Cẩn trọng với rủi ro nợ xấu khi cơ cấu lại thời hạn trả nợ
Theo các chuyên gia, thời gian thực hiện cơ cấu nợ theo Thông tư số 02 của Ngân hàng Nhà nước kéo dài đến giữa năm 2024, sau đó sẽ tùy thuộc khá nhiều vào khả năng phục hồi, phát triển của doanh nghiệp, bên vay cũng như tình hình bên ngoài nên cần thực hiện đồng bộ các giải pháp để tránh rủi ro nợ xấu gia tăng.
“Cứu cánh” của doanh nghiệp
Hơn một tháng trước, ông Nguyễn Trí Công, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi tỉnh Đồng Nai ký vào văn bản gửi Ngân hàng Nhà nước khẩn thiết đề nghị có chính sách gia hạn nợ gốc, giảm một phần lãi suất như chính sách hỗ trợ giai đoạn Covid-19 cho ngành chăn nuôi. Bởi lẽ, người chăn nuôi trên khắp cả nước đang trong tình cảnh “ngàn cân treo sợi tóc” do hơn một năm qua, giá nguyên liệu thức ăn tăng cao, thị trường tiêu thụ sụt giảm, giá lợn hơi thấp dưới giá thành, thua lỗ triền miên khiến nhiều trang trại buộc phải “treo”. Rất nhiều chủ trang trại cũng bị mất luôn sổ đỏ vì không thể trả nợ ngân hàng. Hơn lúc nào hết, việc giữ nguyên nhóm nợ, được cơ cấu lại thời hạn trả nợ có ý nghĩa sống còn với các chủ trang trại, doanh nghiệp chăn nuôi như lúc này!
Văn bản gửi đi chừng 3 tuần, ngày 23.4, Ngân hàng Nhà nước ban hành Thông tư số 02/2023/TT-NHNN quy định về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn (Thông tư số 02); ông Công thở phào: “vậy là các doanh nghiệp, chủ trang trại có cơ hội được sống”! Điều khiến ông Công cảm kích nữa là Ngân hàng Nhà nước ban hành Thông tư này khá nhanh và chính sách kéo dài hơn một năm, đến tận 30.6.2024.
Cũng như ông Nguyễn Trí Công, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP. Hồ Chí Minh vui mừng vì Thông tư số 02 đã đáp ứng được kỳ vọng của cộng đồng doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp bất động sản, nhà đầu tư và người mua nhà. Thực tế, các doanh nghiệp bất động sản thời gian qua gặp muôn trùng khó khăn do thị trường trầm lắng, không có dòng tiền, doanh nghiệp phải chật vật xoay xở trả lãi ngân hàng, duy trì hoạt động...
Tại Hội nghị trực tuyến toàn ngành về công tác tín dụng và triển khai Thông tư số 02 do Ngân hàng Nhà nước tổ chức mới đây, ông Nguyễn Minh Tuấn, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Hà Nội xác nhận: qua tiếp xúc trực tiếp với các doanh nghiệp, nhiều doanh nghiệp cho biết tài sản bảo đảm không còn để đáp ứng điều kiện vay vốn của ngân hàng. Hầu như năng lực của doanh nghiệp đều sụt giảm sau thời gian chống chọi với dịch bệnh, suy thoái kinh tế. Do vậy, việc cơ cấu nợ, gia hạn thời gian trả nợ “thực sự là cứu cánh với doanh nghiệp trong lúc này”!
5 lưu ý tránh rủi ro nợ xấu
Để triển khai Thông tư số 02 có hiệu quả, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú yêu cầu toàn hệ thống ngân hàng phải tập trung coi đây là một chính sách quan trọng; các ngân hàng thương mại phải có hướng dẫn nội bộ, có quy trình, thủ tục đơn giản, thuận lợi, dễ hiểu dễ làm. Bên cạnh đó, ngân hàng cũng phải bảo đảm chính sách này được công khai, minh bạch, tránh trục lợi, tránh lợi dụng để che giấu nợ xấu.
Theo đánh giá của nhóm nghiên cứu Viện Đào tạo và Nghiên cứu, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), Thông tư số 02 với phạm vi rộng hơn khi cơ cấu lại bao gồm cả các khoản vay tiêu dùng “là quyết sách mạnh”, được doanh nghiệp, người dân và tổ chức tín dụng kỳ vọng với một số tác động chính như giúp ngăn gia tăng nợ xấu nội bảng của các tổ chức tín dụng, tăng khả năng tiếp cận vốn của doanh nghiệp, của bên vay, tạo dòng tiền mới để trả nợ đáo hạn và mở rộng sản xuất kinh doanh sau này.
Tuy nhiên, hiệu lực của Thông tư này đến giữa năm 2024, sau đó sẽ tùy thuộc khá nhiều vào khả năng phục hồi, phát triển của doanh nghiệp, bên vay. Khi đó, sẽ phụ thuộc vào tình hình môi trường kinh doanh bên ngoài cũng như sự vận động, linh hoạt, thích ứng, sản xuất kinh doanh hiệu quả của mỗi doanh nghiệp, bên vay; nếu không, rủi ro nợ xấu có thể tăng lên sau đó.
Vì thế, nhóm nghiên cứu khuyến cáo Ngân hàng Nhà nước cần theo dõi, đôn đốc, giám sát thực hiện và kịp thời tháo gỡ vướng mắc trong quá trình triển khai, thực hiện Thông tư số 02. Các tổ chức tín dụng sớm có hướng dẫn nội bộ, chủ động đánh giá, theo dõi, trích lập dự phòng rủi ro, kiểm tra giám sát bảo đảm thực hiện đúng, giảm thiểu trục lợi, hướng dẫn và phối hợp truyền thông, triển khai thành công.
Bên cạnh đó, nhóm nghiên cứu kiến nghị các bộ, ngành, địa phương tiếp tục quyết tâm, nghiêm túc thực hiện Nghị quyết 01/NQ-CP ngày 6.1.2023 cùng các chỉ thị, nghị quyết, nghị định gần đây của Chính phủ, Thủ tướng; bám sát tình hình, chủ động phân tích, dự báo diễn biến thị trường tài chính, tiền tệ quốc tế để có kịch bản ứng phó phù hợp; tiếp tục bình ổn, lành mạnh hóa các thị trường (nhất là thị trường tài chính, bất động sản) nhằm củng cố niềm tin của nhà đầu tư và người dân.
Cùng với đó, quyết tâm đẩy mạnh triển khai Chương trình phục hồi kinh tế - xã hội và giải ngân đầu tư công; chú trọng cơ cấu lại nền kinh tế nhằm thu hút và phân bổ nguồn lực hiệu quả hơn, vừa hỗ trợ giải tỏa vốn ngân sách tồn đọng, nợ đọng giữa các doanh nghiệp với nhau, vừa góp phần phục hồi, thúc đẩy tăng trưởng năm 2023 và lâu dài.
Đồng thời, nâng cao hơn nữa hiệu quả trong phối hợp chính sách (đặc biệt giữa chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa, chính sách giá cả và các chính sách vĩ mô khác) nhằm bảo đảm thực hiện tốt các cân bằng: giữa kiểm soát lạm phát và tăng trưởng, giữa cân đối ngân sách và hỗ trợ doanh nghiệp, người dân. Chính sách tài khóa tiếp tục là chủ đạo, với cách tiếp cận là mở rộng có trọng tâm, trọng điểm, đúng chỗ, đúng lúc (nhất là các chính sách giãn, hoãn, giảm thuế, phí, tiền thuê đất, thuế VAT…) mới bảo đảm cùng trợ lực cho doanh nghiệp, người dân và giúp chính sách tiền tệ phát huy hiệu quả tốt hơn.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận