Càng làm càng lỗ vì định mức, đơn giá bất cập
Định mức, đơn giá vừa thiếu vừa thấp hơn thực tế khiến nhà thầu càng làm càng lỗ! “Cùng với giải phóng mặt bằng, các vấn đề định mức, đơn giá, cung ứng vật liệu là “nóng” nhất hiện nay, ảnh hưởng đến tiến độ dự án”, theo ông Nguyễn Tuấn Anh, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn.
Đơn giá nhân công do các địa phương ban hành các bậc chỉ khoảng 200.000-300.000 đồng/ngày, trong khi thực tế thị trường lao động phổ thông, chưa qua đào tạo cũng đã 400.000-500.000 đồng/ngày. Ảnh: T.L
Ông Nguyễn Tuấn Anh nói vậy trong hội nghị do Bộ Xây dựng và Bộ Giao thông Vận tải tổ chức đầu tuần này, nhằm triển khai Công điện số 02/CĐ-TTg của Chính phủ, yêu cầu tập trung tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc liên quan đến định mức, đơn giá xây dựng; khai thác, cung ứng vật liệu xây dựng cho các dự án, công trình giao thông trọng điểm, quan trọng quốc gia.
Hội nghị do Thứ trưởng Bộ Xây dựng Bùi Hồng Minh và Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Lê Anh Tuấn đồng chủ trì và kết nối trực tuyến với 46 địa phương có các dự án, công trình giao thông trọng điểm, quan trọng quốc gia.
Dù bị chủ tọa ngắt lời hơn một lần vì phát biểu quá thời gian cho phép, ông Phùng Tiến Thành, Phó chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Đèo Cả, vẫn “xin nói” vì các bất cập rất nhức nhối, nhà thầu kiến nghị nhiều tháng nhưng chưa có kết quả.
Ông Thành cho biết, định mức xây dựng hiện áp dụng theo Thông tư 12/2021/TT-BXD của Bộ Xây dựng ban hành ngày 31-8-2021. Tuy nhiên, nhiều định mức không phản ánh đúng hao phí thực tế trên công trường, định mức mới có xu hướng cắt giảm so với định mức cũ; đồng thời, còn thiếu nhiều định mức. Ví dụ, thi công móng cấp phối đá dăm trước đây định mức hao phí vật liệu là 1,42 mét khối đá/mét khối móng hoàn thiện, đến Thông tư 12 nói trên thì hao phí vật liệu chỉ còn 1,34 mét khối đá/mét khối móng hoàn thiện. Như vậy, hao phí vật liệu để hoàn thiện 1 mét khối móng cấp phối đá dăm đã giảm, trong khi hao hụt thi công theo định mức vật liệu là không đổi. Hoặc, việc tận dụng đá để đắp nền đang áp dụng ở rất nhiều dự án trọng điểm, nhưng định mức đắp đá và hệ số lu lèn vẫn chưa được ban hành.
Đơn giá nhân công do các địa phương ban hành cũng bất cập. “Theo đơn giá của địa phương, giá nhân công các bậc chỉ khoảng 200.000-300.000 đồng/ngày. Trong khi thực tế thị trường lao động phổ thông, chưa qua đào tạo cũng đã 400.000-500.000 đồng/ngày. Ngày nghỉ, ngày lễ phải nhân đôi, nhân ba nhưng không có định mức, dự toán nào tính cho”, đại diện Tập đoàn Đèo Cả phản ánh.
Các bộ – đặc biệt là Bộ Xây dựng, Bộ Giao thông Vận tải và địa phương (nhất là những tỉnh, thành có dự án, công trình trọng điểm), phải nhanh chóng vào cuộc tháo gỡ những vướng mắc hiện nay về định mức xây dựng. Nếu cứ để doanh nghiệp “càng làm càng lỗ” sẽ ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân các dự án hạ tầng
Bên cạnh đó, bộ định mức hiện nay còn thiếu nhiều dẫn đến khó khăn trong việc áp dụng khi lập dự toán và nghiệm thu, thanh toán, quyết toán. “Điển hình như dự án Quảng Ngãi – Hoài Nhơn chúng tôi đang thi công, hạng mục đắp đá, đắp đất lẫn đá chưa có định mức để áp dụng. Vì vậy, nhà thầu phải tạm thanh toán theo đơn giá đắp đất – ảnh hưởng lớn đến công tác thu hồi vốn và tài chính của nhà thầu. Chúng tôi đã rà soát từ thực tế các dự án đang triển khai và có văn bản gửi Cục Quản lý đầu tư xây dựng, Bộ Giao thông Vận tải, kiến nghị về 30 định mức mới cần bổ sung”.
Chia sẻ với những vướng mắc của Đèo Cả, ông Nguyễn Tuấn Anh, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn, nhấn mạnh bất cập trong định mức thi công cấp phối đá dăm “rất nhức nhối, ảnh hưởng đến hiệu quả kinh tế của nhà thầu”. Cùng với đó, ông bổ sung vướng mắc trong dự toán vận chuyển vật liệu đổ đi. Cụ thể, khi hậu kiểm, các cơ quan thanh tra, kiểm tra yêu cầu phải lấy loại xe cho ra dự toán thấp nhất để điều chỉnh dự toán (dùng xe tải trọng lớn, đi ít chuyến – PV). Nhưng thực tế, do vướng mặt bằng, đa số dự án không thể vận chuyển nội tuyến theo hồ sơ thiết kế mà phải sử dụng đường vòng, đường địa phương – những đường này yêu cầu xe tải trọng thấp chỉ 8-10 tấn. Vì vậy, chi phí vận chuyển chênh rất lớn với xe 20 tấn.
Đặc biệt, theo phản ánh tại hội nghị, thời gian qua, nhà thầu rất vất vả trong việc thực hiện các thủ tục cấp phép khai thác mỏ theo cơ chế đặc thù. Thực tế các thủ tục từ lúc lập đến khi cấp phép khai thác kéo dài khoảng tám tháng, nguyên nhân do chưa có hướng dẫn rõ ràng từ đầu, các địa phương hiểu, áp dụng khác nhau theo hướng an toàn, thận trọng, dẫn đến thủ tục kéo dài. “Tiến độ thi công dự án hai đến ba năm do thi công trên vùng xử lý nền đất yếu phải chờ thời gian gia tải từ 8-14 tháng. Tuy nhiên, thủ tục cấp mỏ vật liệu hàng năm chưa xong. Ký hợp đồng xong nhà thầu phải thi công rồi, mà tiến độ khai thác mỏ như vậy thì không bảo đảm tiến độ dự án”, ông Nguyễn Tuấn Anh nói.
Bên cạnh đó, vấn đề lớn nhất là xác định giá vật liệu tại mỏ theo cơ chế đặc thù. Hiện nay nhiều đầu mục chi phí nhà thầu trực tiếp thực hiện để khai thác mỏ vật liệu chưa được hướng dẫn cụ thể để làm cơ sở giám sát, nghiệm thu như: chi phí giám sát, thẩm định, phê duyệt phương án xây dựng, khai thác mỏ; đền bù cây trồng, hoa màu, tài sản trên đất; đào bóc tầng phủ; đường tiếp cận mỏ; rà phá bom mìn…
Đặc biệt, nhà thầu phải tự thỏa thuận, đền bù đất và tài sản trên đất mỏ với các chủ sở hữu, người dân nên rất khó khăn và kéo dài. “Giá đền bù mỏ là bao nhiêu? Chúng tôi duyệt giá đó rồi thì cơ sở pháp lý đã đủ chưa? Chúng tôi xây dựng giá đền bù dự tính theo các mỏ trước đây là 400 triệu đồng/héc ta nhưng thực tế có khi phải đền bù 1,2-1,4 tỉ đồng/héc ta”, đại diện Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn chia sẻ và cho rằng nếu cơ quan quản lý nhà nước có hướng dẫn chung để các nhà thầu áp dụng sẽ tốt hơn.
Cũng do vướng mắc trong xác định giá vật liệu tại mỏ nên các chủ đầu tư và ban quản lý dự án chỉ tính cho các nhà đầu tư 70% đơn giá theo hợp đồng. Điều này khiến nhà thầu khó khăn về nguồn vốn thi công và còn tiềm ẩn rủi ro về vấn đề hậu kiểm, do đây là các công trình chỉ định thầu.
Để nhanh chóng giải quyết các bất cập này, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Bùi Hồng Minh đề nghị thành lập một tổ công tác giữa Bộ Xây dựng và Bộ Giao thông Vận tải. Tổ công tác sẽ có trách nhiệm rà soát định mức nào còn thiếu, chưa phù hợp, chưa cập nhật và phân loại cái nào thuộc Bộ Xây dựng, cái nào thuộc Bộ Giao thông Vận tải để bổ sung, điều chỉnh và ban hành mới. Dự kiến trong quí 1-2024 Bộ Xây dựng sẽ ban hành bổ sung 318 định mức theo thẩm quyền. Cùng với đó, tiếp tục rà soát, ban hành bổ sung các định mức còn thiếu hoặc không phù hợp. Cũng trong quí 1-2024, Bộ Giao thông Vận tải sẽ ban hành mới và điều chỉnh bổ sung 547 định mức dự toán công trình.
Theo Nghị định 10/2021/NĐ-CP về quản lý chi phí đầu tư xây dựng (điều 43), các bộ quản lý công trình xây dựng chuyên ngành và UBND cấp tỉnh ban hành định mức xây dựng cho các công tác đặc thù của chuyên ngành, định kỳ rà soát và gửi những định mức xây dựng mới, định mức điều chỉnh về Bộ Xây dựng để theo dõi, quản lý. Vì vậy, các bộ – đặc biệt là Bộ Xây dựng, Bộ Giao thông Vận tải và địa phương (nhất là những tỉnh, thành có dự án, công trình trọng điểm), phải nhanh chóng vào cuộc tháo gỡ những vướng mắc hiện nay về định mức xây dựng. Nếu cứ để doanh nghiệp “càng làm càng lỗ” sẽ ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân các dự án hạ tầng và làm chậm nhịp phục hồi kinh tế của đất nước.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận