menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Bùi Duy Anh

Cần kiên quyết xử lý doanh nghiệp cố tình chây ì đóng BHXH

Theo các ĐBQH để giải quyết tình trạng chậm, trốn đóng bảo hiểm xã hội cần phải tuyên truyền vận động để các doanh nghiệp nâng cao ý thức, trách nhiệm.

Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) được Chính phủ trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV.

Trong phiên thảo luận tại hội trường, điều kiện, thời gian đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) tối thiểu để được hưởng lương hưu, quy định hưởng bảo hiểm xã hội một lần, xác định hành vi trốn đóng, chậm đóng bảo hiểm xã hội… cùng các vấn đề khác các đại biểu quan tâm.

Tại phiên họp thứ 31, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đã cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi). Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết hiện nay vẫn còn 6 vấn đề lớn trong việc tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) trong đó có vấn đề về biện pháp xử lý chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc.

Cần kiên quyết xử lý doanh nghiệp cố tình chây ì đóng BHXH
ĐBQH Nguyễn Quang Huân.

Trao đổi với Người Đưa Tin quanh việc xử lý chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội của doanh nghiệp, ĐBQH Nguyễn Quang Huân - Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Halcom Việt Nam, ĐBQH tỉnh Bình Dương cho rằng cần quản lý đóng bảo hiểm như quản lý thuế.

Theo ông Huân, cần phân loại các doanh nghiệp như: Doanh nghiệp nào chậm đóng? Doanh nghiệp nào trốn đóng? Như vậy, mới có ứng xử phù hợp.

“Nếu doanh nghiệp đang hoạt động bình thường nhưng do khó khăn vài tháng không đóng mà bắt đóng cửa thì lại gây khó khăn cho doanh nghiệp”, ông Huân nói.

Do đó, theo ông Huân cũng giống như việc Quốc hội quyết định giãn thuế, chậm nộp thuế thì bảo hiểm cũng nên cho phép như vậy.

Bên cạnh đó, cũng theo vị đại biểu này, với doanh nghiệp nào chây ì cần phải có các chế tài, có cơ chế phối hợp với các ngành để có biện pháp xử lý.

“Không thể có chuyện doanh nghiệp không đóng bảo hiểm vẫn bình thường như các doanh nghiệp đóng bảo hiểm đều đặn”, ông Huân nói và cho rằng dần dần như vậy doanh nghiệp phải khắc phục, tương tự như câu chuyện khắc phục nộp thuế thì doanh nghiệp mới hoạt động trở lại sản xuất kinh doanh bình thường được.

“Còn doanh nghiệp cố tình chây ì là kiên quyết phải cho dừng hoạt động”, ông Huân nhấn mạnh và cho biết để thực hiện luật cần có văn bản hướng dẫn, có sự phân loại doanh nghiệp.

Cần kiên quyết xử lý doanh nghiệp cố tình chây ì đóng BHXH
ĐBQH Trương Xuân Cừ.

ĐBQH Trương Xuân Cừ (đoàn Hà Nội) cho biết, việc chậm đóng bảo hiểm xã hội hiện nay có một số doanh nghiệp chây ì, họ tìm mọi cách để trốn tránh, thậm chí không phải đóng bảo hiểm xã hội. Đây là vấn đề tồn tại.

Theo ông Cừ, hiện nay, nợ đóng bảo hiểm xã hội ở doanh nghiệp lớn, điều này ảnh hưởng đến tương lai của những người lao động. Đặc biệt sau này người lao động hết tuổi lao động sẽ liên quan đến chế độ lương hưu và các chế độ khác.

Do đó, theo đại biểu đoàn Hà Nội, để giải quyết tình trạng chậm, trốn đóng bảo hiểm xã hội cần phải tuyên truyền vận động để các doanh nghiệp nâng cao ý thức, trách nhiệm với những người lao động và trách nhiệm xã hội.

Đồng thời, tuyên truyền để những người lao động nhận thấy quyền và lợi ích hợp pháp của mình trong vấn đề đóng bảo hiểm xã hội.

Thêm vào đó, ông Cừ cho rằng, cơ quan thực thi cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát và có biện pháp xử lý nghiêm minh đối với từng doanh nghiệp, có biện pháp xử lý từ hành chính, thậm chí hình sự để răn đe và tăng ý thức doanh nghiệp.

“Ngoài ra, không những cơ quan của bảo hiểm xã hội mà cả hệ thống chính trị cần vào cuộc. Doanh nghiệp đóng trên địa bàn nào thì cấp ủy, chính quyền địa phương cũng cần tăng cường kiểm tra, giám sát”, ông Cừ nói.

Cả nước có tới 198.000 doanh nghiệp, đơn vị chậm đóng BHXH

Tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, phát biểu tại hội trường, đại biểu Nguyễn Thị Thủy (đoàn Bắc Kạn) góp ý về hành vi trốn đóng, chậm đóng BHXH và cho biết, số doanh nghiệp trốn đóng, chậm đóng BHXH trong giai đoạn 2016-2022 khoảng gần 10 nghìn tỷ đồng/năm. Trong năm, 2022, riêng số đơn vị, doanh nghiệp chậm đóng BHXH kéo dài 3 năm lên tới 56% và trên phạm vi cả nước có tới 198 nghìn doanh nghiệp, đơn vị chậm đóng BHXH.

Về những hệ lụy mà người lao động phải gánh chịu, theo báo cáo của Chính phủ, chỉ tính riêng số người lao động bị chậm đóng bảo hiểm trong năm 2022 lên tới 2,6 triệu người và trong đó số tiền khó có khả năng thu hồi do doanh nghiệp đã giải thể, phá sản hoặc chủ doanh nghiệp đã bỏ trốn là 2.500 tỷ đồng.

Góp ý về hành vi trốn đóng, chậm đóng BHXH tại điểm c, khoản 2 Điều 36, đại biểu Nguyễn Thị Thủy đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc bổ sung quy định này để tránh xung đột với các quy định khác trong hệ thống pháp luật. Đại biểu lo lắng nếu như quy định như dự thảo thì doanh nghiệp có thể lợi dụng và đưa ra lý do kinh doanh khó khăn nên không có khả năng đóng, do đó sẽ không thể xử lý được hành vi trốn đóng BHXH.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
1 Chia sẻ
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - App Tài chính, Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại