Cần mạnh tay với doanh nghiệp nợ bảo hiểm xã hội
Thực tế cho thấy, tình trạng các DN trốn tránh hoặc cố tình trì hoãn việc đóng BHXH, BHYT, BHTN cho người lao động ngày càng tăng. Mặc dù, các ngành chức năng đã có nhiều giải pháp đẩy mạnh hoạt động thu hồi và xử lý nhưng tình trạng nợ đọng kéo dài vẫn còn, ảnh hưởng trực tiếp đến quỹ BHXH, BHYT và quyền lợi của người lao động, nhưng vẫn không giải quyết triệt để.
Đơn cử, tại Đà Nẵng, theo BHXH TP. Đà Nẵng, đến cuối tháng 3/2019, tổng số tiền các DN còn nợ lên đến trên 278 tỷ đồng. Trong đó, nợ BHXH hơn 243 tỷ đồng, BHTN 11,1 tỷ đồng, BHYT 32,5 tỷ đồng. Tình hình nợ đọng tiền bảo hiểm kéo dài, ảnh hưởng đến hơn 68.000 lao động. Trong số các DN nợ, có 1.222 đơn vị nợ từ 3 tháng trở lên, với tổng số tiền nợ hơn 148 tỷ đồng. Có 979 đơn vị thuộc diện nợ khó thu, như Công ty cổ phần Cơ khí Lắp máy Sông Đà chi nhánh 5, nợ gần 12 tỷ đồng, Công ty cổ phần Đầu tư Xây dựng và Thương mại Vina Waco 25 nợ gần 6 tỷ đồng...
Theo BHXH Đà Nẵng, việc thu hồi nợ đọng BHXH, BHYT, BHTN ở những đơn vị nợ có số tiền lớn, thời gian kéo dài nên gặp rất nhiều khó khăn. Nguyên nhân do nhận thức về chính sách, pháp luật BHXH của DN, chủ sử dụng lao động còn yếu. Cùng đó, người lao động hiểu biết về các chính sách, pháp luật về BHXH còn chưa đầy đủ, ít đấu tranh khi chủ sử dụng lao động vi phạm luật về BHXH.
Có trường hợp DN nợ chây ì, kéo dài, đến khi gặp sự cố thì người lao động “lãnh đủ”. Ví như, trường hợp Công ty TNHH TBO Vina (KCN Hòa Khánh), khi xảy ra sự cố DN đóng cửa, gần 500 công nhân đang lao đao vì mất việc. Cùng đó, các chế độ bảo hiểm cũng ảnh hưởng. Khi DN gặp sự cố, công nhân không chỉ bị DN nợ lương, mà còn bị nợ tiền đóng BHXH chẳng hạn, DN không đóng BHXH cho người lao động dẫn đến nhiều công nhân nữ nghỉ thai sản không được hưởng chế độ khi nghỉ sinh...
Hay như trường hợp của Công ty cổ phần Xây dựng điện VNECO 7 tại Đà Nẵng có trụ sở tại phường Hòa Khánh Nam, quận Liên Chiểu (Đà Nẵng) xảy ra hồi đầu năm 2018, thì trong những khoản nợ của DN, có khoản nợ lương của hơn 90 lao động và nợ BHXH khoảng 1,2 tỷ đồng. Đáng nói, dù DN đang nợ bảo hiểm, song bảng lương hàng tháng, người lao động vẫn bị trừ một khoản tiền… đóng BHXH!
Trước thực trạng này, UBND TP. Đà Nẵng vào cuộc chỉ đạo ngành bảo hiểm đẩy mạnh các biện pháp thu hồi nợ bảo hiểm tồn đọng để giảm thiểu việc ảnh hưởng đến chế độ của người lao động, quỹ bảo hiểm.
Để xử lý các DN nợ bảo hiểm, mới đây UBND TP. Đà Nẵng vừa ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty cổ phần LICOGI 10 và chi nhánh Công ty TNHH APAVE châu Á - Thái Bình Dương tại TP. Đà Nẵng vì hành vi chậm đóng BHXH.
Theo đó, xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty cổ phần LICOGI 10, vì hành vi chậm BHXH bắt buộc, BHTN, bảo hiểm tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp (BHTNLĐ-BNN) số tiền gần 1,4 tỷ đồng. Hình thức xử phạt bao gồm phạt tiền 150 triệu đồng; buộc truy nộp số tiền BHXH bắt buộc, BHTN, BHTNLĐ-BNN chậm đóng; buộc đóng số tiền lãi của số tiền BHXH bắt buộc, BHTN, BHTNLĐ-BNN chậm đóng. Thời hạn thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả 10 ngày, kể từ ngày nhận được quyết định.
Xử phạt vi phạm hành chính đối với chi nhánh Công ty TNHH APAVE châu Á - Thái Bình Dương, vì hành vi chậm đóng BHXH bắt buộc, BHTN, BHTNLĐ-BNN số tiền hơn 1 tỷ đồng. Hình thức xử phạt bao gồm phạt tiền 150 triệu đồng; buộc truy nộp số tiền BHXH bắt buộc, BHTN, BHTNLĐ-BNN chậm đóng; buộc đóng số tiền lãi của số tiền BHXH bắt buộc, BHTN, BHTNLĐ-BNN chậm đóng.
UBND thành phố yêu cầu 2 DN nói trên phải nghiêm chỉnh chấp hành quyết định xử phạt. Nếu quá thời hạn mà DN không tự nguyện chấp hành thì sẽ bị cưỡng chế thi hành theo quy định của pháp luật.
Để tăng cường công tác thu hồi nợ BHXH, BHYT, BHTN, thời gian qua, BHXH Đà Nẵng đã chủ động tham mưu cho UBND TP. Đà Nẵng ban hành các văn bản chỉ đạo liên quan đến vấn đề này. Đồng thời, BHXH thành phố tập trung rà soát phân loại và thanh tra các đơn vị, DN nợ đọng BHXH, phân tích nguyên nhân từ đó đưa ra các giải pháp đôn đốc thu hồi nợ. Ngoài ra, BHXH Đà Nẵng chuyển hồ sơ các vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật đến công an thành phố xem xét, điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật…
Theo các chuyên gia, Luật BHXH có hiệu lực từ năm 2016, tổ chức Công đoàn có quyền khởi kiện ra tòa án đối với hành vi vi phạm pháp luật về BHXH gây ảnh hưởng đến quyền lợi và lợi ích hợp pháp của người lao động. Song hiện nay việc thực hiện quy định này vẫn gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc. Dẫn đến, việc khởi kiện DN nợ đọng BHXH là rất khó khăn. |
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận