Cần tiếp tục loại bỏ các sắc thuế khi giá xăng không hạ nhiệt
“Cần phải bỏ thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng và tiếp tục bỏ luôn thuế bảo vệ môi trường đối với sản phẩm này, vì không có tác dụng gì trong việc bảo vệ môi trường như tên gọi của sắc thuế”.
Loại bỏ các sắc thuế
Theo ông Nguyễn Tiến Thỏa, nguyên Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính), giá xăng dầu trong nước tăng cao bao gồm cả nguyên nhân khách quan và chủ quan, trong đó nguyên nhân khách quan là ngay những tháng đầu năm 2022, trước khi xảy ra xung đột Nga - Ukraine thì nhu cầu về xăng dầu cho khôi phục và phát triển kinh tế xã hội của các nước tăng rất cao. Dự kiến nhu cầu của năm nay có thể vào khoảng 101 triệu thùng/ngày, cao hơn cả năm 2019 – 2020.
Tuy nhiên, nguồn cung là do kế hoạch tăng sản lượng của các nước OPEC+ không đạt được mục tiêu đề ra. Cùng với đó, sản lượng dự trữ của các nước có suy giảm và điều hành dự trữ để đáp ứng cân đối cung cầu không đạt được như mong muốn, cho nên lượng cung thiếu so với nhu cầu khoảng 500 – 750 thùng một ngày.
Gía xăng dầu thế giới tăng đương nhiên kéo theo giá trong nước tăng, cộng với việc nguyên nhân chủ quan về cơ chế, cung cách điều hành của chúng ta gây áp lực lớn cho thị trường. Hiện trong cơ cấu giá cơ sở của chúng ta có ba cơ cấu chi phí lớn gồm: Một là giá thế giới; Hai là những khoản thu nộp ngân sách nhà nước do nhà nước quy định; Ba là chi phí lưu thông và lợi nhuận định mức của các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu.
“Vậy có khoản nào có thể giảm được? Trong đó, giá thế giới là không thể, vì phải tuân thủ biến động giá thế giới để phản ánh vào giá trong nước. Còn loại có thể giảm được thì có ba loại như sau: Thứ nhất, là các khoản thu của ngân sách nhà nước, đặc biệt là các khoản thuế, phí. Đây là những khoản tạo tác động giảm mạnh nhất so với tốc độ tăng giá thế giới. Thứ hai, là nhóm thuộc về quỹ bình ổn giá mà chúng ta có tiềm lực để có thể hỗ trợ kiểm chế mức tăng. Thứ ba, là nhóm chi phí sản xuất lưu thông của các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu.
Mặc dù vậy, trong ba biện pháp đó thì chúng ta cũng phải tính toán, chia sẻ lợi ích, mục tiêu làm sao để đảm bảo hài hòa, điều tiết ngân sách, cộng với mục tiêu khuyến khích phát triển sản xuất, điều tiết tiêu dùng”, ông Thoả phân tích.
Ông Nguyễn Tiến Thoả
Cũng theo ông Nguyễn Tiến Thoả, về đề xuất giảm thuế môi trường xuống 50% so với mức hiện nay, thì đây là giải pháp rất đúng và sẽ mang lại hiệu quả thiết thực ngay lập tức. Ví dụ, giá xăng là 30.000 đồng/lit, nếu giảm được 2000 thì nghĩa là giá xăng giảm về 28.000 đồng với tỷ lệ giảm 7%. Theo đó, mức tác động vào chỉ số giá tiêu dùng CPI khoảng 0,25% và có tác dụng giảm chi phí cho nền kinh tế khoảng 0,24%, góp phần giảm mức tăng chi phí sản xuất và giá thành sản phẩm của những ngành sử dụng nhiều xăng dầu như vận tải, sẽ giảm được khoảng 2,45 - 2,8 %; đối với thủy sản đánh bắt xa bờ mà chi phí xăng dầu chiếm đến 50-60%, thì giá thành sẽ giảm được khoảng 3,5 -4,5%. Đó là tác dụng rất lớn, rất tích cực đối với nền kinh tế.
Bên cạnh câu chuyện về giảm thuế bảo vệ môi trường, nhiều chuyên gia cho ý kiến rằng nên bỏ thuế tiêu thụ đặc biệt. Cụ thể, chuyên gia kinh tế Bùi Trinh đánh giá, nếu sau khi thuế bảo vệ môi trường được giảm, thì giá xăng dầu cũng còn tăng so với bình quân năm 2021 khoảng 41%, từ đó tác động làm giảm GDP ở chu kỳ sản xuất tiếp theo khoảng 7,3%. Trong khi đó, số liệu của Tổng cục Thống kê vừa công bố cho thấy, tổng thu ngân sách nhà nước 2 tháng đầu năm đạt 323.800 tỉ đồng, bằng 22,9% dự toán năm và vẫn tăng 10,8% so với cùng kỳ năm trước. Qua đó có thể thấy thu ngân sách đang đạt kết quả tốt.
Vị chuyên gia còn nhấn mạnh: “Cần phải bỏ thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng và tiếp tục bỏ luôn thuế bảo vệ môi trường đối với sản phẩm này, vì không có tác dụng gì trong việc bảo vệ môi trường như tên gọi của sắc thuế”.
Giá xăng giảm không nhiều...
Trao đổi với phóng viên, PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia tài chính phân tích, sau khi xung đột Nga - Ukraine bùng phát thì giá xăng dầu tăng rất cao, các tổ chức quốc tế cũng như các quốc gia có thể cấm vận Nga ở mọi phương diện, nhưng không cấm vận ở phương diện bán dầu và khí đốt cho các quốc gia khác, vì thế thị trường xăng dầu thế giới dần dần bình ổn.
PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh
“Thêm nữa, khả năng Iran có thể có được quyền bán dầu ra thế giới rất "sáng" và thêm việc Mỹ đàm phán với Venezuela để tăng nguồn cung cũng là một cơ sở để có thể tăng nguồn cung của thế giới. Trên cơ sở đó, chúng tôi cho rằng kỳ điều chỉnh tiếp theo đây, giá xăng dầu sẽ giảm, tuy nhiên mức giảm không nhiều”, PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh dự báo.
Nhiều ý kiến cho rằng, việc giảm giá xăng dầu thời điểm này là cần thiết, nếu còn tiếp tục giữ giá như hiện nay, các doanh nghiệp, người dân sẽ không thể cầm cự và phải đối mặt thêm với nhiều rủi ro. Song, kịch bản điều hành nguồn cung xăng dầu quý 2/2022 cho thị trường trong nước không bao gồm nguồn cung từ nhà máy lọc dầu Nghi Sơn là vấn đề khiến nhiều chuyên gia lo lắng.
Về vấn đề này, PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh cho rằng, đối với nhà máy lọc dầu Nghi Sơn, đây là một nhà máy lọc dầu lớn và công nghệ hiện đại, nhưng thực tế, nhà máy này không đáp ứng được kỳ vọng của các nhà quản lý, cũng như nhu cầu đảm bảo an ninh năng lượng cho nền kinh tế quốc dân. Chúng ta cần phải có biện pháp dứt khoát, để từ đó đảm bảo an ninh năng lượng, đảm bảo nhà máy này hoạt động có hiệu quả, chứ không thể để lỗ mãi như trong thời gian vừa qua.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận