Căng thẳng Mỹ - Trung Quốc và cuộc tranh giành ảnh hưởng ở châu Á
Trong bối cảnh địa chính trị hiện nay, Mỹ dường như muốn tận dụng cơ hội trong căng thẳng biên giới Trung - Ấn để tăng cường vai trò của mình ở khu vực.
Chỉ một tuần trước cuộc bầu cử Tổng thống, hai trong số các trợ lý an ninh quốc gia hàng đầu của Tổng thống Donald Trump là Ngoại trưởng Mike Pompeo và Bộ trưởng Quốc phòng Mark Esper đến thăm Ấn Độ. Sau đó, Ngoại trưởng Pompeo tiếp tục có chuyến công du tới Sri Lanka, Maldives và Indonesia. Chuyến thăm này được nhận định là nhằm tăng cường mối quan hệ song phương trong bối cảnh Mỹ muốn lôi kéo các quốc gia đồng minh ở châu Á hạn chế tầm ảnh hưởng của Trung Quốc tại khu vực.
Trong tuyên bố trước chuyến công du, Ngoại trưởng Mỹ Pompeo cho biết, tại mỗi chặng dừng chân, ông sẽ thảo luận với các quan chức nước chủ nhà về một loạt chủ đề song phương, đồng thời, phối hợp với mỗi quốc gia để tìm kiếm những phương thức hợp tác tốt nhất nhằm duy trì một khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở cũng như hạn chế tầm ảnh hưởng của Trung Quốc tại khu vực.
Đúng như tuyên bố, tại chặng dừng chân đầu tiên là Ấn Độ, Mỹ và nước chủ nhà đã ký một thỏa thuận quân sự về chia sẻ dữ liệu vệ tinh nhạy cảm trong bối cảnh có căng thẳng ở biên giới Ấn Độ -Trung Quốc. Thỏa thuận Hợp tác và Trao đổi Căn bản về Hợp tác Địa Vệ tinh, hay còn gọi là BECA, là một trong số ít các thỏa thuận và Mỹ ký kết với các đối tác thân cận. Thỏa thuận này cho phép Ấn Độ tiếp cận một loạt dữ liệu địa vệ tinh và hàng không quan trọng cho hoạt động quân sự. Những dữ liệu như vậy được coi là thiết yếu trong việc bắn trúng tên lửa, máy bay không người lái và các mục tiêu khác với độ chính xác cao.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Esper cho biết: “Trong vòng 15 năm qua, mối quan hệ quốc phòng giữa hai nước duy trì vai trò trụ cột chính trong các mối quan hệ song phương. Dựa trên những lợi ích và giá trị chung, chúng ta sẽ cùng sát cánh hỗ trợ vì một khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở, đặc biệt trong bối cảnh Trung Quốc đang gia tăng ảnh hưởng tại khu vực”.
Thỏa thuận này được ký tại thời điểm quan hệ Trung Quốc Ấn Độ đang diễn biến căng thẳng trên đường biên giới tranh chấp giữa hai nước ở vùng Himalaya.
Trong bối cảnh địa chính trị hiện nay, Mỹ dường như muốn tận dụng cơ hội trong căng thẳng biên giới Trung-Ấn để tăng cường vai trò của mình ở khu vực. Trong chuyến thăm, hai quan chức Mỹ cũng dự lễ tưởng niệm những quân nhân Ấn Độ thiệt mạng trong vụ đụng độ với quân đội Trung Quốc ở biên giới hôm 15/6 tại thung lũng Galwan ở vùng Ladakh.
Sáng 28/10, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo bắt đầu chuyến thăm chính thức 2 ngày tới Sri Lanka và sẽ có cuộc gặp với lãnh đạo cấp cao nước này để thảo luận về một số lĩnh vực trong quan hệ hai nước.
Trong một tuyên bố của Bộ ngoại giao Mỹ, chuyến thăm của ông Mike Pompeo nhằm nhấn mạnh những cam kết của Mỹ trong quan hệ đối tác với Sri Lanka, góp phần thúc đẩy các mục tiêu chung giữa hai nước vì một khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do, rộng mở. Đáng chú ý, chuyến thăm của ông Pompeo diễn ra hai tuần sau khi một phái đoàn cấp cao của Trung Quốc do Ủy viên Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Trung Quốc Dương Khiết Trì dẫn đầu đến thăm, làm việc tại Sri Lanka.
Chuyến thăm 4 quốc gia châu Á của Ngoại trưởng Mỹ diễn ra trong bối cảnh chỉ còn chưa đầy 1 tuần nữa diễn ra cuộc bầu cử tổng thống Mỹ và Tổng thống Donald Trump đang tìm cách đưa hình ảnh ứng viên đảng Dân chủ Joe Biden yếu thế trước Trung Quốc.
Đại sứ quán Trung Quốc tại Sri Lanka ngày 27/10 đã lên tiếng cáo buộc Mỹ lợi dụng chuyến thăm của ông Pompeo để can thiệp vào quan hệ giữa Trung Quốc và Sri Lanka. Trung Quốc hiện là một trong những nhà đầu tư lớn nhất vào các dự án cơ sở hạ tầng ở Sri Lanka thông qua Sáng kiến “Vành đai, Con đường”./.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận