Cần làm gì để Việt Nam vượt qua bẫy thu nhập trung bình?
Việt Nam đang hướng tới mục tiêu đạt mức thu nhập khoảng 10.000 USD/người vào năm 2035. Điều này, đòi hỏi sự vào cuộc, điều hành sáng suốt, phù hợp của Chính phủ.
Sáng 23/5 tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) tổ chức hội thảo “Vai trò của chính sách công nghiệp trong vượt qua bẫy thu nhập trung bình”.
Phát biểu khai mạc, bà Nguyễn Thị Tuệ Anh- Phó Viện trưởng CIEM cho biết, bẫy thu nhập trung bình gắn chặt chẽ đến tăng trưởng kinh tế. Bẫy thu nhập trung bình là trạng thái ở đó thu nhập bình quân đầu người của nền kinh tế sau khi tăng lên đạt một mức nhất định mà trong một thời gian dài không thể đuổi kịp để đạt mức thu nhập của một quốc gia phát triển.
Thu nhập trung bình là bẫy khá phổ biến, khiến nhiều quốc gia sau khi đạt được mức thu nhập trung bình đã không thể vượt qua và phải chấp nhận sự thất bại. Hậu quả là, nền kinh tế chỉ “quanh quẩn” ở quy mô và mức thu nhập trung bình mà không thể tiến xa, trở thành quốc gia phát triển, có thu nhập cao được.
"Việt Nam cũng đã trở thành nước thu nhập trung bình thấp cũng như đang hướng tới mục tiêu đạt mức thu nhập khoảng 10.000 USD/người vào năm 2035. Vì vậy, Việt Nam cũng đang phải đối diện với thách thức phải vượt qua bẫy thu nhập trung bình và điều đó đòi hỏi sự vào cuộc, điều hành sáng suốt, phù hợp của Chính phủ. Chính sách công nghiệp được coi là một trong những yếu tố đầu vào quan trọng nhất để thúc đẩy phát triển công nghiệp phục vụ tăng trưởng kinh tế ngành, kết hợp cải thiện, nâng cấp chất lượng phát triển của cả nền kinh tế", bà Nguyễn Thị Tuệ Anh cho biết.
Ông Hoàng Trường Giang, Phó Vụ trưởng Vụ Kinh tế Tổng hợp, Ban Kinh tế Trung ương cho rằng, lực lượng lao động và kỹ năng lao động là yếu tố quyết định, phải nâng cao năng suất lao động của người lao động và của chính doanh nghiệp. Khi tạo ra được sản phẩm trí tuệ, thì người lao động ứng dụng sản phẩm đó thì mới tạo ra sản phẩm giá trị cao.
Ông Ngô Minh Tuấn, nhà nghiên cứu của CIEM cũng cho rằng, mục tiêu phát triển công nghiệp trong giai đoạn 2016-2020, Việt Nam tập trung phát triển một số ngành công nghiệp nền tảng, đáp ứng nhu cầu về tư liệu sản xuất cơ bản của nền kinh tế. Việt Nam cũng cần tập trung phát triển công nghiệp hỗ trợ, tăng cường liên kết giữa các tập đoàn đa quốc gia và doanh nghiệp trong nước, hình thành các khu công nghiệp hỗ trợ theo cụm, liên kết chuỗi ngành hàng.
Để vượt qua bẫy thu nhập trung bình, bà Nguyễn Thị Tuệ Anh cho rằng, đến nay, chỉ có rất ít quốc gia vượt qua bẫy thu nhập trung bình. Theo gợi ý từ quá trình tổng hợp, nghiên cứu của CIEM, cần vượt bẫy thu nhập trung bình bằng 3 phương cách, như: thu nhập bình quân đầu người phải có xu hướng bắt kịp các nước thu nhập cao; trong đó, phải tăng năng suất là yếu tố quyết định, được thúc đẩy bởi nâng cấp công nghệ, sáng tạo và thể chế.
Đặc biệt, Chính phủ có chỉ đạo chuyển đổi cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hoá, chuyển đổi từ nền kinh tế nông nghiệp sang công nghiệp và dịch vụ kèm theo tăng năng suất lao động và thu nhập bình quân đầu người; nâng cấp các ngành, trước hết là chế biến, chế tạo để sản phẩm có giá trị gia tăng cao hơn, mức độ phức tạp cao hơn kèm theo tăng năng suất lao động.
Bên cạnh đó, Chính phủ có giải pháp để chuyển dịch cơ cấu nội bộ ngành, chế biến chế tạo từ hàng hoá tiêu dùng như thực phẩm, may mặc, thuốc lá, gỗ… sang hàng hoá vốn như: hoá chất, kim loại, máy móc thiết bị, xe có động cơ; đồng thời, có chiến lược vượt bẫy thu nhập trung bình, phù hợp với yêu cầu cầu tiềm năng, hoàn cảnh của của quốc gia; trong đó, chính sách công nghiệp có vai trò rất quan trọng để công nghiệp hoá, vượt qua bẫy thu nhập trung bình.
Theo bà Nguyễn Thị Tuệ Anh, Chính phủ, các cơ quan chức năng cần tìm cách huy động, phát huy tối đa tiềm lực và tận dụng cơ hội để tập trung hỗ trợ phát triển công nghiệp; trong đó, có tham khảo các bài học quốc tế, chú trọng vào khu vực tư nhân để bảo đảm mục tiêu vượt qua bẫy thu nhập trung bình.../.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận