Cần khắc phục tình trạng điều chỉnh quy hoạch nhiều lần
Ngày 27/5, thảo luận ở nghị trường Quốc hội về việc thực hiện chính sách, pháp luật quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị từ khi Luật Đất đai năm 2013 có hiệu lực đến hết năm 2018, nhiều Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đã bày tỏ bức xúc về tình trạng các dự án được điều chỉnh quy hoạch nhiều lần và đề nghị Chính phủ thắt chặt kỷ cương, tăng cường quản lý trong quy hoạch.
Sau khi nghe Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày báo cáo của Đoàn giám sát của Quốc hội về việc thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị từ khi Luật Đất đai năm 2013 có hiệu lực đến hết năm 2018, nhiều ĐBQH đã bày tỏ bức xúc về những bất cập của việc điều chỉnh quy hoạch cũng như công tác quản lý sử dụng đất đô thị.
Theo báo cáo, cả nước có khoảng 1.390 dự án có quy hoạch điều chỉnh từ 1 đến 6 lần. Quy hoạch được điều chỉnh thường có xu hướng tăng tầng cao, số tầng, tăng diện tích sàn, chia nhỏ diện tích căn hộ, tăng mật độ xây dựng và hệ số sử dụng đất; giảm diện tích đất cây xanh công cộng, đất công trình hạ tầng kỹ thuật hoặc bổ sung chức năng nhà ở vào các lô đất thương mại, văn phòng làm gia tăng chênh lệch địa tô, tăng mật độ xây dựng, quy mô dân số và thường xảy ra tại các tỉnh, thành phố lớn, có sức hấp dẫn và thu hút đầu tư cao.
Hiện tượng tắc nghẽn giao thông tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh là dẫn chứng điển hình cho sự thiếu đồng bộ, thiếu kết nối giữa quy hoạch xây dựng đô thị với hạ tầng kỹ thuật, xã hội…
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết: Tỷ trọng công trình cao tầng ở khu vực nội đô Hà Nội lên tới 80%, trong khi thiếu liên kết về hạ tầng. Việc co cụm các dự án nhà ở cao tầng đã gây áp lực lên hạ tầng kỹ thuật, xã hội; địa phương không dành đủ quỹ đất cho giao thông, khiến vấn đề ách tắc càng thêm trầm trọng. Cùng với đó là tình trạng xây dựng sai quy hoạch, sai giấy phép xây dựng diễn biến phức tạp…
Cho ý kiến về vấn đề này, ĐBQH Đinh Duy Vượt (Gia Lai) cho biết: Tình trạng tắc đường, hạ tầng quá tải, thành phố ngập lụt… chính là do việc điều chỉnh quy hoạch quá nhiều lần. Việc cả nước có 1.390 dự án điều chỉnh quy hoạch từ 1 đến 6 lần đã và đang gây tổn thất nghiêm trọng về kinh tế, bức xúc cho xã hội và người dân.
Đại biểu Đinh Duy Vượt cũng cho rằng, chính việc tuỳ tiện trong điều chỉnh quy hoạch nhiều lần đã phá nát quy hoạch gây nhiều hậu quả như đội vốn, chậm tiến độ, thất thoát lãng phí.
Các đại biểu cũng kiến nghị Chính phủ cần thắt chặt kỷ cương, tăng cường kiểm tra giám sát để hạn chế việc tuỳ tiện trong điều chỉnh quy hoạch…
Tại hội trường, cho ý kiến về việc thực hiện các chính sách pháp luật về quy hoạch, quản lý và sử dụng đất đai đô thị, nhiều đại biểu cho rằng, hệ thống pháp luật được ban hành khá đầy đủ, cụ thể hóa kịp thời các chủ trương, chính sách của Đảng, tinh thần Hiến pháp 2013, bám sát thực tiễn phát triển của đất nước…Tuy nhiên, còn bộc lộ nhiều bất cập, hạn chế.
Cụ thể như việc lập, thẩm định, phê duyệt, điều chỉnh và thực hiện quy hoạch sử dụng đất, kế hoạch sử dụng đất; chất lượng một số phương án quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, đồ án quy hoạch đô thị chưa cao, chưa đáp ứng yêu cầu thực tế và giải quyết kịp thời các vấn đề nổi cộm trong quản lý và phát triển đô thị; việc tổ chức lấy ý kiến cộng đồng dân cư về lập, điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch đô thị tại một số địa phương còn hạn chế, chưa thực chất.
Một số dự án đầu tư có sử dụng đất đã được Nhà nước giao đất, cho thuê đất nhưng không đưa đất vào sử dụng hoặc chậm tiến độ sử dụng gây nên tình trạng lãng phí, đất đai để hoang hóa. Chưa có chính sách hữu hiệu để hạn chế, xử lý tình trạng đầu cơ đất đai, ở một số nơi có hiện tượng đẩy giá đất tăng đột biến trong thời gian ngắn đã ảnh hưởng đến môi trường đầu tư, gây khó khăn trong công tác quản lý và điều hành kinh tế vĩ mô…
Các ĐBQH cũng kiến nghị Quốc hội sớm xem xét, sửa đổi Luật Đất đai 2013 và các luật liên quan tới quy hoạch. Cùng đó, hàng năm Kiểm toán Nhà nước kiểm toán các nội dung liên quan tới quy hoạch, quản lý và sử dụng đất đai ở đô thị;
Xây dựng chiến lược sử dụng đất quốc gia có tầm nhìn dài hạn đến năm 2045, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh; bảo đảm nguồn lực đất đai được sử dụng hiệu quả, bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu, bảo vệ tài nguyên, môi trường sinh thái.
Tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục, quán triệt và hướng dẫn thực hiện các chủ trương, chính sách, pháp luật về quy hoạch, đất đai của các cơ quan Trung ương và địa phương phù hợp với đặc thù quản lý đất đai, quy hoạch của khu vực đô thị…
Kim Thoa
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận