Căng thẳng Biển Đen lên đến cao trào, giá lúa mì tăng không tưởng
Thị trường hàng hóa trong phiên giao dịch ngày hôm qua được phủ kín bởi sắc xanh khi căng thẳng địa chỉnh trị Nga và Ukraine được đẩy lên cao trào.
Diễn biến thị trường ngày 22/02
Các rủi ro gián đoạn tại vựa lúa mì của châu Âu đã khiến cho giá mặt hàng này tăng không tưởng, giá ngô cũng men theo đà tăng đó. Với đà tăng mạnh của hai mặt hàng trên, giá đậu tương cũng ghi nhận mức tăng ấn tượng. Nga là quốc gia dẫn đầu khối OPEC+ do đó lẽ dĩ nhiên mà mặt hàng này cũng chịu sự tác động đáng kể. Giá đường cũng ghi nhận các lực mua mạnh do ảnh hưởng từ thị trường chung.
Thông tin chung
Các quốc gia thuộc NATO liên tục đưa ra dự thảo về các biện pháp trừng phạt đối với Nga sau khi Tổng thống Nga Putin công nhận độc lập đối với các vùng ly khai tại Ukraina. Cụ thể, EU dự định đưa hàng trăm chính trị gia và quan chức Nga vào danh sách đen, cấm giao dịch trái phiếu nhà nước Nga và cấm xuất nhập khẩu với các vùng ly khai. Trong khi đó, Anh dự định sẽ cấm các công ty Nga mua và bán đồng Bảng Anh và Đô la Mỹ.
Thống đốc Cục dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Michelle Bowman kiến nghị hôm thứ Hai rằng ngân hàng trung ương Mỹ có thể tăng lãi suất với tốc độ nhanh hơn so với các chu kỳ trước, vì lạm phát hiện tại vẫn “quá cao”.
Trung Quốc công bố kế hoạch cắt giảm thuế và tăng các khoản thanh toán cho chính quyền địa phương như một phần trong nỗ lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Bộ trưởng Bộ Tài chính của quốc gia này cho biết việc cắt giảm thuế và phí vào năm 2022 sẽ vượt qua mức giảm 174 tỷ USD vào năm ngoái.
Các lệnh trừng phạt từ Anh dành cho Nga công bố vào thứ Ba bao gồm: trừng phạt 5 ngân hàng Nga, trong đó có 2 ngân hàng lớn nhất là Rossiya và Promsvyazbank. Động thái cũng được cho là khá nhẹ nhàng, mang tính biểu tượng, do Rossiya đã bị trừng phạt trong nhiều năm. Tuy nhiên chưa có thông báo nào cho lệnh cấm vận các sản phẩm hàng hoá từ Nga như nhiều bên trên thị trường dự đoán.
Lịch sự kiện
Phân tích kỹ thuật
1. Nhóm năng lượng
Giá dầu giảm nhẹ trong phiên trước đó khi làn sóng trừng phạt đầu tiên của Mỹ và châu Âu đối với Nga vì việc đưa quân vào phía đông Ukraine tuy nhiên điều này được giới đầu tư cho rằng có thể sẽ không làm gián đoạn các yếu tố về cung – cầu.
Thủ tướng Đức Olaf Scholz cho biết đã thực hiện các bước để ngăn chặn quá trình phê duyệt đường ống dẫn khí Dòng chảy phương Bắc 2 từ Nga do cuộc khủng hoảng ở Ukraine. Đường ống có tiềm năng cung cấp lên đến 55 tỷ mét khối dung tích/năm cho Châu Âu. Tổng công suất của hai chuỗi đường ống Dòng chảy phương Bắc và Dòng chảy phương Bắc 2 là 110 tỷ mét khối khí mỗi năm, tương đương khoảng 30% tiêu thụ của các quốc gia Châu Âu.
Đánh giá: Tiêu cực
2. Đường
Theo khảo sát của công ty tư vấn Archer, hơn 60% lượng đường xuất khẩu của Brazil niên vụ 2022/23 - khoảng 16.3 triệu tấn - đã được fix giá (hedged). Con số này cùng kì năm 2021 là 80.5%.
Đánh giá: Tích cực
3. Đậu tương
Theo “tài liệu số 1” do ủy ban trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc (CPC) và hội đồng nhà nước cùng ban hành, Trung Quốc sẽ tăng năng lực sản xuất đậu tương và hạt có dầu trong khi ổn định diện tích và sản lượng trồng ngũ cốc trong năm 2022 thông qua tăng trợ cấp cho các chương trình luân canh đất đai và thưởng cho nhà sản xuất dầu ăn chính, thúc đẩy chế độ xen canh ngô-đậu tương. Trước đó, cơ quan này đã đặt mục tiêu sản xuất 23 triệu tấn đậu tương vào cuối năm 2025, tương đương tăng 40% so với mức ước tính niên vụ 21/22. Ngoài ra, Trung Quốc cũng sẽ kiểm soát chặt chẽ việc sản xuất ethanol nội địa và tăng giá tối thiểu cho việc chính phủ thu mua lúa mì và gạo trong năm 2022.
Sàn giao dịch ngũ cốc Buenos Aires (BAGE) cho biết, sản lượng đậu tương của Argentina còn có thể tiếp tục giảm so với các ước tính trước do thiếu mưa ở các vùng trồng trọt quan trọng của đất nước và việc thu hoạch có thể bị trì hoãn cho đến giữa tháng 3, gây ra thiệt hại đáng kể về năng suất gieo trồng. Năng suất có thể kết thúc thấp hơn so với mức trong niên vụ 2017/18 - khi đậu tương giảm xuống 2.9 tấn/ha.
Trung Quốc sẽ giải phóng đậu tương và dầu ăn từ dự trữ trung ương để tăng nguồn cung cho thị trường, Cục dự trữ của nước này cho biết vào thứ Ba. Tuy chưa có con số công bố chính thức cho đợt mở kho này, có nguồn tin cho biết rằng Trung Quốc sẽ bán 5 triệu tấn đậu tương và 500.000 tấn dầu đậu.
Đánh giá: Tích cực
4. Dầu thực vật
Trong bối cảnh ước tính sản lượng đậu tương niên vụ 21/22 của Argentina có nguy cơ tiếp tục sụt giảm, giá dầu đậu tương cũng được hỗ trợ trước việc các hoạt động ép đậu tương của Argentina trong tháng 1 ghi nhận giảm 15% so với tháng trước do tồn kho đậu tương thấp, thấp hơn kỳ vọng của thị trường. Argentina hiện là nước xuất khẩu dầu đậu lớn nhất thế giới, chiếm khoảng 47% thị phần xuất khẩu toàn cầu.
Giá dầu cọ đạt đỉnh mới khi căng thẳng Nga – Ukraina leo thang làm tăng giá dầu thô và dữ liệu xuất khẩu tốt vượt dự tính. Theo công ty khảo sát tàu hàng SGS, xuất khẩu dầu cọ của Malaysia trong tháng 2 tính đến ngày 20/2 đạt 817 nghìn tấn, tăng 30.5% so với cùng kì năm ngoái. Trong khi đó, theo ước tính từ Hiệp hội Dầu cọ Malaysia, sản lượng của dầu cọ quốc gia này tính đến ngày 20/2 giảm 1.8% so với cùng kì tháng trước.
Đánh giá: Tích cực
5. Lúa mì
Bất chấp tình hình chính trị bất ổn tại biển Đen, xuất khẩu lúa mì của Ukraina vẫn tiếp tục tăng. Cụ thể, theo thông tin từ Bộ Nông nghiệp Ukraina, xuất khẩu lúa mì của quốc gia này đạt 300 nghìn tấn trong tuần vừa qua, tăng 34% so với cùng kì năm ngoái. Luỹ kế xuất khẩu của Ukraina trong niên vụ 2021/22 tăng mạnh, đạt 17.8 triệu tấn trong khi niên vụ còn kéo dài đến hết tháng 6 và cả niên vụ trước quốc gia này chỉ xuất khẩu 16.6 triệu tấn. Theo phân tích từ S&P Global, Ukraina sẽ xuất khẩu khoảng 22.5 triệu tấn lúa mì trong niên vụ 2021/22, trong khi theo dự báo của USDA thì con số này là 24.2 triệu tấn. Tuy nhiên, điều tiên quyết hiện tại đã được thị trường phản ánh rõ khi căng thẳng tại vựa lúa mì của châu Âu sẽ tác động rất lớn đến nguồn cung lúa mì ra thị trường thế giới, đẩy giá lúa mì tăng lên mức cao không tưởng.
Đánh giá: Tích cực
6. Ngô
Công ty tư vấn AZ Group có trụ sở tại Argentina nói với Agricensus rằng ngô trồng sớm ở vùng trọng điểm của Argentina dự kiến sẽ giảm năng suất từ 10-30% so với ước tính ban đầu. Hiện tượng thời tiết “La Nina” lần thứ hai liên tiếp này đã dẫn đến hạn hán nghiêm trọng ở các vùng nông nghiệp của đất nước. Các nhà dự báo đang hy vọng hiện tượng này sẽ duy trì cho đến hết tháng 5, tuy nhiên có khả năng trì hoãn các cơn mưa trong các tháng quý 3, tương đương hết niên vụ 21/22. Mặt khác, căng thẳng tại khu vực xuất khẩu ngô đứng thứ 4 trên thế giới là Ukraine đang khiến cho thị trường lo ngại rằng sẽ có một đợt đứt gãy nguồn cung, do đó giá mặt hàng này đã tăng rất mạnh. Yếu tố về rủi ro chính trị Nga và Ukraine vẫn sẽ tiếp tục hỗ trợ cho đà tăng giá của mặt hàng này trong thời gian tới.
Đánh giá: Tích cực
--------
Bài phân tích được thực hiện bởi đội ngũ Phân tích CTCP Saigon Futures - TVKD xuất sắc của Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam năm 2020. Mọi thắc mắc về thị trường và tư vấn đầu tư, Quý NĐT vui lòng liên hệ:
Theo dõi người đăng bài
Tiếp cận các chuyên gia VIP/PRO hàng đầu của 24HMONEY
Nhận ngay bài viết tài chính chuyên sâu
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận