Căng thẳng tài chính, lạm phát đe dọa phục hồi kinh tế thế giới
Lĩnh vực dịch vụ đang hỗ trợ hồi phục kinh tế toàn cầu nhưng sức mạnh đó đang chịu áp lực bởi lạm phát, bất ổn từ ngành tài chính.
Tăng trưởng kinh tế toàn cầu tiếp tục phục hồi. Khảo sát kinh doanh công bố hôm 24/3 của đơn vị dữ liệu S&P Global cho biết hoạt động tháng 3 của các công ty Mỹ đã tăng nhanh nhất trong gần một năm. Tăng trưởng cũng diễn ra tại châu Âu. Nơi đây vẫn tránh được suy thoái dù trước đó, nhiều người từng lo ngại khi khủng hoảng Ukraine nổ ra, giá năng lượng tại đây sẽ tăng vọt.
Ngoài ra, Trung Quốc mở cửa cũng mang đến triển vọng tốt hơn cho kinh tế toàn cầu năm nay. Các dữ liệu cũng chỉ ra sự gia tăng hoạt động tại đây và một số nền kinh tế châu Á khác. Đơn cử, lĩnh vực dịch vụ của Nhật Bản tăng trưởng với tốc độ nhanh nhất kể từ tháng 10/2013 khi khách Trung Quốc quay lại.
Nhìn chung, đầu năm đến nay, giới chức Mỹ và châu Âu đã cố gắng điều hành nền kinh tế tránh các xu hướng nguy hiểm. Cùng với đó, các ngân hàng trung ương đã liên tục tăng lãi suất để hạ nhiệt lạm phát. Nhưng lãi suất cao đang tạo nhiều thách thức cho ngành tài chính. Nếu các ngân hàng thắt chặt tín dụng để đối phó với căng thẳng thì có thể làm cho nền kinh tế chậm lại và làm tăng nguy cơ suy thoái.
Theo Bloomberg Intelligence, chỉ riêng ngành công nghiệp đầu tư mạo hiểm trị giá 2.000 tỷ USD, sự sụp đổ của Silicon Valley Bank gần đây đã khiến các quỹ quyết định cắt giảm rót vốn từ 25% đến 30%, tương đương khoảng 500 tỷ USD.
Thực tế, chỉ báo niềm tin tháng 3 của các doanh nghiệp Mỹ đã giảm xuống mức thấp nhất trong ba tháng, theo S&P Global. Nguyên nhân là lo ngại về lạm phát, sự bất ổn của thị trường tài chính và chi phí vay cao hơn.
Gần đây, lãi suất tăng nhanh ở Mỹ và châu Âu đang khiến một số ngân hàng trở thành nạn nhân. Sự sụp đổ của Silicon Valley Bank và Signature Bank đã làm dấy lên lo ngại khủng hoảng lan rộng. Điều này buộc các cơ quan quản lý giải cứu những người gửi tiền không được bảo hiểm để ngăn chặn sự hoảng loạn.
Ở châu Âu, các cơ quan quản lý đã vận động UBS mua lại đối thủ lâu năm Credit Suisse, vốn đã suy yếu sau nhiều năm bê bối và thua lỗ. Cuối tuần này, lo lắng chuyển sang Deutsche Bank.
Phiên giao dịch hôm 24/3, cổ phiếu ngân hàng này niêm yết tại Mỹ lao dốc sau khi phí hợp đồng hoán đổi rủi ro vỡ nợ (CDS) của ngân hàng này tăng mạnh. Các nhà đầu tư ồ ạt bán tháo do lo ngại bất ổn của ngành ngân hàng châu Âu.
Ngay lập tức, tại hội nghị thượng đỉnh của các lãnh đạo châu Âu tại Brussels, Thủ tướng Đức Olaf Scholz khẳng định Deutsche Bank là doanh nghiệp có lãi và không có lý do gì phải lo lắng. Trong khi, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron trấn an là hệ thống ngân hàng rất vững chắc.
Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu Christine Lagarde nói eurozone có khả năng phục hồi vì có vốn mạnh và thanh khoản vững chắc. "Ngành ngân hàng khu vực đồng euro rất mạnh vì chúng tôi đã áp dụng các cải cách quy định đã được quốc tế thống nhất sau Cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu", bà nói.
Nhìn chung, các ngân hàng trung ương và cơ quan quản lý ở Mỹ, châu Âu cho biết những căng thẳng đã được ngăn chặn, nhưng có thể mất vài tháng trước khi niềm tin vào hệ thống ngân hàng khôi phục hoàn toàn.
Jens Magnusson, Kinh tế trưởng tại SEB (Thụy Điển) cho rằng có nhiều cơ hội để ngăn chặn rủi ro. "Chúng ta có trước nhiều tuần và thậm chí nhiều tháng để nhận ra bất kỳ dấu hiệu căng thẳng nào", ông nói.
Một vấn đề khác là tăng trưởng mạnh hơn ở các nền kinh tế lớn cũng đi kèm với mặt trái. Khảo sát của S&P Global chỉ ra tốc độ tăng chi phí của các doanh nghiệp đã chậm lại nhưng vẫn rất cao so với bình thường.
"Áp lực lạm phát dai dẳng, được thúc đẩy chủ yếu bởi lĩnh vực dịch vụ và chi phí tiền lương tăng cao, sẽ là mối lo ngại đối với các nhà hoạch định chính sách. Điều này cho thấy có thể cần nhiều nỗ lực hơn để đưa lạm phát xuống mức mục tiêu", Chris Williamson, Linh tế trưởng tại S&P Global Market Intelligence, cho biết.
Khi những căng thẳng trong hệ thống ngân hàng trở nên rõ ràng, các nhà đầu tư đã kỳ vọng những ngân hàng trung ương hàng đầu thế giới dừng tăng lãi suất. Nhưng cả Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) và Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) gần đây vẫn tiếp tục siết chặt tiền tệ. Điều này cho thấy khi lạm phát còn kéo dài thì thái độ "diều hâu" vẫn tiếp tục.
Các nhà kinh tế cho rằng mức độ sâu rộng của cuộc khủng hoảng ngân hàng sẽ quyết định con đường của nền kinh tế toàn cầu. Jesse Rogers, nhà kinh tế tại Moody's Analytics, đánh giá nếu không có vấn đề gì nữa thì đó là chuyện đã qua và nền kinh tế thế giới sẽ tiếp tục phát triển. "Nếu có khủng hoảng rộng hơn mà giờ chưa nhận ra thì chúng ta sẽ tiến tới suy thoái ở Mỹ cũng như hầu hết khu vực của nền kinh tế toàn cầu", ông nói.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận