Càng quản, giá heo càng phi mã
Câu chuyện về giá thịt heo tăng phi mã đã được đưa lên nghị trường Quốc hội cho thấy thị trường này ngày càng nóng.
Giá thịt heo còn “trên nóc”
Hôm qua 9.6, giá heo hơi trên cả nước đã rời mốc 100.000 đồng/kg nhưng vẫn neo ở mức rất cao, từ 90.000 - 96.000 đồng/kg tùy địa phương. Heo hơi cao, giá thịt heo bán lẻ tại các chợ dân sinh bị đẩy lên chót vót. Tại chợ Bến Thành (Q.1, TP.HCM), thịt ba rọi rút sườn 250.000 đồng/kg, cốt lết 150.000 đồng/kg, sườn non 260.000 đồng/kg. Giá bán lẻ thịt heo của Vissan trong siêu thị cũng giữ mức giá đã điều chỉnh từ cuối tháng 2.
Theo đó, cao nhất là sườn non 280.000 đồng/kg, ba rọi 200.000 đồng/kg, nạc nọng 240.000 đồng/kg, cốt lết 138.000 đồng/kg…
Trả lời thắc mắc của các đại biểu Quốc hội về điều hành giá thịt heo, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến trong phiên thảo luận tại kỳ họp Quốc hội chiều 8.6 đã thừa nhận giá thịt heo vẫn còn “rất căng thẳng”. Thế nên, sau khi kêu gọi doanh nghiệp tăng nhập khẩu thịt heo đông lạnh vào cuối năm qua, ngày 27.5 vừa qua, lần đầu tiên Bộ NN-PTNT đã cho phép nhập khẩu heo sống để “hạ nhiệt”.
Đáng lưu ý, trong khi heo sống từ Thái Lan chưa được nhập chính thức vào Việt Nam, thông tin từ các thương lái, lượng heo lậu từ Thái Lan, qua đường Campuchia và Lào vẫn... được tuồn vào Việt Nam lâu nay. Thương lái tên T. ở miền Nam thông tin, thường heo lậu từ các nước về khu vực gần cửa khẩu Nậm Cắn, Thông Thụ (Nghệ An), Lao Bảo (Quảng Trị), Cha Lo (Quảng Bình), Lệ Thanh (Gia Lai)... rồi được chuyển ra Bắc hoặc về Nam tiêu thụ. “Riêng các cửa khẩu miền Tây đang được kiểm soát chặt nên lượng heo về mấy hôm nay giảm mạnh. Heo về đa số chất lượng kém do di chuyển đường dài, mệt lại nằm chờ ở biên giới lâu ngày”, ông T. thông tin.
Cập nhật thông tin từ Bộ NN-PTNT, đến nay đã có 70.000 tấn thịt heo đông lạnh các loại được nhập về và được tiêu thụ khá mạnh trong nước. Ông Lâm Văn Nam, Giám đốc Công ty TNHH Bảo Minh An chuyên nhập khẩu thịt heo đông lạnh từ nhiều thị trường, cho biết doanh số bán ra của công ty đã tăng hơn gấp đôi so với thời điểm trước dịch.
“Thị trường bán tốt hơn rất nhiều vì thịt heo “nóng” cao quá, vẫn còn trên nóc và cao gấp đôi giá thịt đông lạnh. Trước dịch Covid-19, trung bình mỗi ngày chúng tôi bán 200 - 300 kg thịt heo, nay bán được 700 kg. Thực tế, thịt heo nhập để đưa vào siêu thị rất khó. Hiện chúng tôi có bán trong hệ thống siêu thị BigC và một số cửa hàng tiện lợi nhưng rất ít. Hệ thống siêu thị nội địa như Co.op Mart thì hầu như không “chơi” với thịt đông lạnh”, ông Nam nói.
Quản lý giá bằng áp mệnh lệnh hành chính là “thua”
Ông Phùng Đức Tiến cho rằng, nguyên nhân khiến giá thịt heo “căng thẳng” do việc tái đàn gặp khó khăn vì ảnh hưởng dịch tả lợn châu Phi. Hiện trong nước có gần 26 triệu con heo, ông Tiến hy vọng giá sẽ hạ nhiệt vào khoảng tháng 7 - 8, khi nguồn cung cơ bản đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước. Về phía nhà kinh doanh, ông Lâm Văn Nam cho rằng, thị trường thịt heo “nóng” chỉ hạ nhiệt khi thịt heo đông lạnh được người tiêu dùng mua lẻ nhiều hơn. Có sự cạnh tranh về giá tự khắc nhu cầu mua thịt “nóng” sẽ “nguội” lại”.
PGS-TS Ngô Trí Long, chuyên gia kinh tế, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính), cho rằng giá thịt heo được đưa lên bàn nghị sự hoàn toàn đúng. Các cơ quan quản lý giá ngay từ đầu không điều hành giá thịt heo bằng cơ chế cung - cầu mà áp biện pháp hành chính buộc phải xuống 75.000 đồng/kg rồi 70.000 đồng/kg.
“Càng quản lý theo mệnh lệnh hành chính càng “thua” trong cơ chế thị trường. Bộ NN-PTNT vui quá sớm khi phát thông tin cho rằng, 15 doanh nghiệp chăn nuôi lớn đã giảm giá heo hơi xuống 70.000 đồng/kg. Giảm đâu được vài bữa, bán ra nhỏ giọt vài trăm con, các công ty đã đẩy giá lên 81.000 đồng/kg. Nay Bộ NN-PTNT phối hợp với Bộ Công thương cho nhập thịt đông lạnh, rồi nhập heo sống... Bộ hứa tháng 7 - 8 thị trường sẽ bình ổn, nhưng qua đây cho thấy sự yếu kém trong quản lý điều hành. Đó cũng là lý do khiến người tiêu dùng bảo mua thịt rẻ chỉ có lên ti vi mà mua”, ông Long bức xúc.
Ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hội Siêu thị Hà Nội, bổ sung nay Bộ NN-PTNT bảo nguyên nhân do tái đàn không kịp, do dịch tả lợn châu Phi nên thị trường hụt nguồn cung. Trước đây, cũng chính Bộ này khẳng định thịt heo không thiếu nhiều. Thế nên mới có chuyện các công ty neo giá. Trong khi thực tế, heo được nuôi trong dân chết vì dịch rất nhiều. “Quản lý điều hành thị trường theo quan hệ cung - cầu, Bộ NN-PTNT nên nhìn thẳng điều này để chỉnh đốn, thay đổi tư duy để quản lý tốt hơn”, ông Phú nhấn mạnh.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận