Cảng Quy Nhơn tăng trưởng thế nào sau khi 'bán' cho Công ty Hợp Thành?
Theo tìm hiểu của VietnamFinance, sau cổ phần hoá (CPH), doanh thu bình quân của cảng Quy Nhơn đạt 552,31 tỷ đồng/năm, tăng gần 47,47% so với giai đoạn trước cổ phần hóa (chỉ đạt hơn 374,5 tỷ đồng/năm). Lợi nhuận trước thuế tăng gần 330% từ 20,71 tỷ đồng/năm lên hơn 89 tỷ đồng/năm.
Như vậy, việc tăng trưởng doanh thu mạnh mẽ của Cảng Quy Nhơn sau CPH khi Công ty CP Khoáng sản Hợp Thành (sau đây gọi tắt là Công ty Hợp Thành) vận hành là điểm sáng tích cực trong thương vụ “bán” cảng biển này. Tuy nhiên, đó cũng là thách thức khi hiện nay Cảng Quy Nhơn đã chuyển về Vinalines quản lý.
Được biết, Cảng Quy Nhơn thành lập từ đầu năm 1976, do Cục Đường biển trực tiếp quản lý. Cuối năm 2009, Bộ GTVT chuyển cảng này từ Cục Đường biển về Vinalines. Doanh nghiệp này sau đó chuyển cảng Quy Nhơn thành Công ty TNHH MTV hạch toán độc lập, là công ty con của Vinalines.
Năm 2013, doanh nghiệp chuyển đổi mô hình hoạt động sang công ty cổ phần, với tên gọi Công ty CP Cảng Quy Nhơn với vốn điều lệ hơn 404 tỷ đồng, trong đó Vinalines nắm giữ hơn 75%, còn lại các cổ đông nắm giữ 24,9%. Tuy nhiên, sau đó số cổ phần Vinalines nắm giữ đã được chuyển giao cho Công ty Hợp Thành.
Tại kết luận thanh tra ngày 17/9/2018, Thanh tra Chính phủ cho rằng, việc cổ phần hóa cảng Quy Nhơn có nhiều điểm chưa đúng với quy định của pháp luật nên đã kiến nghị giao Bộ GTVT chủ trì, thu hồi hơn 75% cổ phần tại cảng Quy Nhơn đã chuyển nhượng cho Công ty Hợp Thành.
Ngày 29/5, Vinalines đã chính thức tiếp nhận lại hơn 30,3 triệu cổ phần cảng Quy Nhơn (mã QNP, tương ứng 75,01% vốn điều lệ) từ Công ty CP Khoáng sản Hợp Thành.
Một tháng sau đó (ngày 29/6), Vinalines chính thức tiếp nhận quyền quản lý, điều hành tại đại hội đồng cổ đông cảng Quy Nhơn ngày 29/6. Đồng thời, hoàn thiện đội ngũ cán bộ chủ chốt mới điều hành Cảng.
Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là làm thế nào để tiếp tục duy trì mức lãi ấn tượng tại cảng Quy Nhơn là bài toán không dễ cho Vinalines. Đặc biệt, với mục tiêu nâng cao sản lượng hàng hóa thông qua cảng là 8,9 triệu tấn, trong đó hàng container là 145.000 TEUs. Tổng doanh thu mục tiêu là 770 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế là 125 tỷ đồng. Nên nhớ, mức doanh thu này cao gấp 2 lần trước khi cảng tiến hành cổ phần hoá.
Trao đổi với VietnamFinance, lãnh đạo Vinalines cho biết: để tiếp tục duy trì mức tăng trưởng tại cảng Quy Nhơn, Vinalines sẽ chỉ đạo thông qua những người đại diện phần vốn tại cảng, tiếp tục tìm kiếm khách hàng mới làm điểm gom hàng hóa từ các địa phương.
Ngoài ra, sẽ đẩy mạnh hợp tác liên doanh với đối tác để khai thác bãi, phương tiện, thiết bị phục vụ xếp dỡ container chuyên dụng, tăng trưởng dịch vụ cung ứng xăng dầu. Đồng thời, phát triển hệ thống CNTT để rút ngắn thời gian khai thác hàng hóa, nâng cao hiệu quả khai thác, tập trung nguồn lực để hoàn thiện năng lực xếp dỡ cho cảng.
“Đặc biệt, Vinalines đang nghiên cứu để đầu tư thêm vốn vào cảng Quy Nhơn để nâng cao năng lực cạnh tranh, hiệu quả khai thác”, vị lãnh đạo này nói.
Liên quan đến việc tiếp tục đền bù như thế nào cho Công ty Hợp Thành khi cảng Quy Nhơn có lãi sau 5 năm vận hành? Lãnh đạo Vinalines cho biết: "Hiện hai bên đã hoàn tất công tác chuyển giao quyền quản lý và điều hành cảng Quy Nhơn. Theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ GTVT, Công ty Hợp Thành đang thực hiện tính toán giá trị lợi ích của nhà đầu tư, sau khi hoàn thành sẽ chuyển cho Vinalines xem xét rà soát có ý kiến thống nhất và báo cáo cấp có thẩm quyền quyết định"
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận