menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Đỗ Văn Thái

Cẩn trọng áp bảng giá đất mới

Bảng giá đất cũ của các địa phương tiếp tục áp dụng đến hết năm 2025, do cân nhắc kỹ lưỡng các yếu tố tác động đến người dân và thị trường bất động sản.

Tránh gây "sốc" cho người dân, doanh nghiệp

Bộ Tài chính vừa có hướng dẫn gửi các bộ ngành, các địa phương liên quan đến việc xử lý chuyển tiếp áp dụng bảng giá đất.

Theo đó, bảng giá đất do UBND cấp tỉnh ban hành theo quy định của Luật Đất đai 2013 sẽ được tiếp tục áp dụng đến hết ngày 31/12/2025.

Quyết định này của Bộ Tài chính được cho là sẽ thống nhất cách áp dụng bảng giá đất tại các địa phương trong bối cảnh một số tỉnh, thành phố đang xây dựng dự thảo bảng giá đất mới, như TP. HCM mới đây gây xôn xao dư luận do dự thảo bảng giá đất mới có mức giá cao hơn nhiều lần so với trước đây.

Trước đó, theo khoản 3 điều 159 Luật Đất đai 2024, UBND cấp tỉnh xây dựng, trình HĐND cùng cấp quyết định bảng giá đất lần đầu để công bố và áp dụng từ ngày 1/1/2026.

Khoản 1 điều 257 Luật Đất đai 2024 cũng quy định, bảng giá đất do UBND cấp tỉnh ban hành theo Luật Đất đai 2013 được tiếp tục áp dụng đến hết ngày 31/12/2025. Trường hợp cần thiết, UBND cấp tỉnh sẽ quyết định điều chỉnh bảng giá đất theo quy định của luật này cho phù hợp với tình hình thực tế về giá đất tại địa phương.

Tuy nhiên, ngày 29/7/2024 Sở Tài nguyên và môi trường TP. HCM đã công bố dự thảo bảng giá đất trên địa bàn thành phố dự kiến áp dụng từ ngày 1/8 - 31/12/2024.

Giá đất của dự thảo phổ biến tăng 10-20 lần so với giá đất của bảng giá đất hiện hành. Trong đó có một quận và bốn huyện có mức tăng giá đất tại một số vị trí đất trên 30 lần, cá biệt có một số vị trí đất tại huyện Hóc Môn có mức tăng giá đến 51 lần.

Đáng chú ý, theo Sở Tài nguyên và môi trường cho biết, giá đất của dự thảo bảng giá đất điều chỉnh cũng chỉ mới bằng khoảng 70% giá đất trên thị trường.

Nguyên nhân của việc TP. HCM xây dựng dự thảo bảng giá đất mới được lãnh đạo UBND thành phố lý giải là do từ ngày 1/8/2024, Luật Đất đai 2024 không còn quy định về hệ số điều chỉnh giá đất.

Trong khi đó, mức giá trong bảng giá đất cũ rất thấp, nếu không ban hành bảng giá đất điều chỉnh, sẽ dẫn đến tắc nghẽn công tác xác định nghĩa vụ tài chính của hộ gia đình, cá nhân và công tác bồi thường giải phóng mặt bằng tái định cư.

Mặt khác, những rủi ro pháp lý đối với những đơn vị liên quan khi định giá thấp hơn nhiều so với giá thị trường cũng khiến địa phương e ngại.

Đây cũng là cơ sở để đến tháng 1/2025, thành phố sẽ đánh giá kết quả thực hiện bảng giá đất điều chỉnh để xây dựng bảng giá đất áp dụng cho năm 2025 và làm cơ sở để xây dựng bảng giá đất lần đầu áp dụng từ ngày 01/01/2026 theo quy định của Luật Đất đai 2024.

Lấy ví dụ cụ thể, theo bảng giá đất cũ, tuyến đường Đồng Khởi, Lê Lợi, Nguyễn Huệ Quận 1 có giá đất 162 triệu đồng/m2. Mức giá này được nhân với hệ số điều chỉnh 3,5 lần, áp dụng từ tháng 01/2024, nên giá đất để thực hiện nghĩa vụ tài chính là 567 triệu đồng/m2.

Trong khi đó, theo dự thảo bảng giá đất điều chỉnh, giá đất tại khu vực này là 810 triệu đồng/m2, tăng 5 lần so với mức giá 162 triệu đồng/m2 (không nhân hệ số). Mức giá này cũng tăng 1,43 lần so với giá đất sau khi nhân hệ số 3,5 lần.

Với mức giá đất trong dự thảo bảng giá đất điều chỉnh, theo nhiều chuyên gia, nhiều trường hợp người dân sẽ bị "sốc", bị thua thiệt khi phải đóng tiền sử dụng đất rất cao theo dự thảo bảng giá đất mới, mà chưa có thời gian chuyển tiếp các quy định luật.

"Thua thiệt" nhất là trường hợp cá nhân có nhu cầu xin công nhận quyền sử dụng đất ở, trong đó có thửa đất mà người sử dụng đất chưa được cấp giấy chứng nhận lần đầu.

Hoặc các trường hợp xin hợp pháp hóa quyền sử dụng đất ở đối với diện tích đất nông nghiệp, đất phi nông nghiệp nằm xen kẽ trong đô thị, khu dân cư nông thôn gắn liền với nhà ở; xin “tách thửa đất” đồng thời với chuyển mục đích sử dụng đất thành đất ở để chia cho con cháu cũng chịu ảnh hưởng.

Lo ngại những tác động không mong muốn với thị trường

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP. HCM dẫn chứng, trường hợp người dân làm hồ sơ xin cấp giấy chứng nhận cho căn nhà đã được xây dựng từ lâu trên thửa đất có diện tích 100 m2 tiếp giáp đường Nguyễn Văn Linh thuộc khu dân cư ổn định tại xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh.

Thửa đất này có giá 6,8 triệu đồng/m2 trong bảng giá đất cũ. Với hệ số điều chỉnh giá đất là 3,3 lần, hộ dân này phải nộp tiền sử dụng đất là 2,178 tỷ đồng.

Tuy nhiên, nếu tính tiền sử dụng đất theo dự thảo bảng giá đất mới, dự kiến giá đất khu vực này là 65 triệu đồng/m2, tức là tăng 9,55 lần, người dân sẽ phải nộp tiền sử dụng đất là 6,18 tỷ đồng.

Số tiền này đã tăng gần ba lần so với cách tính theo bảng giá đất và hệ số điều chỉnh như trước đây.

Trước thực tế này, ông Châu cho rằng, giá đất điều chỉnh tăng cao sẽ có tác động không mong muốn đối với cá nhân, hộ gia đình có nhu cầu xin cấp giấy chứng nhận hoặc xin tách thửa đất, đồng thời với chuyển mục đích sử dụng đất nông nghiệp, đất phi nông nghiệp thành đất ở thì phải đóng tiền sử dụng đất cao hơn nhiều lần so với trước đây.

Bảng giá đất mới tăng cao cũng tác động không mong muốn đến thị trường bất động sản, bao gồm dự án nhà ở thương mại và cả dự án nhà ở xã hội. Bởi lẽ, khi thấy bảng giá đất tăng lên nhiều lần, người dân “sẽ có tâm lý nâng giá”, thị trường bất động sản sẽ có xu thế đẩy giá giao dịch nhà đất lên cao hơn trước đây.

Điều này dẫn đến các doanh nghiệp khi nhận chuyển nhượng nhà đất thì sẽ phải mua với giá cao hơn trước đây nhiều lần sẽ tác động đến mục tiêu kéo giảm giá nhà về mức hợp lý.

Một chuyên gia pháp lý khác cũng cho rằng, giá đất trong bảng giá đất quá cao sẽ dẫn đến tiền thuê đất cao, kéo theo đó là những hệ luỵ đối với khả năng hấp dẫn các doanh nghiệp đến đầu tư của địa phương.

Cùng với đó, hiệu quả hoạt động, cạnh tranh của các doanh nghiệp thuê đất để sản xuất, kinh doanh cũng bị ảnh hưởng không nhỏ.

Chính vì vậy, ông Châu thấy hợp lý khi bảng giá đất cũ được tiếp tục áp dụng đến hết 31//12/2025. Trường hợp cần thiết, UBND cấp tỉnh quyết định điều chỉnh bảng giá đất theo quy định của luật này cho phù hợp với tình hình thực tế về giá đất tại địa phương.

Theo nhiều chuyên gia, bảng giá đất đang áp dụng đã quá thấp so với giá thị trường, vì vậy, việc điều chỉnh là cần thiết. Tuy nhiên, các cơ quan quản lý nhà nước cần nghiên cứu, ban hành các quy định để vừa đưa ra mức giá hợp lý, vừa không “gây sốc” cho người dân, doanh nghiệp và thị trường bất động sản.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả