Cần Mỹ chĩa mũi nhọn vào Trung Quốc, Nhật Bản không quên "phòng xa" kịch bản xấu | Tin Thế giới, Thế giới 24h, bình luận quốc tế, an ninh, quân sự
Nhật Bản tìm cách có được quan hệ tương đối êm thấm với Mỹ, song cần chuẩn bị cho tình huống Mỹ rơi vào bất ổn thời hậu dịch Covid-19.
Nhiều ý kiến khẳng định rằng chúng ta đang chứng kiến sự nổi lên của một trật tự thế giới mới trong bối cảnh đại dịch Covid-19 hiện nay. Tuy nhiên, ở khu vực Đông Á, có nhiều điều nhắc nhở rằng chúng ta vẫn sống, ít nhất là một phần, trong một thế giới địa chính trị vẫn như cũ với mức độ căng thẳng gia tăng.
Tàu thuyền Trung Quốc vẫn tiếp tục xâm phạm khu vực tiếp giáp và vùng lãnh hải của Nhật Bản gần quần đảo Senkaku tranh chấp (Bắc Kinh gọi là Điếu Ngư) ở Biển Hoa Đông. Từ tháng 1-3/2020, có 289 tàu thuyền Trung Quốc đi vào vùng tiếp giáp, tăng 57% so với cùng kỳ năm 2019. Ngày 11/4, một hạm đội tàu hải quân Trung Quốc do tàu sân bay đầu tiên Liêu Ninh của Trung Quốc dẫn đầu đã đi qua Eo biển Miyako ở ngoài khơi tỉnh Okinawa. Ngày 9/5, lực lượng Hải cảnh Nhật Bản cho biết 2 tàu hải cảnh Trung Quốc đã tiếp cận và rượt đuổi tàu cá Nhật Bản đang hoạt động tại vùng lãnh hải của Nhật Bản gần quần đảo Senkaku. Hàng loạt tên lửa của Triều Tiên cũng đã được phóng đi từ mặt đất và chiến đấu cơ trong suốt tháng 4 vừa qua.
Quan hệ êm thấm vẫn hơn
Mặc dù Nhật Bản gặp không ít khó khăn khi phải ứng phó với tính cách khó đoán định của Tổng thống Mỹ Donald Trump - người hồi tháng 6/2019 đã nói rằng do Nhật Bản không phải bảo vệ Mỹ nên mối quan hệ liên minh Mỹ-Nhật là không công bằng và cần được thay đổi - song Tokyo vẫn tìm cách có được mối quan hệ tương đối êm thấm với chính quyền Trump.
Một trong những lý do chính giải thích cho mối quan hệ tốt đẹp giữa Tokyo và Washington là nhờ mối quan hệ cá nhân giữa Thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo và Tổng thống Donald Trump. Một lý do khác là nhờ lập trường cứng rắn của chính quyền Trump đối với Trung Quốc.
Với tất cả hạn chế của mình, một số quan chức Nhật Bản cho rằng chính quyền Trump dường như đáp ứng tốt hơn những lợi ích an ninh quốc gia của Nhật Bản hơn là chính quyền tiền nhiệm Barack Obama liên quan những vấn đề quan ngại nhất định, trong đó có mối quan hệ với Trung Quốc.
Ngay cả như vậy, Nhật Bản vẫn muốn nắm bắt được tính chất dễ đoán định hơn và hiểu biết sâu sắc hơn về những cơ chế cơ bản của mối quan hệ liên minh với Mỹ dưới thời Trump. Tokyo vẫn muốn Washington là một thành viên của Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và không muốn Mỹ áp đặt trừng phạt thuế quan đối với mặt hàng nhôm và thép của mình.
Nhật Bản không “vào hùa” với quan điểm của Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cho rằng chủng mới của virus corona (SARS-CoV-2) gây Covid-19 có nguồn gốc từ một phòng thí nghiệm ở thành phố Vũ Hán mà không có bằng chứng cụ thể nào.
Và Tokyo cũng nuối tiếc vai trò lãnh đạo mạnh mẽ của Mỹ như được minh chứng bằng Học thuyết Truman hoặc Kế hoạch Marshall, vốn không được triển khai dưới thời chính quyền Trump.
Đối với giới ngoại giao Nhật Bản, sẽ là một cơn ác mộng khi một ngày nào đó tỉnh giấc để rồi chứng kiến Mỹ và Trung Quốc “so găng” với nhau để chia đôi Thái Bình Dương hoặc thậm chí cả thế giới.
Khi cựu Cố vấn An ninh quốc gia thời cựu Tổng thống Obama, bà Susan Rice tuyên bố hồi năm 2013 rằng “khi đề cập Trung Quốc, Mỹ sẽ tìm cách triển khai một mô hình mới của mối quan hệ cường quốc”, tuyên bố này đã khuấy động nỗi lo lắng trong giới ngoại giao Nhật Bản.
Năm 2014, cựu Ngoại trưởng Mỹ John Kerry chỉ ra rằng một trong những mối đe dọa hiện hữu cấp thiết nhất đối với khu vực châu Á xuất phát từ vấn đề biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, nhận định này của John Kerry lại không gây tác động gì đến các nước như Nhật Bản, vốn phải đối mặt với những mối đe dọa an ninh truyền thống từ Triều Tiên và Trung Quốc.
Chính trong bối cảnh này mà nhiều giới chức và chính trị gia Nhật Bản đã ủng hộ các chính sách của Trump đối với Trung Quốc. Mặc dù không có bất kỳ cách thức nào để biết chắc chính quyền nào của Mỹ hợp tác khách quan hơn với Nhật Bản, song nhìn từ quan điểm của Nhật Bản, cách hành xử của Bắc Kinh đã phần nào thay đổi theo chiều hướng tốt đẹp sau khi đối mặt với sức ép gia tăng từ chính quyền Trump trên nhiều lĩnh vực khác nhau.
Ví dụ, Trung Quốc hồ hởi chấp nhận lời mời của Nhật Bản cho chuyến thăm cấp nhà nước của Chủ tịch Tập Cận Bình, vốn đã được lên kế hoạch từ tháng 4/2020, song đã bị hoãn lại do dịch bệnh.
Sự chuẩn bị cần thiết
Mỹ cần vượt qua cuộc khủng hoảng dịch bệnh hiện nay một cách nhanh nhất có thể, không chỉ vì những lợi ích của chính nước này mà còn vì lợi ích của các đồng minh, trong đó có Nhật Bản. Nếu cuộc khủng hoảng dịch bệnh này kéo dài lâu hơn và tình hình trở nên nghiêm trọng hơn thì nền kinh tế Mỹ sẽ chịu thiệt hại nặng nề hơn.
Điều này có khả năng dẫn đến đòi hỏi chính quyền Trump phải cắt giảm chi tiêu quốc phòng và hỗ trợ nước ngoài dành cho các chương trình như thúc đẩy kết nối số ở các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) nhất là khi các nước này cần đến khoản hỗ trợ này nhất.
Ngoài ra, nền chính trị Mỹ cũng có nguy cơ trở nên bất ổn hơn nữa, tạo ra sự phản đối quy mô lớn hơn đối với nền tảng chính sách đối ngoại thiên về chủ nghĩa biệt lập hơn. Kết quả bầu cử tổng thống Mỹ hồi năm 2016 là hệ quả của sự phản kháng như vậy. Thậm chí ngay cả lúc này, đã xuất hiện sự phản đối trước khuyến nghị của giới chuyên gia y tế công trong cuộc chiến chống Covid-19 và sự phản đối này do Trump kích động, ít nhất bằng cách ngấm ngầm.
Dĩ nhiên, nhà nước hiện tại của Mỹ dưới thời Trump sẽ không tiếp tục mãi như vậy. Tuy vậy, một tổng thống thứ hai (hoặc thậm chí thứ ba) mang phong cách Trump có thể được dự đoán sẽ xuất hiện trong nền chính trị Mỹ ở tương lai gần, trong bối cảnh bản chất cố hữu của chủ nghĩa phản đối giới tinh hoa vẫn tồn tại ở nước này.
Mọi đồng minh của Mỹ cần chuẩn bị sẵn sàng đối với kịch bản này. Một chính quyền Mỹ đi theo chủ nghĩa toàn cầu và có thể đoán định được một cách tương đối và không mềm mỏng một cách vô lý đối với Trung Quốc có thể là một thứ đồ hiếm trong những năm tới đây.
Khi nhận thức được nguy cơ này, Nhật Bản đã âm thầm thúc đẩy quá trình chuyển đổi sang tư thế tự chủ quốc phòng lớn hơn. Có lẽ, Tokyo cần tăng tốc quá trình chuyển đổi này.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận