Cẩn trọng với những ứng dụng cho vay trực tuyến
Hiện đang xuất hiện nhiều ứng dụng cho vay trực tuyến, nhưng đây thực chất là các ứng dụng tín dụng “đen” với mức lãi suất cho vay cao, thậm chí lên hơn 1.000%/năm.
Lãi suất “cắt cổ” 1.095%/năm
Vừa qua, Công an TP.HCM đã triệt phá đường dây quy mô cho vay nặng lãi qua ứng dụng do người Trung Quốc cầm đầu.
Theo đó, đội 4 - Phòng cảnh sát hình sự (PC02) Công an TP.HCM cho biết đã phát hiện 3 công ty là Công ty Vinfin, Công ty Beta, Công ty Đại Phát do một người phụ nữ Trung Quốc tên Niu Li Li (chưa rõ lai lịch) và Jiang Miao (39 tuổi, quốc tịch Trung Quốc) làm chủ, nhưng thuê người đang ở TP.HCM đứng tên giấy phép kinh doanh và đại diện pháp luật.
Các công ty này đã cung cấp các dịch vụ cho vay qua ứng dụng điện thoại di động như "Vaytocdo", "Moreloan" và "VD online" với lãi suất rất cao. Trong gần 6 tháng hoạt động, các bị can đã cho 60.000 người trên 63 tỉnh, thành vay nặng lãi với tổng số tiền lên đến khoảng 100 tỷ đồng.
Khi sử dụng những ứng dụng này, người vay sẽ phải tạo tài khoản cung cấp đầy đủ các thông tin cá nhân, đặc biệt, các ứng dụng này sẽ được quyền truy cập danh bạ. Chính việc nắm được danh bạ người vay giúp đường dây tín dụng “đen” này có thể nắm được hết các số điện thoại của người thân, bạn bè, đồng nghiệp của người vay để sau này nhân viên gọi đòi nợ.
Với “Vaytocdo”, hạn mức vay tối thiểu là 1,7 triệu đồng, tuy nhiên số tiền thực chất người vay nhận chỉ là 1,42 triệu đồng sau khi trừ đi phí dịch vụ. Sau 1 tuần, người vay phải trả lại cả vốn lẫn lãi với mức 2,04 triệu đồng.
Còn với hai ứng dụng “Moreloan” và “VD online”, người vay chỉ được vay tối đa 1,5 triệu đồng nhưng nhận được 900.000 đồng, còn lại là phí dịch vụ. Đáng chú ý, sau 1 tuần, người vay phải trả tiền gốc là 1,5 triệu đồng; nếu trả chậm, sẽ bị phạt mỗi ngày từ 2 - 5%.
Như vậy, người vay phải trả lãi suất lên đến 3%/ngày, tương đương 21%/tuần, 90%/tháng và 1.095%/năm (vượt gấp 5 lần lãi suất theo quy định). Những khách hàng trả tiền đúng hạn sẽ cho "nâng cấp" vay tiền nhiều hơn, tối đa gần 2,8 triệu đồng.
Cần sớm hoàn thiện hành lang pháp lý
Các chuyên gia cảnh báo, người dân, doanh nghiệp cần cảnh giác cao độ khi vay tiền từ các ứng dụng nói trên. Ngoài chịu lãi cho vay "cắt cổ", người đi vay còn gặp nhiều rủi ro khi trả nợ không đúng hạn, nhất là khi không trả được nợ...
Trao đổi với phóng viên DĐDN, ông Trần Việt Vĩnh, CEO ứng dụng cho vay Fintech Fiin, cho rằng hiện đang thiếu các quy định pháp luật trong lĩnh vực P2P lending nói chung.
Không chỉ vậy, việc thiếu quy định pháp lý còn khiến doanh nghiệp gặp rủi ro trong triển khai mô hình kinh doanh các dịch vụ mới, cản trở việc kêu gọi đầu tư. “Chúng tôi có thể bị hồi tố vì doanh nghiệp đang cung cấp dịch vụ mà pháp luật chưa quy định rõ ràng. Bởi tại thời điểm triển khai dịch vụ, chúng tôi không vi phạm pháp luật, nhưng có thể vào một thời điểm nào đó trong lương lai, quy định được ban hành lại coi dịch vụ mà chúng tôi đang làm là không phù hợp” – ông Vĩnh nhấn mạnh và cho biết thêm, việcchưa có pháp lý dẫn đến các nhà đầu tư, quỹ đầu tư hạn chế, chưa dám đầu tư vào các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Do đó, Chính phủ cần chỉ đạo các cơ quan quản lý Nhà nước cần sớm có hành lang pháp lý cho hoạt động này.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận