Cẩn trọng với vốn FDI Trung Quốc
Việc dòng vốn FDI Trung Quốc chảy mạnh vào Việt Nam là tín hiệu tích cực, nhưng tiềm ẩn không ít rủi ro khó lường.
Vốn FDI Trung Quốc vào Việt Nam đã tăng mạnh trong 5 tháng đầu năm 2019, đạt 2 tỷ USD. Trong đó, phần đăng ký cấp mới đạt 1,56 tỷ USD, tăng 450% so với cùng kỳ 2018.
Không nên hút FDI bằng mọi giá
Sở dĩ vốn FDI Trung Quốc chảy mạnh vào Việt Nam là do Mỹ liên tục tăng thuế suất nhập khẩu với hàng hóa của Trung Quốc, khiến các doanh nghiệp Trung Quốc phải dịch chuyển sản xuất sang các quốc gia khác, trong đó có Việt Nam để “né” thuế quan của Mỹ.
ĐBQH Lê Công Nhường - Ủy viên Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội cho rằng, đối với vốn FDI đăng ký của Trung Quốc tăng mạnh tới 450%, cần xác định giải ngân được bao nhiêu hay mới chỉ là động thái “xí chỗ”. “Chúng ta cần yêu cầu nhà đầu tư phải đặt cọc hoặc ký cam kết về tính khả thi của các dự án đã đăng ký”, ông Nhường đề xuất.
Trong điều kiện hiện nay, đã đến lúc Việt Nam không cần phải thu hút vốn FDI bằng mọi giá, mà cần tuyệt đối ngăn chặn những dự án có công nghệ lạc hậu, gây ô nhiễm môi trường đến Việt Nam. Nam.
Bởi vậy, đã đến lúc Việt Nam không cần phải thu hút vốn FDI bằng mọi giá, mà cần kiểm soát công nghệ từ Trung Quốc chuyển vào Việt Nam, tuyệt đối ngăn chặn những dự án có công nghệ lạc hậu, gây ô nhiễm môi trường đến Việt Nam. Ngoài ra, Việt Nam cũng cần cảnh giác tránh trở thành xưởng gia công của thế giới, tránh trường hợp các doanh nghiệp Trung Quốc mượn thương hiệu của doanh nghiệp Việt Nam để xuất khẩu vào Mỹ.
Tăng cường kiểm tra, giám sát
ĐBQH Trương Minh Hoàng - Ủy viên Uỷ ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội đánh giá, làn sóng dịch chuyển sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam sẽ là cơ hội cho Việt Nam lựa chọn nhà đầu tư nước ngoài tốt nhất. Tuy nhiên, chúng ta cần tránh tình trạng chuyển giá, trốn thuế.
Sự dịch chuyển mạnh vốn FDI Trung Quốc sang Việt Nam cũng sẽ ít nhiều tạo áp lực cho doanh nghiệp trong nước. Bởi vậy, các doanh nghiệp trong nước cần nâng cao năng lực quản lý cũng như trình độ đội ngũ lao động, đồng thời đẩy mạnh khâu nghiên cứu phát triển (R&D), và phát triển dịch vụ để tạo thêm giá trị gia tăng. Đặc biệt, các doanh nghiệp trong nước cũng cần siết chặt quản lý chất lượng sản phẩm để tăng sức cạnh tranh cho hàng hóa Việt Nam.
Đặc biệt, Việt Nam cần nâng cao tiêu chuẩn môi trường, tài nguyên, công nghệ, quy chuẩn, quy cách sản phẩm…. phù hợp với tiêu chuẩn khu vực và thế giới, để loại bỏ những dự án kém chất lượng, tiềm ẩn nguy cơ ô nhiễm môi trường.
Để kiểm soát tốt hơn tình trạng đầu tư “núp bóng” của tổ chức, cá nhân nước ngoài, Việt Nam cần có các quy định cấm các tổ chức, cá nhân Việt Nam đứng tên hộ trong các giao dịch về đất đai, bất động sản (BĐS), cũng như kiểm soát chặt hơn hoạt động cho vay giữa các tổ chức, cá nhân Việt Nam với nước ngoài trong các dự án BĐS.
Bên cạnh đó, cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát sau cấp phép các dự án FDI nhằm đảm bảo nhà đầu tư thực hiện đúng các cam kết về yêu cầu, tiến độ triển khai đã được quy định trong giấy chứng nhận đầu tư.
Ngoài ra, cần có các điều kiện chặt chẽ hơn đối với các hoạt động đầu tư theo hướng góp vốn, mua cổ phần; đồng thời bổ sung thêm các quy định về điều kiện an ninh quốc phòng đối với một số địa bàn, lĩnh vực đầu tư FDI có điều kiện.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận