Căng thẳng Mỹ - Iran và nước cờ của Tổng thống Trump
Thanh Niên xin giới thiệu bài viết về căng thẳng Mỹ - Iran của Đại sứ Nguyễn Quang Khai, nhà ngoại giao có nhiều năm làm việc tại Trung Đông.
Rạng sáng ngày 8.1.2020, các Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) đã phóng một loạt tên lửa vào ba căn cứ quân sự của Mỹ tại Iraq, trong đó có căn cứ không quân Al-Asad thuộc tỉnh Anbar, vốn được coi là căn cứ lớn nhất của Mỹ tại Trung Đông để trả thù cho tướng Qassem Soleimani, nhân vật quyền lực thứ hai của Iran bị Mỹ tấn công giết chết ngày 3.1 vừa qua ở gần sân bay quốc tế Baghdad. Đây là cuộc tấn công trực tiếp đầu tiên của Iran vào căn cứ quân sự của Mỹ.
Phía Iran tuyên bố cuộc tấn công đã làm cho 80 lính Mỹ thiệt mạng và gây thiệt hại nặng nề cho căn cứ này. Phía Mỹ tuyên bố giảm thấp sự thiệt hại của vụ tấn công và cho rằng căn cứ Al-Asad bị hư hại nhẹ và không có lính Mỹ nào bị chết. Tuy nhiên, cần phải thừa nhận đây là một hành động phản ứng mạnh mẽ nhất của Tehran đối với Mỹ từ trước tới nay.
Hầu hết các tên lửa của Iran đều bắn trúng mục tiêu. Dù Tổng thống Mỹ Donald Trump có viết trên trang Twitter của mình là “mọi thứ đều ổn”, mặc dù lầu Năm góc hạ thấp mức độ thiệt hại, nhưng việc lần đầu tiên một căn cứ quân sự lớn của Mỹ tại Trung Đông bị tấn công là một đòn đau đối với Mỹ.
Việc các căn cứ quân sự của Mỹ tại Iraq bị tấn công đã bộc lộ một thực tế rằng, hệ thống phòng thủ của Mỹ hay còn được gọi là “Vòm sắt” được trang bị các tên lửa hiện đại Patriot không phải là không thể bị chọc thủng. Trong cuộc tấn công này, không một tên lửa nào của Iran bị bắn hạ!
Trái với những tuyên bố hết sức mạnh mẽ của Tổng thống Donald Trump khi liệt kê 52 mục tiêu bên trong lãnh thổ Iran để tấn công huỷ diệt Iran nếu Iran có bất cứ hành động quân sự nào chống lại Mỹ, đến nay 35 căn cứ quân sự và các lực lượng của Mỹ đóng dày đặc xung quanh Iran, nhưng mọi việc diễn tiến "êm đẹp".
Các nhà quan sát chính trị cũng đã nghĩ sẽ có một tuyên bố khẩn cấp hết sức cứng rắn của Tổng thống Donald Trump, nhưng phải gần 10 tiếng đồng hồ sau cuộc tấn công của Iran, ông Trump mới đưa được tuyên bố với lời lẽ khá ôn hoà: “Mỹ không muốn căng thẳng leo thang quân sự với Iran, Mỹ sẽ tăng cường các biện pháp trừng phạt mới chống Iran”.
Trên thực tế, Washington đã áp dụng tất cả các biện pháp cấm vận đối với Iran rồi, ông Trump tuyên bố như vậy chủ yếu là để giữ thể diện đối với dư luận trong nước.
Với việc tấn công giết chết tướng Qassem Soleiman của Iran, Tổng thống Trump nghĩ rằng sẽ giảm được sự chú ý của dư luận chĩa vào ông khi ông đang đứng trước nguy cơ bị luận tội và phế truất, đồng thời tranh thủ được phiếu của cử tri Mỹ trong cuộc bầu cử tổng thống tháng 11.2020 sắp tới. Tuy nhiên, Tổng thống Trump đã đi một nước cờ hết sức sai lầm và nguy hiểm, đem lại những hậu quả không có lợi cho nước Mỹ và chính bản thân ông.
Ông Trump không chỉ có những bước đi sai lầm trong quan hệ với Iran mà còn đối với khu vực Trung Đông nói chung. Thoả thuận hạt nhân Iran, mặc dù chưa toàn diện, nhưng đã góp phần vào hoà bình, ổn định ở khu vực cũng như trên thế giới. Trung Đông còn nhiều vấn đề, nhưng không quá đỗi căng thẳng. Bước vào Nhà trắng, ông Trump đã làm đảo lộn mọi tình hình, biến Trung Đông thành một lò lửa căng thẳng leo thang.
Chưa bao giờ Mỹ lại gặp khó khăn to lớn như vậy tại Trung Đông. Tình hình Trung Đông và quan hệ Mỹ-Iran sắp tới còn rất nhiều điều khó lường. Tuy nhiên, sau cuộc tấn công của Iran, chính quyền Tổng thống Trump buộc phải xem xét lại chính sách của mình đối với Iran, Iraq và khu vực. Sức ép về kinh tế và quân sự không những đã không buộc được Iran thay đổi chính sách mà còn tỏ ra cứng rắn hơn và sẵn sàng đối đầu với Mỹ.
Iran là một cường quốc ở khu vực cần phải có vai trò trong các vấn đề ở khu vực và trong tình hình như vậy, thay vì căng thẳng Mỹ cần cải thiện quan hệ với Iran và giảm bớt sự có mặt về quân sự của mình tại Trung Đông.
Mặc dù còn hết sức căng thẳng, nhưng đã xuất hiện những dấu hiệu hoà dịu. Một cuộc chiến tranh tổng lực sẽ đem lại hậu quả thảm khốc không chỉ cho Mỹ và Iran mà còn cho cả khu vực Trung Đông và thế giới. Cả Mỹ và Iran đều tuyên bố không muốn chiến tranh. Thay vì các tuyên bố ủng hộ Mỹ chống Iran, các nước đồng minh của Mỹ cũng cũng đã chuyển sang thái độ trung lập hơn.
Đặc biệt, trong tình hình nội bộ nước Mỹ đang bị chia rẽ, cuộc bầu cử Tổng thống đang đến gần, Tổng thống Trump rất khó nếu không muốn nói là không thể tiến hành một cuộc chiến tranh với Iran. Có thể nói, cuộc tấn công của Iran vào các căn cứ quân sự của Mỹ là một bước ngoặt, đưa tình hình khu vực chuyển sang một giai đoạn mới, mở ra khả năng đối thoại nhằm giải quyết các vấn đề ở Trung Đông.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận