Căng thẳng leo thang, đàm phán thương mại Mỹ-Trung sẽ ra sao?
Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP) trích các nguồn tin cho biết, Trung Quốc và Mỹ có thể tổ chức các cuộc đàm phán thương mại vào tháng 8 để đánh giá việc thực hiện chặng đầu tiên của thỏa thuận thương mại được ký kết vào tháng 1.
Bắc Kinh và Washington tiếp tục nhấn mạnh sẵn sàng thực hiện nghĩa vụ theo thỏa thuận thương mại, nhưng quan hệ giữa hai nước vẫn đang trên đà căng thẳng về một số vấn đề.
SCMP nhận định, mặc dù Trung Quốc đã tăng đáng kể việc mua các sản phẩm nông nghiệp từ Mỹ trong những tháng gần đây do đại dịch Covid-19, nhưng khối lượng này vẫn còn xa so với những gì phía Trung Quốc hứa hẹn trong giai đoạn đầu của thỏa thuận thương mại. Đồng thời, theo các nhà quan sát, yêu cầu đóng các tổng lãnh sự quán trên lãnh thổ của nhau, cũng như một số vấn đề khác, có thể làm suy yếu bất kỳ tiến trình nào đạt được trong các thỏa thuận thương mại.
Theo nhiều nguồn tin, Phó Thủ tướng Trung Quốc, ông Lưu Hạc và Đại diện thương mại Mỹ, ông Robert Lighthizer sẽ tham gia các cuộc đàm phán. Theo các điều khoản của thỏa thuận được ký kết vào ngày 15/1 và có hiệu lực một tháng sau đó, các cuộc đàm phán cấp cao sẽ được tổ chức sáu tháng một lần. Nguồn tin cho biết thêm, cuộc họp sẽ là “một bước ngoặt quan trọng”, cho phép cả hai bên đánh giá tiến trình của thỏa thuận.
Cũng theo nguồn tin này, do căng thẳng trong quan hệ giữa Washington và Bắc Kinh, các bên không thể hiện nhiều mong muốn tổ chức một cuộc họp vào lúc này. Tuy nhiên, họ có thể đồng ý tổ chức một cuộc điện đàm.
Trước đó, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo nói rằng Washington kỳ vọng Trung Quốc sẽ thực hiện nghĩa vụ của mình theo giai đoạn đầu tiên của hiệp định thương mại và cũng hy vọng sẽ thấy sự thay đổi trong hành vi của Trung Quốc. Đáp lại, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh khẳng định Trung Quốc hy vọng thỏa thuận thương mại với Hoa Kỳ vẫn có thể được thực hiện.
Theo văn kiện được ký kết vào ngày 15/1, Bắc Kinh sẽ mua từ Mỹ ít nhất 32 tỉ USD hàng nông sản trong vòng 2 năm; hơn 52 tỉ USD các sản phẩm năng lượng như dầu thô, khí tự nhiên hóa lỏng và nhiên liệu hóa dầu từ Mỹ; gần 40 tỉ USD các dịch vụ, bao gồm dịch vụ tài chính và khoảng 77,7 tỉ USD các hàng hóa công nghiệp Mỹ.
Như vậy, Trung Quốc cam kết sẽ mua tổng cộng hơn 200 tỉ USD hàng hóa Mỹ. Đổi lại, Washington cam kết sẽ không áp thêm thuế lên hàng hóa Trung Quốc nhưng sẽ không vội dỡ bỏ hoàn toàn các mức thuế quan đã áp. Mức thuế 25% với 250 tỉ USD hàng Trung Quốc nhập vào Mỹ vẫn giữ nguyên. Trong khi đó, mức thuế 15% được áp ngày 1/9/2019 lên 120 tỉ hàng nhập từ Trung Quốc sẽ giảm xuống mức 7,5%.
Các cuộc đàm phán thương mại mới Mỹ-Trung sẽ ra sao?
Giáo sư tại Đại học quốc gia Moscow (MGU), cựu thành viên Hội đồng khoa học tại Hội đồng An ninh Nga, nhà khoa học chính trị Andrei Manoilo cho biết, Mỹ cần những “con át chủ bài mới” trong vòng đàm phán thương mại tiếp theo với Trung Quốc.
“Mỹ dự định sẽ ép thỏa thuận thương mại theo hướng để Trung Quốc đồng ý với tất cả các điều khoản của mình. Để đạt được điều này, chính quyền của ông Trump đang tăng mức độ căng thẳng với Bắc Kinh. Mỹ đang gây áp lực lên Trung Quốc để sau đó dùng vị thế của kẻ mạnh đưa ra các điều kiện cho thỏa thuận thương mại. Ông Trump luôn hành động như vậy, đầu tiên ông ấy đưa “các tình huống đến mức cực đoan”, và sau đó đưa ra đề xuất với đối tác của mình vì tin rằng đối tác đã bị dồn vào chân tường và chắc chắn sẽ phải nhượng bộ. Tuy nhiên, chiến lược này sẽ không có kết quả với Trung Quốc”, ông Manoilo nhận định.
Ngoài ra, ông Manoilo chỉ ra một mục tiêu khác mà chính quyền của ông Trump đang hướng tới thông qua việc gia tăng đối đầu với Trung Quốc: “Đây là một nỗ lực nhằm chuyển hướng sự chú ý khỏi các vấn đề nội bộ ở Mỹ, như bất ổn, bạo lực ở các bang, thiệt hại kinh tế do đại dịch gây ra. Trung Quốc là “một cái cớ thuận tiện cho việc này”.
“Điều quan trọng đối với ông Trump là ông ấy phải chứng tỏ bản thân trước cử tri. Rõ ràng là trong lĩnh vực chính trị và kinh tế trong nước, ông Trump sẽ không thể đạt được kết quả nhanh chóng trước cuộc bầu cử. Trong lĩnh vực chính sách đối ngoại cách dễ nhất là thực hiện một chiến dịch PR. Đó là sử dụng con bài Trung Quốc, theo ông Trump là cuộc “xung đột” với Trung Quốc”, ông Manoilo nói thêm.
Trước đó, phát biểu tại Thư viện Tổng thống Richard Nixon ở bang California ngày 23/7, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cho biết trong bối cảnh Trung Quốc đẩy mạnh các động thái gia tăng ảnh hưởng trên toàn cầu, đã đến lúc Mỹ phải thay đổi đối sách với Bắc Kinh.
Người đứng đầu ngành ngoại giao Mỹ nhấn mạnh sự cần thiết phải tạo ra một liên minh mới để đối chọi với Trung Quốc, vì Trung Quốc đã đưa ra những thách thức mà “phương Tây chưa từng gặp phải trước đây”.
“Có lẽ đã đến lúc nên xây dựng một liên minh mới giữa các quốc gia có thế giới quan giống nhau. Chúng ta có nguồn lực, bây giờ chúng ta cần có quyết tâm”, ông Pompeo khẳng định. Ông kêu gọi Mỹ và các nước đồng minh sử dụng “cách tiếp cận quyết đoán và đa dạng hơn” nhằm gây sức ép với Trung Quốc.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận