24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Khánh Huyền
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Cẩn trọng trước “bẫy” lừa đảo, gian lận thương mại quốc tế

Doanh nghiệp xuất khẩu đứng trước nhiều cơ hội khi Việt Nam tham gia 19 FTA song phương và đa phương với hầu hết các nền kinh tế trên thế giới

Trước hàng loạt các thủ đoạn lừa đảo, gian lận thương mại quốc tế đã diễn ra trong thời gian vừa qua, các chuyên gia khuyến cáo, doanh nghiệp Việt cần đặc biệt chú trọng…

Theo đó, Việt Nam đã và đang tham gia 19 Hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương và đa phương với hầu hết các nền kinh tế trên thế giới. Trong đó, 16/19 FTA đã có hiệu lực với hơn 60 đối tác, phủ rộng khắp các châu lục, việc tham gia nhiều FTA mang đến cơ hội cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu.

Thống kê cho thấy, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu năm 2023 ước đạt 683 tỷ USD, trong đó, xuất khẩu ước đạt 354,5 tỷ USD, nhập khẩu ước đạt 328,5 tỷ USD. Năm 2023, cán cân thương mại tiếp tục ghi nhận xuất siêu năm thứ 8 liên tiếp với mức thặng dư ước đạt 26 tỷ USD, tăng gần gấp 3 lần năm 2022, góp phần tích cực cho cán cân thanh toán, giúp nâng cao dự trữ ngoại hối, ổn định tỷ giá và các chỉ số kinh tế vĩ mô khác của nền kinh tế.

Tuy nhiên, bên cạnh những cơ hội, tín hiệu tích cực thương mại quốc tế mang lại, không ít doanh nghiệp xuất khẩu đã phải đối diện với tình trạng bị lừa đảo, dẫn đến các thiệt hại về tài sản.

Thực tế, số liệu từ Hiệp hội Chuyên gia chống lừa đảo toàn cầu năm 2022 cho thấy, các doanh nghiệp toàn cầu thiệt hại khoảng 5% doanh thu mỗi năm vì lừa đảo, giá trị trung bình một vụ lừa đảo là 1,7 triệu USD, giá trị trung vị là 117 nghìn USD.

Nhìn nhận về thực tế đã nêu, trước đó, ông Hoàng Minh Chiến – Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương cho biết, doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam dù có nhiều trải nghiệm xuất khẩu, nhưng đa số là các doanh nghiệp quy mô nhỏ và vừa, chưa dày kinh nghiệm phòng ngừa và đối phó với các lừa đảo và tranh chấp thương mại quốc tế. Rất nhiều doanh nghiệp chưa quen thuộc với văn hoá kinh doanh của các nước nhập khẩu, có khi chưa hiểu biết nhiều các đối tác, hệ thống cơ quan giải quyết tranh chấp, trình tự và thủ tục giải quyết tranh chấp. Nhiều doanh nghiệp chưa quen sử dụng hình thức giải quyết tranh chấp thương mại như trọng tài thương mại hay hòa giải thương mại.

Vấn đề lừa đảo, gian lận trong thương mại quốc tế không phải vấn đề mới, trong đó, không ít các khuyến cáo từ các chuyên gia, cơ quan quản lý đã được đưa ra, thế nhưng trên thực tế, tình trạng các doanh nghiệp Việt bị cuốn vào “bẫy” này vẫn không ít.

Theo bà Trần Thu Quỳnh - Tham tán thương mại, Thương vụ Việt Nam tại Canada cho hay, thời gian gần đây, nhất là từ đầu năm 2023 tới nay, Thương vụ ghi nhận số vụ lừa đảo nhỏ trên địa bàn sở tại tăng nhanh, bình quân 10 vụ/tháng liên quan đến việc đòi, yêu cầu của doanh nghiệp Canada về chứng chỉ không có thật. Theo quan sát, do đang "khát" đơn hàng nên khi nhận được lời đề nghị từ nước ngoài, nhất là từ thị trường tin cậy như Canada, doanh nghiệp Việt Nam có xu hướng chủ quan, dẫn tới sơ hở khi tiếp cận cũng như soạn thảo hợp đồng.

Trong khi đó, tại thị trường Tây Ban Nha, đại diện Tham tán thương mại, Thương vụ Việt Nam tại khu vực này cũng cho hay, gần 3 năm qua Thương vụ trực tiếp hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam giải quyết 7 vụ việc liên quan đến lừa đảo trong giao dịch quốc tế. Trong đó 5 vụ việc liên quan xuất khẩu hạt điều, 1 vụ liên quan đến xuất khẩu hồ tiêu đen, 1 vụ liên quan đến xuất khẩu sản phẩm gang đúc...

Theo các chuyên gia, hình thức lừa đảo, gian lận thương mại quốc tế phổ biến bao gồm: Người mua phối hợp với đối tượng lừa đảo làm giả chứng từ chiếm đoạt giấy tờ gốc để chiếm đoạt hàng; doanh nghiệp Việt Nam mua hàng đã đặt cọc nhưng đối tác không giao hàng; đối tác thông báo mở tài khoản ở ngân hàng uy tín nhưng không hoạt động; công ty đối tác không giao hàng hoặc giao hàng không đạt tiêu chuẩn;... Hiện, nhiều thủ đoạn lừa đảo, gian lận thương mại quốc tế ngày một gia tăng và tinh vi hơn khiến các doanh nghiệp xuất nhập khẩu của Việt Nam dễ dàng “sập bẫy”.

Vì vậy, các chuyên gia khuyến cáo, quá trình thực hiện các giao dịch thương mại quốc tế, doanh nghiệp cần đặc biệt chú trọng đến việc xác minh đối tác, chắn chắn trong các điều khoản hợp đồng, hình thức thanh toán... để tránh “bẫy”. Đồng thời, lưu ý khi ký hợp đồng với môi giới doanh nghiệp cần làm rõ trách nhiệm của bên môi giới trong việc thu hồi tiền hàng hoặc các điều khoản thanh toán tiền hoa hồng. Nếu làm việc với môi giới mà người bán không biết rõ thông tin bên mua thì cần có điều khoản “bên môi giới chịu trách nhiệm xác minh tín nhiệm của người mua”, các điều khoản này cần được quy định chặt chẽ, rõ ràng trong hợp đồng môi giới.

Đặc biệt, doanh nghiệp nên sớm làm quen với sử dụng dịch vụ tư vấn và dịch vụ pháp lý chuyên ngành. Coi các công ty tư vấn và pháp lý là người bạn đồng hành trong toàn bộ quá trình kinh doanh chứ không chỉ là tiếp cận họ khi xảy ra tranh chấp. Vì các công ty này có kinh nghiệm giúp doanh nghiệp tìm kiếm đối tác, rà soát hợp đồng, giúp doanh nghiệp tránh được các điều khoản bất lợi.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả