Cẩn trọng làn sóng đầu tư từ Trung Quốc
Trao đổi với DĐDN, TS. Bùi Ngọc Sơn, Viện Kinh tế và Chính trị thế giới cho rằng, việc dịch chuyển sản xuất từ Trung Quốc có nguy cơ khiến Việt Nam trở thành nơi tập kết công nghệ lạc hậu, ô nhiễm...
- Với động thái trả đũa nhau mới đây của Mỹ và Trung Quốc, kinh tế thế giới sẽ chịu tác động như thế nào, thưa ông?
Nếu Mỹ và Trung Quốc cùng thực hiện áp mức thuế mới như tuyên bố, thì tốc độ tăng trưởng GDP thế giới có thể giảm 0,64%.
Những căng thẳng mới giữa 2 nước có nguy cơ tác động nghiêm trọng đến tâm lý thị trường tài chính và kinh doanh, phá vỡ chuỗi cung ứng toàn cầu và đe dọa sự phục hồi của kinh tế toàn cầu trong năm 2019.
Bên cạnh đó, hầu hết các nước sẽ bị ảnh hưởng do dòng vốn bị rút ra, sức cầu trên thế giới sụt giảm... Cùng với đó, việc một số nền kinh tế lớn tăng trưởng chậm lại đã dẫn đến lo ngại rằng suy thoái kinh tế toàn cầu sẽ nhanh chóng diễn ra. Nhưng về cơ bản, điều này sẽ rất khó xảy ra, ít nhất là trong ngắn hạn.
Dù vậy, về dài hạn, không có gì đảm bảo nền kinh tế thế giới sẽ không rơi vào các trạng thái tiêu cực. Đây cũng là cơ hội để các quốc gia chuẩn bị các kịch bản dài hạn để ứng phó với suy thoái kinh tế toàn cầu.
- Theo ông, Việt Nam sẽ được hưởng lợi nhiều hơn hay chịu ảnh hưởng tiêu cực nhiều hơn khi thương chiến Mỹ- Trung leo thang?
Việt Nam là một trong những nước vừa được hưởng lợi nhưng cũng dễ bị tổn thương nhất trong chiến tranh thương mại do phụ thuộc lớn vào xuất khẩu.
Xét mặt tích cực, Việt Nam có thể hưởng lợi từ căng thẳng thương mại Mỹ- Trung Quốc thông qua kênh xuất khẩu và đầu tư nước ngoài. Đồng thời, sự chuyển dịch chuỗi cung ứng toàn cầu đã dẫn đến việc các công ty đa quốc gia đã chuyển những công đoạn sản xuất có tỷ suất sinh lợi cao đến Việt Nam.
Tuy nhiên, các dòng vốn đang dịch chuyển ra khỏi Trung Quốc, chủ yếu từ Mỹ, châu Âu, Hàn Quốc…, đang có xu hướng tập trung đến một số nước khác trong khu vực ASEAN như Indonesia, Malaysia, Thái Lan… Trong khi đó, tại Việt Nam đang chứng kiến sự dịch chuyển của các doanh nghiệp Trung Quốc là chủ yếu. Do vậy, việc dịch chuyển sản xuất này là một con dao hai lưỡi đối với Việt Nam.
Điều này có nguy cơ khiến Việt Nam trở thành nơi tập kết các công nghệ lạc hậu, ô nhiễm, quy mô nhỏ.
- Việt Nam cần chuẩn bị những kịch bản nào để ứng phó với những biến động nói trên, thưa ông?
Cuộc chiến thương mại đã và đang tạo sức ép phá giá VND. Trước mắt, NHNN cần có chính sách ổn định tỷ giá hợp lý, tránh để VND tăng giá quá mạnh so với CNY nhằm hạn chế nhập siêu từ Trung Quốc.
Mặt khác, khi các nhà sản xuất “tháo chạy” khỏi Trung Quốc, họ sẽ nhắm đến các quốc gia có nền công nghiệp hỗ trợ tốt, cơ sở hạ tầng phát triển, chi phí nhân công thấp… Trong khi đó, Việt Nam chưa có đầy đủ những yếu tố trên. Chính vì vậy, cần sàng lọc dòng đầu tư sang Việt Nam để hạn chế tối đa việc tránh né thuế, đội lốt, hoặc thậm chí lấy mác hàng Việt Nam để xuất khẩu sang nước ngoài.
Việt Nam đã qua thời thu hút đầu tư bằng mọi giá, giờ là thời điểm cần lựa chọn, chắt lọc các dòng đầu tư chất lượng cao và có tác động lan toả tốt.
- Xin cảm ơn ông!
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận