Cần sớm luật hóa Nghị quyết 42 về xử lý nợ xấu trước khi hết hiệu lực
Nghị quyết 42/2017/QH14 của Quốc hội ra đời được đánh giá là một hành lang pháp lý rất quan trọng cho các tổ chức tín dụng trong việc xử lý nợ xấu, tuy nhiên, tới hiện tại vẫn còn khá nhiều bất cập.
Nghị quyết 42 ra đời khi ngành ngân hàng đã đi qua giai đoạn tái cơ cấu 2013 - 2015, bắt đầu triển khai đề án cơ cấu lại giai đoạn 2016 - 2020 theo Quyết định 1058 năm 2017 của Thủ tướng về cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn liền với xử lý nợ xấu và gặp rất nhiều khó khăn.
Nói về khó khăn trong việc xử lý nợ xấu trước khi Nghị quyết số 42 ra đời tại Diễn đàn Toàn cảnh ngân hàng 2020 tổ chức mới đây, ông Đỗ Giang Nam, Phó giám đốc VAMC, cho biết, việc xử lý nợ xấu chưa nhận được sự quan tâm và phối hợp của các bộ ngành liên quan, chưa tạo động lực để phát triển thị trường mua bán nợ nhằm khuyến khích, huy động nguồn lực xã hội tham gia xử lý nợ xấu.
Bên cạnh đó, cơ chế chính sách liên quan đến hoạt động xử lý nợ xấu còn thiếu và bất cập.
“Riêng đối với VAMC, trước khi Nghị quyết số 42 ra đời, chúng tôi rất thiếu nguồn lực, bao gồm cả về vốn và nhân lực, thiếu cơ chế liên quan đến hoạt động mua và xử lý nợ của VAMC, thiếu sự phối hợp giữa VAMC và các TCTD, đặc biệt là chính quyền địa phương”, Phó giám đốc VAMC cho biết.
Bên cạnh đó, pháp luật về tố tụng dân sự chưa cho phép áp dụng thủ tục rút gọn, kết quả xử lý nợ xấu còn hạn chế.
Tuy nhiên, theo ông Nam, sau khi Nghị quyết số 42 ra đời đã giúp khẳng định quyền chủ nợ của VAMC/TCTD, đồng thời, nâng cao ý thức trả nợ của khách hàng, tạo động lực khuyến khích TCTD bán nợ, giúp tạo lập và phát triển thị trường mua bán nợ.
Những tín hiệu khả quan…
Kết quả mua nợ tại VAMC đã có nhiều tín hiệu khả quan. Cụ thể, lũy kế mua nợ bằng trái phiếu đặc biệt (TPĐB) tháng 8/2020 đạt 329.007 tỷ đồng. Trong đó, mua nợ bằng TPĐB sau khi Nghị quyết số 42 có hiệu lực đạt 67.612 tỷ đồng; mua nợ theo giá trị thị trường (GTTT) từ 2017 đến 2020 đạt 8.341 tỷ đồng.
Cũng theo Phó giám đốc VAMC, từ khi Nghị quyết số 42 có hiệu lực đến 31/8/2020, thu hồi nợ ước đạt 94.370 tỷ đồng, gấp 1,5 lần tổng thu hồi nợ giai đoạn trước đó, tức là từ 2013 đến 14/8/2017. VAMC cũng thu giữ thành công một số TSBĐ có giá trị lớn, góp phần đẩy nhanh tiến độ thu hồi nợ.
Trong đó, từ khi Nghị quyết 42 có hiệu lực, kết quả thu hồi từ biện pháp bán nợ tăng gấp hơn 4 lần so với giai đoạn trước đó; kết quả thu hồi nợ từ biện pháp xử lý TSBĐ tăng gấp 1,5 lần.
“Ý thức trả nợ của khách hàng tăng cao rõ rệt, việc thu hồi nợ thông qua các biện pháp khác như tố tụng cũng tác động tích cực đến kết quả thu hồi xử lý nợ”, ông Nam cho biết.
Đối với hoạt động đấu giá, trong giai đoạn từ năm 2017 đến 31/8/2020, VAMC đã thực hiện đấu giá thành công nhiều khoản nợ và TSBĐ với tổng số tiền trúng đấu giá 1.371 tỷ đồng.
Cũng nhờ Nghị quyết 42, VAMC đã được chấp thuận tăng vốn điều lệ lên 5.000 tỷ đồng nhằm tăng cường nguồn lực phục vụ hoạt động mua nợ theo GTTT, nâng cao năng lực tài chính, uy tín trên thị trường mua bán nợ.
VAMC cơ cấu và sắp xếp lại các đơn vị nghiệp vụ nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động, trong đó phát triển hoạt động đấu giá, nâng cao năng lực quản trị rủi ro.
Đồng thời, cơ quan này cũng đã triển khai mạnh mẽ các giải pháp phát triển thị trường mua bán nợ, bao gồm xây dựng Đề án thành lập Sàn giao dịch nợ VAMC nhằm quản lý, khai thác thông tin về khoản nợ/tài sản bảo đảm; Xúc tiến thành lập Câu lạc bộ AMC nhằm tạo lập diễn đàn trao đổi, chia sẻ thông tin, kết nối nhà đầu tư; Tham gia thành viên IPAF, ký thỏa thuận hợp tác với các đối tác như KAMCO, SAM để chia sẻ kinh nghiệm xử lý nợ và kết nối các nhà đầu tư nước ngoài tham gia thị trường mua bán nợ tại Việt nam.
Vẫn gặp khó vì xung đột giữa các văn bản pháp luật
Về khó khăn vướng mắc của Nghị quyết số 42, theo ông Đỗ Giang Nam, trước hết, thực tế quy định khác nhau giữa Nghị quyết số 42 và văn bản pháp luật khác về xử lý nợ xấu và tài sản bảo đảm thì việc thực hiện gặp nhiều khó khăn.
Kế tiếp, Nghị quyết số 42 chỉ mang tính chất thời điểm, có hiệu lực 5 năm. Do đó, cần có văn bản pháp luật thay thế khi Nghị quyết 42 hết hiệu lực. Chưa kể, quy định về việc ưu tiên thanh toán nghĩa vụ nợ trước nghĩa vụ thuế của bên bảo đảm vẫn đang chờ văn bản hướng dẫn.
“Một khó khăn khác là hành lang pháp lý cho phát triển thị trường mua bán nợ còn nhiều bất cập, chưa khuyến khích nhà đầu tư tham gia thị trường. Chưa có quy định cụ thể về tiêu chuẩn thẩm định giá khoản nợ làm cơ sở cho các tổ chức thẩm định giá thực hiện. Sự phối hợp của các đơn vị liên quan trong việc xử lý nợ xấu đôi khi còn chưa đồng bộ và thống nhất”, ông Nam cho biết.
Cần sớm luật hóa Nghị quyết 42 trước khi nghị quyết hết hiệu lực.Ông Đỗ Giang Nam, Phó giám đốc VAMC
Về định hướng và giải pháp, để tạo lập, phát triển thị trường mua bán nợ, đại diện VAMC đề xuất cần hoàn thiện hành lang pháp lý về phát triển thị trường mua bán nợ; Xây dựng và ban hành tiêu chuẩn thẩm định giá khoản nợ tạo cơ sở pháp lý để thực hiện; Có chính sách khuyến khích các nhà đầu tư (kể cả nhà đầu tư nước ngoài) tham gia thị trường mua bán nợ (tăng quyền của chủ nợ); Thành lập Hiệp hội các AMC nhằm kết nối, chia sẻ thông tin; Minh bạch thông tin về hàng hóa (nợ xấu và tài sản bảo đảm).
“Để luật hóa Nghị quyết 42 và hoàn thiện hành lang pháp lý, chúng ta cần sớm luật hóa Nghị quyết 42 trước khi nghị quyết hết hiệu lực để tạo hành lang pháp lý đồng bộ và thống nhất trên cơ sở kế thừa những quy định tại nghị quyết này có tác động tích cực đến quá trình xử lý nợ, đồng thời xem xét sửa đổi một số Luật chuyên ngành liên quan như Luật Đất đai, Bộ Luật dân sự… để đồng bộ với các quy định tại Nghị quyết 42”, ông Nam nói.
Để nâng cao năng lực cho VAMC, đại diện cơ quan này cũng đề xuất cần tăng cường nguồn lực tài chính, nâng cao năng lực quản trị rủi ro và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận