Cạn room tín dụng, ngân hàng hết vị?
Theo lãnh đạo các ngân hàng, nhu cầu tín dụng của doanh nghiệp sau 2 năm Covid-19 giống như cơn khát sau trận hạn hán, nên dư nợ tăng rất nhanh và ngân hàng sớm cạn room khi kết thúc 2 quý đầu năm nay. Với room tín dụng hiện nay, chắn chắc sẽ không đáp ứng đủ nhu cầu của doanh nghiệp. Vì vậy, đại diện nhiều nhà băng đã đề nghị Ngân hàng Nhà nước (NHNN) nới hạn mức tăng trưởng tín dụng một cách phù hợp để các ngân hàng tham gia hỗ trợ khách hàng.
Trước áp lực lạm phát toàn cầu đang tăng cao, ông Hùng nhấn mạnh Ngân hàng Nhà nước sẽ phải cân nhắc kỹ việc nới room để đảm bảo mục tiêu kiểm soát lạm phát trong nước. Với mục tiêu tăng trưởng tín dụng năm nay khoảng 14% và thực tế như trên, giới phân tích dự báo, NHNN sẽ sớm cấp thêm room cho các ngân hàng. Về thời điểm nới room tín dụng, dự báo khả năng NHNN sẽ cấp thêm hạn mức tín dụng vào thời điểm hợp lý, kỳ vọng có thể diễn ra vào cuối quý III/2022 và mức điều chỉnh phụ thuộc vào sức khỏe tài chính của từng ngân hàng.
Thông thường cạn room tín dụng, các ngân hàng sẽ xin cơ quan quản lý cấp thêm nhưng không phải ngân hàng nào cũng được chấp thuận. Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng từng trả lời chất vấn trước Quốc hội rằng ngân hàng nào cũng muốn tăng trưởng tín dụng nhiều, nhưng nếu đáp ứng hết hạn mức mong muốn của ngân hàng thương mại thì Việt Nam sẽ không ổn định được vĩ mô như hiện nay.
Với tốc độ tăng trưởng lớn, nếu không kiểm soát room tín dụng, áp lực lạm phát sẽ rất lớn, áp lực tăng lãi suất huy động cũng rất cao, dẫn tới lãi suất cho vay và nợ xấu tăng theo. "Trước đây khi không kiểm soát room tín dụng, một số ngân hàng có mức tăng trưởng tín dụng rất cao, lên tới trên 30%, tạo ra những cuộc đua lãi suất để huy động nguồn tiền cho vay", Thống đốc cho hay.
Nhìn chung, tại thời điểm này lãi suất tiền gửi ngắn hạn dưới 6 tháng đều được hầu hết các tổ chức tín dụng áp dụng mức kịch trần là 4%/năm. Còn với tiền gửi dài hạn, mức lãi suất trên 7%/năm đã xuất hiện trở lại ở nhiều ngân hàng như SCB, VietCapital Bank, NamABank, VietBank...
Ngoài cộng lãi suất, một số ngân hàng còn dành ưu đãi cho khách hàng duy trì tiền gửi cố định trong thời gian từ 6-12 tháng như miễn phí thường niên khi mở thẻ tín dụng quốc tế, miễn phí chuyển tiền cho người thân ở nước ngoài...
Lý giải cho các đợt tăng lãi suất liên tiếp, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, Giảng viên cao cấp Học viện Tài chính, cho rằng việc lãi suất huy động ở mức thấp trong suốt 2 năm qua dù tạo điều kiện hạ lãi suất cho vay để hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn do dịch bệnh nhưng cũng đã phần nào khiến dòng vốn ít nhiều đã chảy sang các kênh đầu tư khác như chứng khoán, bất động sản, tiền số... Lượng tăng trưởng vốn huy động vì thế chậm hơn rất nhiều so với thời gian trước đây và cũng tăng trưởng chậm hơn nhiều so với tốc độ tăng trưởng của vốn tín dụng.
Tích cực thu hút vốn nhưng room cạn - vốn có nhưng lại khó cho vay - là thực trạng tại nhiều ngân hàng hiện nay. Tuy nhiên, Ngân hàng Nhà nước cũng khẳng định, định hướng chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng 14% không phải là "đóng cứng" mà sẽ có sự điều chỉnh linh hoạt tùy diễn biến thị trường, kinh tế vĩ mô và dựa vào sức khỏe của từng tổ chức tín dụng.
Vì sao chưa bỏ được hạn mức tín dụng?
Cơ chế kiểm soát trần tín dụng đối với các ngân hàng thương mại được NHNN áp dụng từ năm 2011, sau giai đoạn tăng trưởng nóng khiến lãi suất, lạm phát bị đẩy lên cao. Theo đó, mức trần tín dụng áp cho các tổ chức tín dụng bình quân là 13-14%, căn cứ vào tình hình lãi suất huy động vốn, dư nợ cho vay của năm trước, tỷ lệ nợ xấu, năng lực quản trị điều hành... Hằng năm, NHNN xem xét cấp hạn mức tín dụng cho các ngân hàng vào đầu quý I, rồi cấp thêm 1-2 lần để phù hợp với mục tiêu điều hành.
TS. Hồ Quốc Tuấn, Giảng viên Đại học Bristol (Anh) cho rằng, hiện rất ít quốc gia trên thế giới còn sử dụng công cụ cấp room tín dụng như Việt Nam. Thay vì khống chế trần tín dụng, NHNN nên kiểm soát tăng trưởng tín dụng thông qua tiêu chuẩn về vốn theo Basel, kết hợp với công cụ quản lý ngân hàng hiện đại như kiểm tra định kỳ. Điều này vẫn tạo ra giới hạn tín dụng cho các ngân hàng, nhưng trên cơ sở định lượng, khách quan và minh bạch hơn.
Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng, TS. Nguyễn Quốc Hùng cũng đánh giá, nhu cầu vốn tín dụng hiện nay của doanh nghiệp là rất lớn. Do đó, NHNN cần cân đối với mức lạm phát để đưa ra ngưỡng tăng trưởng tín dụng hợp lý, nếu không, sẽ rất khó cho các ngân hàng.
Theo dõi người đăng bài
Tiếp cận các chuyên gia VIP/PRO hàng đầu của 24HMONEY
Nhận ngay bài viết tài chính chuyên sâu
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận