24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Vũ Mai Xuyên
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Cần nghiêm trị hành vi làm giả giấy xét nghiệm COVID-19

Hiện nay tại nhiều địa phương liên tục xảy ra tình trạng làm giả, mua bán, sử dụng các loại giấy tờ như giấy xét nghiệm PCR âm tính, QR luồng xanh để trục lợi. Điều này có thể dẫn đến những hệ lụy khôn lường, vì vậy cần phải có biện pháp mạnh tay để răn đe, nghiêm trị.

Luật đã quy định rất rõ ràng

Chỉ trong thời gian ngắn, Công an Quảng Ninh, Bắc Ninh, Hải Dương, Hải Phòng… liên tục phát hiện bắt giữ các đối tượng làm giả giấy tờ xét nghiệm PCR, mã QR “luồng xanh” nhằm “thông chốt” kiểm soát dịch bệnh. Tại Hải Dương, chỉ trong hơn 10 ngày, lực lượng chức năng phát hiện 13 trường hợp vi phạm như trên.

Một số vụ việc đã được bước đầu làm rõ cho thấy, đối tượng làm giả giấy tờ không chỉ là những người làm công việc in ấn, photocopy… mà còn có sự tham gia của một số cán bộ chức năng.

Hành vi làm giả thường gặp là dùng mẫu xét nghiệm COVID-19 rồi giả mạo con dấu BV, cơ sở xét nghiệm rồi “bắn” chữ ký của lãnh đạo cơ sở y tế đó để làm ra các bản xét nghiệm có kết quả âm tính; hoặc sưu tầm phiếu xét nghiệm thật có dấu đỏ của cơ sở có chức năng, scan và lưu lại trên máy tính, chỉnh sửa thông tin cá nhân, in màu và ký giả vào giấy.

Đối tượng mua giấy giả sử dụng cũng rất đa dạng: Công nhân, tài xế, chủ xe, thậm chí có cả lái xe cứu thương… Chỉ riêng vụ Trần Tấn Dương (Giám đốc Văn phòng Cty TNHH thiết kế in ấn quảng cáo Thiên Nhân) đã làm ra hàng trăm giấy xét nghiệm giả.

Theo lời khai của Nguyễn Tùng Lâm, nguyên cán bộ Trung tâm kiểm soát bệnh tật Hải Dương (CDC Hải Dương) trong vụ làm giả giấy cho xe cứu thương chở 5 người “thông chốt” và bị Công an Quảng Yên, Quảng Ninh phát hiện bắt giữ hôm 26/6; số tiền các đối tượng thu lợi bất chính từ mỗi giấy xét nghiệm bán ra là 200 ngàn đồng đến 1 triệu đồng tùy loại xét nghiệm nhanh hay khẳng định.

Một số LS cho biết những đối tượng này có thể phải đối mặt với tội danh làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức; tội sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức; và tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người.

Theo LS Phạm Ngọc Đạt (Đoàn LS Hà Nội), tùy tính chất, mức độ hậu quả của hành vi vi phạm thì cả người bán, người mua giấy giả phải đối mặt mức án 12 năm tù giam.

Điều 240 BLHS quy định người có hành vi làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người, bị phạt tiền từ 50 đến 200 triệu đồng, phạt tù từ 1 đến 5 năm. Nếu phạm tội dẫn đến phải công bố dịch thuộc thẩm quyền của Chủ tịch cấp tỉnh hoặc Bộ trưởng Y tế, làm chết người thì bị phạt từ 5 đến 10 năm; phạm tội dẫn đến phải công bố dịch thuộc thẩm quyền của Thủ tướng, làm chết 2 người trở lên thì bị phạt tù từ 10 đến 12 năm. Người phạm tội còn có thể bị phạt từ 20 đến 100 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 đến 5 năm.

Thạc sĩ, LS Nguyễn Đức Hùng (PGĐ Cty Luật TNHH TGS), cho biết: theo quy định tại Điều 359 BLHS về “Tội giả mạo trong công tác”, người nào vì vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác mà lợi dụng chức vụ, quyền hạn thực hiện các hành vi như: sửa chữa, làm sai lệch nội dung giấy tờ tài liệu; làm, cấp giấy tờ giả; giả mạo chữ ký người có chức vụ quyền hạn thì sẽ bị phạt tù đến 20 năm tuỳ theo tính chất mức độ hành vi phạm tội.

Với cá nhân, tổ chức không phải là đơn vị có nhiệm vụ, chức năng xét nghiệm cung cấp Giấy xét nghiệm virus SARS-CoV-2 mà làm các giấy giả thì sẽ bị xử lý về hành vi làm giả tài liệu của cơ quan tổ chức. Theo Điều 341 BLHS, hành vi có thể bị phạt 30 đến 100 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 2 năm. Nếu số lượng giấy giả và thu lợi bất chính nhiều, có thể bị xử phạt tối đa đến 7 năm tù giam và phạt tiền đến 50 triệu đồng.

Cần nghiêm trị hành vi làm giả giấy xét nghiệm COVID-19
Giấy xét nghiệm COVID-19 giả của Cty TNHH thiết kế in ấn quảng cáo Thiên Nhân bị Bắc Ninh phát hiện ngày 12/8

Hành vi gây nguy hiểm khôn lường cho xã hội

Ông Lê Như Tiến, nguyên ĐBQH, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho rằng, hành vi làm giả giấy gây phương hại cho cộng đồng bình thường đã phải lên án; mà trong đại dịch COVID-19 thì càng nguy hiểm hơn: “Tôi cảm thấy lo ngại khi một số địa phương đã phát hiện nhiều đối tượng đã làm giả giấy xét nghiệm COVID-19 âm tính để lọt qua các chốt kiểm soát, nguy cơ làm lây lan bệnh dịch”.

Theo ông Tiến: “Ở góc độ người dùng giấy xét nghiệm giả, không chỉ là vấn đề ý thức kém bảo vệ cộng đồng, mà là cố tình chống lại các quy định phòng chống dịch. Với các tổ chức, cá nhân cung cấp giấy giả để trục lợi thì rõ ràng là vi phạm rất nghiêm trọng. Làm giấy giả cho một người đã nguy hại rồi, có khi họ làm cho hàng trăm người trong tình hình dịch căng thẳng như hiện nay thì mức độ nguy hại không thể lường được”.

Để ngăn chặn tình trạng này, ông Tiến cho rằng cần làm tốt hơn nữa khâu quản lý từ cơ sở của các địa phương. Cơ quan chức năng cần kiểm tra khuyến cáo các cửa hiệu photocopy cũng như các cá nhân để ngăn chặn ngay từ bước đầu.

ĐBQH Phạm Văn Hòa (Đoàn Đồng Tháp) đánh giá: “Đây là hành vi của những đối tượng thiếu đạo đức, bất chấp cả xã hội đang gồng mình chống dịch để làm giả giấy xét nghiệm COVID-19. Họ không nghĩ tới việc người mang giấy tờ giả để đi đường mang mầm bệnh sẽ lây lan đến cộng đồng thì thiệt hại cho nền kinh tế, sức khỏe của người dân là rất nghiêm trọng”.

“Rõ ràng những người này chỉ biết nghĩ tới lợi ích riêng tư, cá nhân của mình để nhắm mắt thực hiện những hành vi gây nguy hiểm cho xã hội. Đây là những vi phạm cả về pháp luật lẫn đạo đức nên dù bất cứ là ai, như thế nào cũng cần phải truy cứu trách nhiệm hình sự. Với các cá nhân là công chức, viên chức; ngoài việc xử lý trách nhiệm người vi phạm; còn cần phải truy cứu trách nhiệm liên đới của cấp trên của đối tượng”.

* Đại tá Lê Ngọc Châu, Giám đốc Công an tỉnh Hải Dương: “Sẽ xử lý nghiêm khắc”

“Mục tiêu của việc xét nghiệm để cung cấp cho lái xe, thuộc “luồng xanh” để đảm bảo mục tiêu vừa phòng chống dịch vừa phát triển kinh tế xã hội. Đây là việc phải làm không riêng gì Hải Dương mà là tinh thần chung của Chính phủ, của Bộ Công an, cấp ủy chính quyền các địa phương. Thời gian vừa rồi một số đối tượng ở một số tỉnh, trong đó có Hải Dương đã sử dụng giấy xét nghiệm giả qua chốt. Vấn đề này chúng tôi cũng đã xử lý và thông tin lên phương tiện truyền thông để cảnh báo người dân. Quan điểm của Công an tỉnh Hải Dương sai đến đâu sẽ xử lý nghiêm khắc đến đó. Có làm nghiêm thì mình mới đảm bảo an toàn cho công tác phòng chống dịch trong bối cảnh hiện nay”.

* LS Phạm Ngọc Đạt: “Cần xử lý nghiêm minh để răn đe”

“Trong giai đoạn dịch bệnh phức tạp, nguy hiểm như hiện nay, mỗi cá nhân phải tự ý thức trách nhiệm tuân thủ các quy định về phòng chống dịch để cùng với Đảng, Chính phủ, các địa phương sớm đẩy lùi COVID-19, từ đó chúng ta sẽ sớm về trạng thái bình thường mới. Chính vì thế, các đối tượng cố tình có các hành vi vi phạm pháp luật về phòng chống dịch cần phải được xử lý nghiêm minh để răn đe, cảnh báo những người nào có ý định vi phạm trong thời gian tới”.

* Ông Lê Như Tiến, nguyên ĐBQH, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội: “Nguy hại cho toàn xã hội”

“Làm giả giấy tờ xét nghiệm COVID-199, vì dịch bệnh hiện nay mức lây lan rất nguy hại; nên chỉ cần một người dương tính mà có giấy giả đi lại thì nguy hại cho toàn xã hội, cho cả cộng đồng”.

* LS Nguyễn Đức Hùng: “Hành vi không thể chấp nhận được”

“Trong bối cảnh hiện nay, khi toàn xã hội đang gồng mình lên để phòng chống dịch bệnh mà vẫn có các đối tượng làm giả các Giấy tờ xét nghiệm âm tính là điều không thể chấp nhận được. Các đối tượng này mặc dù lường trước được những hậu quả nghiêm trọng có thể gây ra nhưng vẫn cố tình thực hiện để chuộc lợi, đây là lợi dụng dịch bệnh, bất chấp sức khoẻ tính mạng của người khác. Các cơ quan chức năng cần phải có biện pháp xử lý thật nghiêm khắc, đúng người đúng tội và thích đáng so với tính nghiêm trọng của hành vi”.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả