menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Hùng Dũng

Cần “luật hóa” xử lý nợ xấu

"Luật hóa" XLNX không chỉ mang lại hiệu quả cao hơn trong quá trình XLNX mà còn tăng hiệu lực, hiệu quả của công tác thể chế

Theo giới chuyên môn cần tạo khuôn khổ pháp lý đồng bộ, ổn định về XLNX đảm bảo phù hợp với thực tiễn và tiệm cận các chuẩn mực, thông lệ quốc tế. Điều đó cũng sẽ giải quyết các vấn đề bất cập, xung đột pháp lý giữa các văn bản quy phạm pháp luật để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc mà TCTD, VAMC gặp phải trong quá trình XLNX.

Sức ép nợ xấu lại gia tăng

Theo NHNN Việt Nam, Nghị quyết 42/2017/QH14 (Nghị quyết 42) trải qua gần 5 năm đi vào thực tiễn đã tạo ra hành lang pháp lý cần thiết, mang lại những chuyển biến tích cực trong công tác xử lý nợ xấu (XLNX) của các TCTD và VAMC; góp phần không nhỏ vào kết quả cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với XLNX giai đoạn 2016-2020.

Theo số liệu mới nhất của NHNN, tổng nợ xấu xác định theo Nghị quyết 42 của toàn hệ thống các TCTD đến 31/5/2021 là 425,4 nghìn tỷ đồng (bao gồm nợ xấu nội bảng, nợ hạch toán ngoại bảng cân đối kế toán, nợ xấu đã bán cho VAMC được thanh toán bằng trái phiếu đặc biệt được xác định theo Nghị quyết 42), giảm 3,4% so với cuối năm 2020. Lũy kế từ 15/8/2017 đến 31/5/2021, đã xử lý được 353,81 nghìn tỷ đồng nợ xấu xác định theo Nghị quyết số 42, không bao gồm nợ xấu xử lý bằng sử dụng dự phòng rủi ro. Tổng số nợ xấu xác định theo Nghị quyết số 42 được xử lý từ 15/8/2017 đến 31/5/2021 đạt trung bình khoảng 6,06 nghìn tỷ đồng/tháng, cao hơn 2,54 nghìn tỷ đồng/tháng so với giai đoạn năm 2012 - 2017 đạt khoảng 3,52 nghìn tỷ đồng/tháng.

Những kết quả tích cực trong triển khai thực hiện Nghị quyết số 42 của hệ thống các TCTD, VAMC được Quốc hội, Chính phủ đánh giá cao. Tuy nhiên, dịch bệnh Covid-19 bùng phát mạnh trên phạm vi toàn cầu, tiếp tục ảnh hưởng nghiêm trọng đến mọi mặt kinh tế - xã hội của các quốc gia trên thế giới và Việt Nam. Điều này dẫn đến khả năng trả nợ của khách hàng vay suy giảm, nợ xấu của các TCTD có khả năng tiếp tục tăng mạnh trong thời gian tới, việc kiểm soát tỷ lệ nợ xấu nội bảng của hệ thống các TCTD ở mức dưới 2% trong thời gian tới được coi là thách thức không nhỏ đối với ngành Ngân hàng.

Bên cạnh đó, mô hình tăng trưởng kinh tế của Việt Nam chủ yếu dựa vào tín dụng từ khu vực ngân hàng. Nếu các khó khăn, vướng mắc trong khuôn khổ pháp lý liên quan đến XLNX, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 còn diễn biến phức tạp chưa được tháo gỡ sẽ không thể khơi thông được nguồn vốn của hệ thống ngân hàng. Qua đó vừa ảnh hưởng đến mức độ an toàn, lành mạnh của hệ thống ngân hàng, vừa tác động tăng trưởng GDP của nền kinh tế. Như vậy, sẽ tác động tới khả năng thực hiện thành công các mục tiêu của Đảng, Quốc hội và Chính phủ đề ra đối với ngành Ngân hàng trong giai đoạn 2021-2025.

Cần hành lang pháp lý mạnh hơn

Bên cạnh đó, trong quá trình triển khai Nghị quyết 42 vẫn còn tồn tại các khó khăn, vướng mắc liên quan đến cơ sở pháp lý, đến quá trình thực thi. Nguyên nhân của các khó khăn, vướng mắc tập trung ở việc áp dụng pháp luật còn thiếu đồng bộ do có sự khác nhau giữa nội dung Nghị quyết số 42 với pháp luật chuyên ngành. Đặc biệt, việc chỉ dừng lại ở Nghị quyết thí điểm đã dẫn đến tâm lý ưu tiên áp dụng pháp luật chuyên ngành tại một số cơ quan hữu quan...

Trong khi Nghị quyết 42 sẽ hết hiệu lực thi hành vào ngày 15/8/2022. Khi đó việc XLNX của TCTD, VAMC sẽ thực hiện theo quy định của pháp luật có liên quan, không được ưu tiên áp dụng một số chính sách được quy định tại Nghị quyết 42.

Trước khó khăn từ khách quan và chủ quan, theo giới chuyên môn cần tạo khuôn khổ pháp lý đồng bộ, ổn định về XLNX đảm bảo phù hợp với thực tiễn và tiệm cận các chuẩn mực, thông lệ quốc tế. Điều đó cũng sẽ giải quyết các vấn đề bất cập, xung đột pháp lý giữa các văn bản quy phạm pháp luật để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc mà TCTD, VAMC gặp phải trong quá trình XLNX.

Để tạo điều kiện cho TCTD thúc đẩy nhanh quá trình XLNX trước khó khăn bủa vây, NHNN đưa ra hai hướng giải pháp. Một là, không luật hóa các quy định của Nghị quyết 42. Khi Nghị quyết 42 hết hiệu lực thi hành, toàn bộ cơ chế XLNX theo Nghị quyết này sẽ chấm dứt. TCTD, VAMC thực hiện việc xử lý nợ theo các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan. Hai là, luật hóa các quy định của Nghị quyết 42 dưới hình thức ban hành một luật về XLNX theo hướng sẽ kế thừa các quy định của Nghị quyết 42 còn phù hợp và sửa đổi, bổ sung các nội dung khác để phù hợp với thực tiễn hoạt động XLNX, khắc phục những khó khăn, bất cập khi thực hiện Nghị quyết 42.

Đối với phương án chấm dứt cơ chế XLNX theo Nghị quyết 42, theo đánh giá của NHNN sẽ dẫn đến các khoản nợ cũ chưa xử lý xong, trong khi đó nợ xấu mới tiếp tục hình thành do đại dịch Covid-19 sẽ phải kéo dài hoặc không thể xử lý được. Trong khi TCTD thiếu cơ chế tự XLNX. Vấn đề này có thể gây bất ổn cho nền kinh tế nói chung và hệ thống ngân hàng nói riêng. Chưa kể việc chấm dứt cơ chế XLNX theo Nghị quyết 42 sẽ làm giảm ý thức tự trả nợ của khách hàng, ảnh hưởng tới niềm tin của công chúng đối với công tác tái cơ cấu và XLNX. Qua đó ảnh hưởng đến sự an toàn, lành mạnh của hệ thống các TCTD và tạo ra nguy cơ rủi ro lan truyền; nền kinh tế sẽ dễ bị tổn thương...

Còn giải pháp luật hóa các quy định của Nghị quyết 42 dưới hình thức ban hành một luật về XLNX sẽ tạo hành lang pháp lý lâu dài, ổn định cho hoạt động XLNX, giảm sự xung đột với các luật chuyên ngành khác khi luật này được ưu tiên áp dụng.

Đánh giá tác động kinh tế, NHNN cho biết, tiếp tục duy trì chính sách XLNX tại Nghị quyết 42 tạo điều kiện cho TCTD đẩy nhanh việc XLNX, thu hồi vốn nhanh, khơi thông nguồn vốn cho TCTD hoạt động, kinh doanh, góp phần ổn định hoạt động của TCTD, đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu của TCTD và tránh các nguy cơ tiềm ẩn của nền kinh tế. Theo NHNN, việc XLNX nói chung, xử lý tài sản bảo đảm nói riêng, không chỉ đơn thuần giúp các TCTD thu hồi nợ mà còn bảo đảm quyền lợi của người gửi tiền và giữ vững sự ổn định, an toàn của hệ thống ngân hàng, hệ thống tài chính quốc gia…

Trên cơ sở phân tích nêu trên, đồng thời đánh giá tác động của các giải pháp đối với đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của chính sách và các đối tượng khác có liên quan đối với hai giải pháp trên, NHNN cho rằng, việc tiếp tục kéo dài cơ chế XLNX theo Nghị quyết 42 là rất cần thiết. NHNN đề xuất nên luật hóa các quy định của Nghị quyết 42 và nhận thấy cần thiết phải trình Quốc hội xây dựng luật về XLNX. “Việc không ban hành luật sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến tiến độ, hiệu quả XLNX của các TCTD, thiếu hụt cơ chế, chính sách khuyến khích để hỗ trợ TCTD, VAMC XLNX, xử lý tài sản bảo đảm, hỗ trợ tài chính cho việc cơ cấu lại TCTD cũng sẽ kéo dài tiến trình cơ cấu lại các TCTD yếu kém”, NHNN cho biết.

Đồng tình đề xuất trên, LS. Trương Thanh Đức cho rằng, “chính sách vẫn cần phải hoàn thiện để bảo đảm việc XLNX nói chung của nền kinh tế và nợ xấu nói riêng của ngành Ngân hàng tốt hơn. Giờ không làm ngay thì lại không kịp. Dù có hết dịch thì cũng còn tiếp tục khó khăn rất lâu nữa”.

TS. Cấn Văn Lực - Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia cũng đánh giá, việc “luật hóa” XLNX không chỉ mang lại hiệu quả cao hơn trong quá trình XLNX mà còn tăng hiệu lực, hiệu quả của công tác thể chế, một trong ba đột phá chiến lược tiếp tục được Đại hội Đảng XIII lựa chọn, thông qua.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - App Tài chính, Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại