24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Nguyễn Phương Ly
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Cạn tiền, các địa phương Trung Quốc truy thu thuế từ hàng chục năm trước

Theo hãng tin CNN, ít nhất 8 công ty niêm yết lớn tại Trung Quốc cho biết đã nhận được yêu cầu thực hiện nghĩa vụ thuế của nhiều năm trước, trong đó có 1 công ty bị truy thu thuế từ những năm 1990. Những vụ việc này gây xôn xao trên mạng xã hội và làm xói mòn niềm tin doanh nghiệp vốn đã giảm sút nghiêm trọng tại nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

HÀNH ĐỘNG "CỰC ĐOAN"

V V Food & Beverage, nhà sản xuất sữa đậu nành lớn nhất tại Trung Quốc, tuần trước cho biết một chi nhánh của công ty đã nhận được yêu cầu nộp tiền thuế tổng cộng 85 triệu nhân dân tệ (11,7 triệu USD) từ chính quyền thành phố Chi Giang, tỉnh Hồ Bắc.

Trong một thông cáo ngày 12/6, V V Food & Beverage cho biết cơ quan thuế Chi Giang nói rằng gần đây đã phát hiện chi nhánh nói trên của công ty không kê khai thuế trong suốt 16 năm từ năm 1994-2009.

V V Food & Beverage không phải công ty duy nhất gặp phải tình huống này. Ít nhất 7 công ty niêm yết khác cũng cho biết nhận được thông báo truy thu thuế tương tự trong vài tháng qua. Trong một số trường hợp, doanh nghiệp đã phải dừng sản xuất và sa thải nhân viên do không đủ khả năng nộp khoản thuế cùng khoản phạt khổng lồ.

Theo các nhà phân tích, động thái truy thu thuế trên cho thấy chính quyền các địa phương ở Trung Quốc đang tìm cách giải quyết áp lực tài chính do mất đi nguồn thu từ đất và nền kinh tế suy yếu. Các nhà chức trách cũng công khai kế hoạch phối hợp chặt chẽ với lực lượng cảnh sát để xác định những công ty trốn thuế.

“Chính quyền các địa phương Trung Quốc đang chịu áp lực lớn phải hoàn thành mục tiêu về thu thuế, đặc biệt là trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế sụt tốc và thách thức tài khóa chồng chất”, ông Craig Singleton, thành viên cấp cao tại Trung Quốc của tổ chức phi lợi nhuận Foundation for Defense of Democracies, nhận xét.

“Việc điều tra hành vi vi phạm thuế từ 20-30 năm trước là khá cực đoan. Nếu những công ty đó thực sự nợ thuế, tại sao trước đây cơ quan quản lý không điều tra họ?”, Giáo sư Frank Tian Xie, Đại học South Carolina Aiken nói.

Lâu nay, các địa phương Trung Quốc chủ yếu phụ thuộc vào nguồn thu từ hoạt động đấu giá đất để có ngân sách cho mọi hoạt động từ xây dựng cơ sở hạ tầng cho tới phúc lợi y tế. Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng bất động sản từ năm 2021 đến nay khiến nguồn thu này ngày càng cạn.

Trong năm qua, nhiều chính quyền địa phương đã phải thực hiện nhiều biện pháp chưa từng thấy để có nguồn thu hoặc cắt giảm chi tiêu. Một trong số các biện pháp này là xử phạt một số nhà hàng bán mỳ ăn liền không giấy phép hoặc cắt giảm trợ cấp năng lượng cho doanh nghiệp vào giữa mùa đông.

Sau khi câu chuyện về các vụ truy thu thuế được lan truyền trên mạng xã hội, Tổng cục Thuế Trung Quốc (STA) tuần trước đã phát đi một thông cáo nhằm xoa dịu dư luận. Trong thông cáo, cơ quan này thừa nhận rằng một số cơ quan thuế địa phương đã tiến hành điều tra các công ty để xác định hành vi vi phạm, nhưng phủ nhận việc khởi động “một chiến dịch điều tra thuế toàn quốc”.

“Chúng tôi hoàn toàn hiểu những lo lắng của cộng đồng doanh nghiệp và công chúng”, STA cho biết trong thông cáo.

Tuy nhiên, vụ việc làm dấy lên những đồn đoán rằng việc thành lập các “trung tâm phối hợp giữa cảnh sát và cơ quan thuế” tại một số địa phương sẽ là tiền đề cho việc siết chặt chính sách thuế tại Trung Quốc trong thời gian tới. Các trung tâm này, cho phép cảnh sát địa phương và cơ quan quản lý thuế chia sẻ thông tin tình báo và nhân lực, đã được thí điểm hoạt động tại thành phố Nghi Xuân, tỉnh Giang Tây vào năm 2021.

Bên cạnh đó, sự mâu thuẫn giữa nỗ lực trấn an của Chính phủ với động thái ở các địa phương gây hoang mang và sợ hãi trong cộng đồng doanh nghiệp.

“Việc điều tra hành vi vi phạm thuế từ 20-30 năm trước là khá cực đoan”, giáo sư Frank Tian Xie của Đại học South Carolina Aiken, nhận xét. “Nếu những công ty đó thực sự nợ thuế, tại sao trước đây cơ quan quản lý không điều tra họ?”

Theo ông, các khoản truy thu thuế, bao gồm tiền thuế chưa nộp, tiền phạt và tiền lãi là “quá lớn” và có thể khiến nhiều công ty phá sản.

“Việc truy thu thuế gây ra rủi ro nghiêm trọng cho các doanh nghiệp trong bối cảnh họ đang chịu nhiều thách thức trong hoạt động cũng như áp lực chung của nền kinh tế suy yếu”, ông Singleton nhận định. “Điều này có thể ảnh hưởng tới nền kinh tế, gây ra tình trạng sa thải hàng loạt và hủy hoại nghiêm trọng niềm tin của nhà đầu tư”.

NHỮNG HÓA ĐƠN TRUY THU THUẾ KHỔNG LỒ

Thời gian qua, Chính phủ Trung Quốc triển khai nhiều nỗ lực nhằm vực dậy khu vực kinh tế tư nhân. Tuy nhiên, với việc Bắc Kinh mở các chiến dịch siết chặt các quy định giám sát trong mấy năm qua, doanh nghiệp tư nhân ở Trung Quốc có xu hướng ngại vay tiền mở rộng hoạt động và cũng không muốn đầu tư. Xu hướng này càng thêm phần trầm trọng sau giai đoạn đại dịch với các biện pháp phòng chống dịch hà khắc.

Đến nay, mục tiêu của các cuộc điều tra truy thu thuế của chính quyền các địa phương ở Trung Quốc là các công ty tư nhân thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau.

VV Food & Beverage cảnh báo rằng lợi nhuận của công ty có thể bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Năm ngoái, doanh nghiệp này này ghi nhận lợi nhuận ròng chỉ 209 triệu nhân dân tệ (29 triệu USD). Và hiện chưa rõ số công ty sẽ phải nộp phạt bao nhiêu, do đó số tiền bị truy thu thực tế của công ty này có thể nhiều hơn con số 11,7 triệu USD.

Cạn tiền, các địa phương Trung Quốc truy thu thuế từ hàng chục năm trước

Thứ Tư tuần trước (19/6), Ningbo Bohui Chemical Technology, nhà sản xuất phụ gia và dầu nhẹ, cho biết đã phải dừng hoạt động sản xuất do gặp “khó khăn về dòng tiền hoạt động”. Quyết định này được đưa ra sau khi chính quyền thành phố Ninh Ba, tỉnh Chiết Giang yêu cầu công ty này nộp thuế thu nhập từ một dòng sản phẩm được bán trong giai đoạn từ tháng 7/2023-tháng 3/2024. Công ty cho biết khoản thuế truy thu này có thể gây thiệt hại lợi nhuận khoảng 500 triệu nhân dân tệ (69 triệu USD).

Cơ quan thuế Ninh Ba sau đó cho biết khoản thuế truy thu nói trên được tính toán dựa trên quy định thuế quốc gia được sửa đổi vào năm ngoái. Tuy nhiên, Ningbo Bohui Chemical Technology khẳng định công ty không nằm trong nhóm phải chịu thuế này.

“Khoản thuế mới sẽ gây tác động nghiêm trọng tới kết quả kinh doanh năm 2023 cũng như hoạt động sản xuất tương lai của chúng tôi”, Ningbo Bohui Chemical Technology cho biết trong một thông cáo hôi tháng 3. “Chúng tôi sẽ chuyển từ lãi sang lỗ nặng năm 2023”.

Hồi tháng 4, nhà sản xuất kali clorua Zangge Mining tại tỉnh Thanh Hải cũng cho biết đã nhận được yêu cầu nộp thuế của giai đoạn 2019-2023 từ chính quyền thành phố Cách Nhĩ Mộc. Gồm cả tiền phạt, tổng số tiền mà công ty này phải nộp là 480 triệu nhân dân tệ (66 triệu USD).

Công ty PKU Healthcare ở Trùng Khánh, Shunho New Materials ở Thượng Hải, ChinaLin Securities ở Thẩm Quyến và Yixintang Pharmaceutical Group ở Vân Nam cũng đã phải nộp thuế truy thu từ 7 năm trước cho chính quyền địa phương. Số tiền dao động từ 8 triệu nhân dân tệ (1,1 triệu USD) cho tới 310 triệu nhân dân tệ (43 triệu USD).

Công ty đầu tiên lên tiếng về việc bị truy thu thuế trong năm nay là LianTronics, một nhà sản xuất màn hình LED lớn. Hồi tháng 1, công ty cho biết chính quyền Thẩm Quyến đã yêu cầu công ty nộp 19,8 triệu nhân dân tệ (2,7 triệu USD) tiền thuế của năm 2017 và 20,2 triệu nhân dân tệ (2,8 triệu USD) tiền phạt.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả