thập kỷ mà không bị gián đoạn.
Nhưng năm nay mọi thứ đã thay đổi. Quan hệ Ấn Độ và Trung Quốc đang đối mặt với tình trạng bất ổn. Căng thẳng giữa 2 quốc gia đã gia tăng trong 3 năm qua và đỉnh điểm là vụ đụng độ hồi tháng 6 ở thung lũng Galwan khiến 20 binh sĩ Ấn Độ thiệt mạng.
Hoạt động kinh doanh ở biên giới “Con đường tơ lụa” đem lại những gì?
Dorjay, một thương nhân 38 tuổi cho biết: “Chúng tôi đã được quân đội chỉ đạo rõ ràng là không đến gần khu vực biên giới và không được phép kinh doanh không chính thức. Vào mùa đông, tôi kiếm được khoảng nửa triệu rupee (tương đương 6.700 USD). Số tiền này đủ để tôi chăm lo cho gia đình trong một năm”.
Tashi Chhepal, một cựu sĩ quan quân đội Ấn Độ từng phục vụ ở miền đông Ladakh nhớ lại hoạt động kinh doanh được thực hiện với sự chấp thuận ngầm của quân đội 2 nước. “Chúng tôi có thể thấy các thương nhân từ Ấn Độ đi qua phía bên kia và các thương nhân Trung Quốc sẽ qua bên chúng tôi”, Chhepal nói.
Trong những năm qua, việc buôn bán phát triển đến mức các thương nhân Trung Quốc phải chở hàng hóa đến biên giới bằng xe tải. Thậm chí, những cây cầu tạm được xây dựng và việc buôn bán sẽ kéo dài qua cả mùa đông.
Hàng hóa Trung Quốc đã mang lại giá trị cho các chợ ở các thị trấn Ladakh. “Khách du lịch đến đây sẽ mua những thứ này vì giá tương đối rẻ hơn”, Gyalson nói.
Romesh Bhattacharji, một cựu quan chức ở Ladakh cho rằng, thương mại xuyên biên giới là một hoạt động kinh doanh “rộng lớn” và “được tổ chức rất tốt”.
“Hầu hết người dân ở những ngôi làng hoàn toàn phụ thuộc vào hoạt động kinh doanh này”, ông Bhattacharji nói và ước tính rằng, việc kinh doanh mang lại khoảng 300 triệu rupee (tương đương 4 triệu USD) khi ông đảm nhận công việc vào năm 2003 và tiếp tục tăng nhanh kể từ đó.
Theo tờ SCMP, Trung Quốc sẽ chấp nhận tiền Ấn Độ trong việc buôn bán và các nhà chức trách Ấn Độ sẽ sử dụng các thương nhân không chính thức để thu thập thông tin.
“Nhiều quan chức hàng đầu khác nhau nói với tôi rằng, họ cho phép những thương nhân này hoạt động vì họ cũng chuyển thông tin về phía Trung Quốc. Tôi chắc chắn rằng hoạt động thương mại đã được cơ quan tình báo của 2 nước sử dụng như một phương tiện để ‘theo dõi’ lẫn nhau”, Bhattacharji nói.
Người dân địa phương cho biết, các quan chức chính phủ cũng được hưởng lợi từ hoạt động kinh doanh này. “Các sĩ quan địa phương cũng như quân đội sẽ nhận được phần trong các giao dịch buôn bán”, Dorjay nói.
Căng thẳng Trung-Ấn làm tiêu tan “kế sinh nhai” của thương nhân Ấn Độ
Các thương nhân không chính thức cho biết, họ đã yêu cầu chính phủ Ấn Độ chính thức hóa hoạt động kinh doanh này. Năm 2019, Ấn Độ và Trung Quốc đã chuẩn bị ký kết một thỏa thuận về hoạt động này. Thêm vào đó, quân đội Ấn Độ đã phê duyệt việc mở một điểm giao thương với Trung Quốc tại Dumchelle. Đây được coi là biện pháp xây dựng lòng tin trước chuyến thăm Ấn Độ của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vào tháng 10/2019.
Một bài báo của tờ Hindustan Times cho rằng, việc xây dựng một con đường và trạm kiểm soát hải quan cũng đã được bắt đầu, nhưng quân đội đang chờ sự chấp thuận của Hội đồng Quốc hội Ấn Độ về vấn đề an ninh.
Tuy nhiên, căng thẳng ở biên giới đã khiến cho mọi việc phải dừng lại. Ấn Độ cáo buộc Trung Quốc chiếm đất ở khu vực Ladakh và thường xuyên xâm phạm biên giới. Theo cựu sĩ quan Chhepal, Dumchelle - nơi các thương nhân gặp gỡ và trao đổi hàng hóa, thuộc về phía Ấn Độ, nhưng hiện tại đang do Trung Quốc kiểm soát.
“Kể từ khi căng thẳng leo thang ở biên giới, cuộc sống của chúng tôi trở nên khó khăn. Việc buôn bán này là kế sinh nhai của chúng tôi”, Gyalson cho biết và nói thêm rằng, anh đã bắt đầu tìm kiếm các công việc khác ngay cả khi nhu cầu về hàng hóa rẻ hơn của Trung Quốc vẫn tiếp tục tăng./.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận