Cẩn trọng với "bong bóng" trái phiếu doanh nghiệp
Trong 15 năm qua, nợ doanh nghiệp toàn cầu đã tăng từ 13.000 lên 34.000 tỷ USD, 60% trong tổng số đó là từ các công ty phi tài chính.
Nợ doanh nghiệp toàn cầu đang ngày càng "phình to". Ảnh: TTXVN phát
Trang notiziegeopolitiche.net vừa có bài phân tích về vấn đề "bong bóng" trái phiếu doanh nghiệp. Theo bài viết, không chỉ có nợ công cần được kiểm soát, vấn đề “nợ doanh nghiệp”, khoản nợ của các công ty tư nhân, có thể gây nguy hiểm lớn hơn cho các nền kinh tế. Mặt khác, trong khi chính phủ hỗ trợ và bảo lãnh nợ chính phủ, thì nợ doanh nghiệp hoàn toàn phụ thuộc vào thị trường và nhà đầu tư.
Vấn đề này đã được nhấn mạnh trong một nghiên cứu gần đây với tựa đề “Báo cáo nợ toàn cầu 2024: Thị trường toàn cầu trong môi trường nợ cao” của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD). Trong 15 năm qua, nợ doanh nghiệp toàn cầu đã tăng từ 13.000 lên 34.000 tỷ USD. 60% trong tổng số đó là từ các công ty phi tài chính, trung bình đã tăng hơn gấp đôi giá trị trái phiếu phát hành hàng năm.
Kể từ năm 2008, mức tăng nợ doanh nghiệp đã rất mạnh: Hơn 72% ở Mỹ và 51% ở châu Âu. Nhưng sự tăng trưởng đặc biệt xảy ra ở Trung Quốc, nơi nợ doanh nghiệp tăng từ 1% lên 20% tổng giá trị toàn cầu từ năm 2008 đến năm 2023. Trong những năm gần đây, lĩnh vực bất động sản Trung Quốc cũng như các nước khác đã tận dụng rất nhiều trái phiếu doanh nghiệp. Sự khác biệt là ở Trung Quốc, các doanh nghiệp tư nhân trên thực tế được nhà nước kiểm soát và hỗ trợ.
Sự gia tăng phi thường trên toàn cầu được hỗ trợ bởi các chính sách nới lỏng định lượng phù hợp của các ngân hàng trung ương với việc tạo ra lượng thanh khoản khổng lồ và lãi suất bằng 0. Các ngân hàng trung ương cũng đã mua rất nhiều trái phiếu doanh nghiệp, làm tăng bảng cân đối kế toán của họ và buộc các nhà hoạch định chính sách hiện phải sắp xếp lại.
Điều này cũng tạo điều kiện cho việc kéo dài thời gian đáo hạn của trái phiếu, trung bình tăng từ 5,6 năm giai đoạn năm 2000 lên 7,9 năm vào năm 2023. Hơn nữa, phần lớn trái phiếu được phát hành với lãi suất cố định, do đó có đảm bảo sự bảo vệ nhất định trước mọi biến động.
Trong giai đoạn vừa qua, mọi thứ đã thay đổi và rủi ro đã tăng theo cấp số nhân. Trước hết, việc tăng lãi suất sẽ khiến tương lai trái phiếu doanh nghiệp trở nên bấp bênh và nguy hiểm. Trên toàn cầu, đến năm 2026, khối lượng trái phiếu tư nhân trị giá 12.300 tỷ USD sẽ đáo hạn và phải đàm phán lại. Rõ ràng là các loại trái phiếu này hầu hết sẽ có tỷ giá thay đổi, khiến chúng phải chịu những biến động trong tương lai.
Tỷ lệ trái phiếu nằm ngay trên ngưỡng được gọi là ngưỡng không đầu tư, dưới ngưỡng được coi là trái phiếu rác, đã tăng lên rất nhiều. Các cơ quan xếp hạng coi BBB là ngưỡng trái phiếu tối thiểu nên đầu tư. Vào năm 2023, trái phiếu BBB chiếm 53% tổng số toàn cầu, phần lớn là từ các công ty Mỹ.
Ngoài ra, 42% trái phiếu xếp hạng BBB được phát hành bởi các công ty có tỷ lệ nợ trên EBITDA (EBITDA = Doanh thu – Các khoản chi phí) lớn hơn 4. Đây là chỉ số về khả năng sinh lời của công ty, không bao gồm thuế, khấu hao, khấu trừ và lãi. Tỷ lệ này cho biết số năm cần thiết để dòng tiền có thể trả được nợ. Nó nên được giữ dưới ngưỡng 3; cấp độ 4 cho thấy tình trạng rủi ro cao.
Cũng nên nhớ rằng nhiều nhà đầu tư tổ chức, chẳng hạn như các công ty bảo hiểm và quỹ hưu trí, bị pháp luật và các quy định nội bộ của họ buộc phải chỉ nắm giữ những chứng khoán có xếp hạng tích cực cao trên bảng cân đối kế toán của họ. Điều này sẽ gây khó khăn cho việc tái cấp vốn cho nhiều chứng khoán.
Trong những năm qua, cũng đã có sự đa dạng hóa đáng kể của các trung gian tín dụng, chuyển từ khu vực ngân hàng truyền thống sang các quỹ đầu tư và đặc biệt là các quỹ hoán đổi trao đổi (ETF) niêm yết trên thị trường chứng khoán, vốn rủi ro của quỹ này được tạo thành từ các hoạt động của những người tham gia. ETF thường mang tính đầu cơ và hoạt động bằng cách sử dụng đòn bẩy tài chính, tức là trên bội số vốn thực tế sẵn có.
Kể từ năm 2000, sự tham gia của nhiều quỹ đầu tư khác nhau đã tăng lên đáng kể, đến mức nhiều trong số đó trái phiếu doanh nghiệp chiếm tới 75% danh mục đầu tư. Tính đến đầu năm 2024, các quỹ đầu tư toàn cầu nắm giữ số trái phiếu doanh nghiệp tương đương gần 9.000 tỷ USD.
Trong số 4 công ty mắc nợ nhiều nhất, có 3 công ty của Mỹ. Dẫn đầu là hai tổ chức được chính phủ tài trợ, Hiệp hội Thế chấp Quốc gia Liên bang, được gọi là Fannie Mae, với 4.200 tỷ USD trái phiếu và Tập đoàn Thế chấp Cho vay Mua nhà Liên bang, được gọi là Freddie Mac, với 3.200 tỷ USD trái phiếu. Cả hai đều mua và bảo lãnh thế chấp bất động sản. Vị trí thứ ba thuộc về Pampa Energia đang gặp khó khăn của Argentina, tiếp theo là ngân hàng JPMorgan Chase.
Rõ ràng là thế giới đang phải đối mặt với nhiều thay đổi rất nhanh và không kém phần nguy hiểm. "Gói" tiền và tín dụng dễ dàng đã kết thúc. Làm thế nào mà các nhà đầu tư có thể kiếm được các khoản lợi nhuận mềm mà không có các cuộc khủng hoảng nợ nghiêm trọng mới xảy ra. Có phải các cơ quan kiểm soát có thể là chính phủ và ngân hàng trung ương sẽ chịu trách nhiệm chính về "vận may" thanh khoản tăng vọt trong quá khứ?
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận