Cần nhiều hơn các chính sách điều hành hiệu quả để thúc đẩy GDP tăng trưởng
Mặc dù tăng trưởng GDP năm 2022 đạt mức 8,02%, nhưng các chuyên gia cho rằng nền kinh tế vẫn chưa tiến gần đến mức tăng trưởng trung bình giai đoạn trước Covid-19. Vì vậy, năm 2023, Việt Nam cần nhiều hơn các chính sách điều hành hiệu quả.
Theo các chuyên gia, năm 2023 nền kinh tế Việt Nam sẽ đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức. Kinh tế thế giới sẽ có những biến động phức tạp, khó lường tác động mạnh mẽ đến nền kinh tế nước ta.
Cụ thể, các chỉ số về lạm phát, lãi suất, tỷ giá trong năm tới sẽ lên xuống khó đoán. Cùng với đó, nhu cầu mua sắm tại các thị trường lớn như Mỹ, châu Âu, Nhật Bản có khả năng giảm mạnh khiến thị trường xuất khẩu của Việt Nam thu hẹp dần. Từ đó nhiều hoạt động sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam bị ảnh hưởng.
Chính vì vậy, năm 2023, Việt Nam cần nhiều hơn các giải pháp, chính sách điều hành hiệu quả, hợp lý để đưa nền kinh tế an toàn vượt qua khó khăn, tiến gần hơn mức tăng trưởng GDP trung bình giai đoạn trước đại dịch Covid-19.
Theo chuyên gia kinh tế, TS. Đinh Thế Hiển, để đảm bảo mức tăng trưởng GDP trong năm 2023, Việt Nam cần phải tiếp tục giữ được ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát. Trong đó, đảm bảo "sức khỏe" cho thị trường tài chính, đẩy mạnh đầu tư công, khắc phục những khuyết điểm còn tồn tại của thị trường trái phiếu, hay bất động sản là những mục tiêu quan trọng cần thực hiện để giữ vững lòng tin của doanh nghiệp, nhà đầu tư vào Việt Nam.
Ngoài ra, TS. Đinh Thế Hiển cũng cho rằng, thời gian tới cần có các chính sách duy trì động lực từ các trụ cột tăng trưởng như đầu tư - xuất khẩu - tiêu dùng trong dài hạn, khai thác các động lực tăng trưởng mới như thúc đẩy đổi mới sáng tạo, tăng trưởng xanh, chuyển đổi số, kinh tế số…
Cùng với đó, tiếp tục kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 và dịch bệnh mới phát sinh. Cần bám sát những khó khăn của cộng đồng doanh nghiệp để kịp thời giải quyết khó khăn, vướng mắc. Thực hiện hiệu quả với nỗ lực cao nhất Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, 3 chương trình mục tiêu quốc gia.
Báo cáo mới đây của Ngân hàng HSBC cũng khuyến cáo, Việt Nam “không thể ngủ quên trên chiến thắng” khi những khó khăn trong thương mại đang mạnh lên. Năm 2023 sẽ là một năm thách thức bất chấp những điểm tựa có phần tươi sáng của năm 2022.
Theo HSBC, rủi ro lớn nhất đối với tăng trưởng kinh tế trong năm 2023 là những khó khăn trong thương mại đang gia tăng. Tháng 12/2022, xuất khẩu giảm 14% so với cùng kỳ 2021 với sự suy yếu diễn ra trên diện rộng ở các ngành hàng chính, đặc biệt là điện tử. Nhập khẩu cũng giảm ở nhóm hàng liên quan công nghệ.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận