Căng thẳng Mỹ-Trung: Nhật Bản, Hàn Quốc toan tính thế nào?
Theo các nhà phân tích, Hàn Quốc sẽ không muốn đối đầu với Trung Quốc khi nghiêng về phía Mỹ, trong khi Nhật Bản có thể tận dụng áp lực từ cuộc đối đầu này.
Vốn là những đối tác thân thiết của Mỹ tại Đông Á, Hàn Quốc và Nhật Bản được Washington kỳ vọng sẽ là lực lượng đứng bên cạnh trong cuộc đối đầu toàn diện với Trung Quốc. Trên thực tế, cả hai nước đều có những tính toán hết sức cẩn trọng.
Theo phân tích của các chuyên gia, ít có khả năng Seoul sẽ đi theo chủ trương cứng rắn của Mỹ với Trung Quốc để đối đầu trực diện với Bắc Kinh.
Tờ SCMP nhận định: “Bị kẹt giữa cuộc đối đầu Mỹ và Triều Tiên đã là một vấn đề kéo dài hàng thập niên đối với Hàn Quốc. Giờ đây, họ lại tiếp tục phải ứng phó với cạnh tranh Mỹ - Trung.”
Trung Quốc vốn là đối tác thương mại lớn nhất của Hàn Quốc, việc Seoul xuôi theo áp lực của Washington trong cuộc đối đầu với Trung Quốc là khó xảy ra.
Từ trước đến nay, quốc gia này luôn phải đứng giữa trong mối quan hệ giữa Trung Quốc, Nhật Bản, Nga. Trong khi đó, Seoul dường như coi Mỹ là đồng minh hoàn hảo vì khoảng cách ở xa và ít khả năng lấn át Hàn Quốc về vật chất. Dù vậy, nghiêng về Mỹ không có nghĩa là Hàn Quốc muốn ở thế đối đầu với Trung Quốc.
Tháng 4/2020, Chủ tịch Quốc hội Hàn Quốc Moon Hee-sang nói bảo Hàn Quốc chọn giữa Mỹ và Trung Quốc giống như hỏi một đứa trẻ xem thích bố hay mẹ hơn. “Chúng tôi không thể bỏ kinh tế vì an ninh, không thể bỏ an ninh vì kinh tế.”
Viễn cảnh duy nhất Seoul có thể cho phép Mỹ “khiêu chiến” với Trung Quốc là nếu Mỹ làm điều đó để bảo vệ Hàn Quốc. Ông Moon Hee-sang giải thích rằng người Hàn Quốc sẽ không muốn vướng vào cuộc cạnh tranh “trừ khi sự sống còn của chúng tôi gặp nguy hiểm”.
Trong khi đó, Nhật Bản có thể muốn tận dụng cơ hội trong cuộc cạnh tranh này. Gần như cùng thời điểm khi Mỹ lên án các hành vi “bắt nạt” láng giềng của Trung Quốc, đồng thời bác các yêu sách chủ quyền phi pháp của nước này ở Biển Đông, Nhật Bản cũng ra Sách trắng quốc phòng trong đó phê phán các yêu sách lãnh thổ của Trung Quốc.
Trung Quốc "đang tiếp tục cố gắng thay đổi hiện trạng ở Biển Hoa Đông và Biển Đông", Nhật Bản cho biết trong Sách trắng Quốc phòng. Sách trắng mô tả sự xâm nhập "không ngừng" ở vùng biển xung quanh nhóm đảo nhỏ mà hai quốc gia tuyên bố chủ quyền ở Senkaku/Điếu Ngư.
Có vẻ như mục tiêu của chính quyền Trump vừa là cố định chính sách với Trung Quốc, vừa gây ảnh hưởng đến hành vi của Bắc Kinh. Nếu vậy, điều đó có thể tạo ra không gian cho các động thái ngoại giao của Nhật Bản, mặc dù Tokyo sẽ cần cẩn trọng và khéo léo, tờ Japan Times nhận định.
Nhật Bản không thể kỳ vọng vào một cách tiếp cận “người đóng vai ác, người đóng vai thiện” để hưởng mọi lợi ích từ các diễn biến trong khi Mỹ phải đương đầu với hậu quả. Thay vào đó, họ có thể hành động để tối đa hóa áp lực và mang lại sự tích cực từ việc Bắc Kinh thay đổi hành vi, theo các nhà phân tích.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận