Cân nhắc phương án xây gần một km hầm dưới đường Tôn Đức Thắng
View bờ sông sẽ thu hút du khách, nhưng có nên chi hơn nghìn tỷ xây dựng trong lúc thành phố còn nhiều dự án giao thông cần thiết hơn?
"Đoạn đường này hay xảy ra kẹt xe, khi xây dựng, đào đất, chặn lô cốt làm hầm nữa thì khổ, vừa nhếch nhác, kẹt xe, ô nhiễm bụi bặm tiếng ồn đủ thứ, khách du lịch trong và ngoài nước sẽ tránh xa.
Nên làm cầu vượt nối đường Nguyễn Huệ với Thủ Thiêm, phát triển phía bên kia sông thành phố đi bộ có phải là tiện lợi dễ làm hơn không?
Nên cân nhắc làm đường lộ thiên cho đỡ tốn kém, làm đường hầm chi phí cao và chi phí vận hành cũng cao, đã vậy còn giáp sông nên nguy cơ ngập lụt cao".
Độc giả nickname gh956264 bình luận như trên, sau thông tin Ngành giao thông thành phố nghiên cứu hai phương án làm hầm chui dưới đường Tôn Đức Thắng, gần phố đi bộ Nguyễn Huệ với tổng đầu tư 1.359-1.477 tỷ đồng.
Có ý tưởng tương tự, độc giả thangthang1975 bình luận: "Có phương án xây cây cầu đi bộ qua Thủ Thiêm rồi, thì nên đầu tư phố đi bộ bên đó luôn phải nhanh gọn lẹ và đỡ tốn kém.
Mặt khác, để làm một con đường ngầm như thế thì thành phố phải chịu cảnh nhếch nhắc bao nhiêu năm trời thấy không ổn, nghe có vẻ rất đẹp khi hoàn thành nhưng nghĩ đến cảnh thi công thì rõ ràng chuyển qua phía Thủ Thiêm thì khả thi hơn, hơn nữa bên đó đang đất trống nên tiện xây dựng".
Việc ngầm hóa đường Tôn Đức Thắng được nghiên cứu dài gần một km, từ chân cầu Ba Son (trước là Thủ Thiêm 2) đến cầu Khánh Hội. Trong đó, phương án một sẽ làm hầm kín dài 765 m, từ vị trí gần tuyến Ngô Văn Năm, trải dài qua Công trường Mê Linh, Đồng Khởi, phố Nguyễn Huệ. Hai đầu làm hầm hở, một bên nối vào đường dẫn cầu Ba Son, bên còn lại là cầu Khánh Hội.
Đường Tôn Đức Thắng được quy hoạch chuyển xuống mặt đất, phía trên dành không gian cho người đi bộ. Đồ họa: Khánh Hoàng
Phương án còn lại, hầm kín cũng bắt đầu từ gần đường Ngô Văn Năm, nhưng chỉ nối tới đầu phố Nguyễn Huệ, tổng chiều dài 683 m. Hai đầu cũng làm hầm hở tương tự. Tổng mức đầu tư hai phương án trên lần lượt ước tính khoảng 1.477 tỷ đồng và 1.359 tỷ đồng.
Sở Giao thông Vận tải cho biết đây mới là những nghiên cứu sơ bộ theo quy hoạch. Các phương án sẽ được tính toán kỹ lưỡng để đảm bảo phù hợp, khả thi.
Độc giả Duy Dinh: "Tôi rất ủng hộ phương án này. Sẽ tạo ra một trục đường dọc bờ sông view cực kỳ đẹp và đắt giá. Ngoài việc trở thành nơi sinh hoạt cho người dân, còn mang đến trải nghiệm tốt cho khách du lịch nước ngoài từ đó sản sinh ra nhiều ngành dịch vụ tăng trưởng ngành du lịch dịch vụ".
Độc giả Nguyen Tuan phản biện: "Biết là tạo view bờ sông, đẹp nhưng còn phải xem xét bức tranh tổng thể. Thành phố còn rất nhiều địa điểm đang cần vốn để thúc đẩy các dự án giao thông quan trọng.
Đây có lẽ chưa phải lúc cần chi ra hàng ngàn tỷ để làm đẹp thêm cảnh quan (vốn đã đẹp sẵn). Dù sao nó cũng là đường hầm, không bị ảnh hưởng nhiều bởi chi phí giải phóng mặt bằng nên muốn làm lúc nào cũng được.
Nên dùng tiền tập trung mở rộng các điểm nghẽn giao thông khác trong nội thành, như trục Bắc Nam (Trường Chinh - Cách Mạng Tháng Tám), hay cặp đường Điện Biên Phủ - Võ Thị Sáu, sẽ mang lại nhiều hiệu quả hơn. Còn dọc tuyến này đã có loạt cầu Thủ Thiêm (hiện tại và xây mới trong tương lai) đảm nhiệm.
Bây giờ khu trung tâm đã đậm đặc rồi, không nên mở thêm đường nữa, vì càng nhiều đường thì xe sẽ vào càng đông, mà chi phí thi công lại rất tốn kém. Thay vào đó, nên thúc đẩy tiến độ của cầu Thủ Thiêm 3 (nối Q4 - Thủ Thiêm), và cầu Thủ Thiêm 4 (Q7 - Thủ Thiêm).
Chúng sẽ kết hợp với hạ tầng giao thông mới trên bán đảo Thủ Thiêm, cầu Ba Son và cầu Thủ Thiêm giải quyết vấn đề quá tải ở trục xuyên tâm Nguyễn Tất Thành - Tôn Đức Thắng".
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận