Căn hộ biển tăng giá nhưng sức mua yếu
6 tháng qua cả nước chỉ tiêu thụ được 944 căn condotel, thanh khoản giảm 42% so với cùng kỳ dù giá bán tăng 9-15%.
Báo cáo thị trường căn hộ biển (condotel) của DKRA Việt Nam cho biết, trong hai quý đầu năm, condotel cả nước ghi nhận 8 dự án mở bán, tiêu thụ 944 căn, sức mua sụt giảm 42% so với cùng kỳ năm ngoái, tức kém hơn giai đoạn đợt Covid-19 lần thứ tư bùng nổ. Tuy sức mua yếu dần, 6 tháng qua, mặt bằng giá chào bán condotel ghi nhận tăng 9-15% so với cùng kỳ năm trước.
Ghi nhận của VnExpress cho thấy, trong hai quý đầu năm, giá chào bán condotel vẫn leo thang ở các thành phố biển, mức tăng giá của rổ hàng mới dao động ở biên độ 7-9% so với đợt mở bán trước đó.
Ở khu vực miền Trung, giá chào bán condotel cao nhất ghi nhận 120 triệu đồng một m2, các căn hộ biển có giá cao tập trung chủ yếu ở Đà Nẵng. Trong khi đó, tại khu vực miền Bắc, giá chào bán cao nhất đạt 135-140 triệu đồng một m2, rổ hàng phân bổ nhiều ở Quảng Ninh. Còn căn hộ condotel ở các thủ phủ du lịch miền Nam ghi nhận giá cao nhất 165-167 triệu đồng một m2, phân bổ ở Phú Quốc, Bà Rịa - Vũng Tàu.
Ông Võ Hồng Thắng, Phó giám đốc R&D DKRA Việt Nam, giải thích hiện tượng tăng giá condotel là do nguồn cung thị trường đang nhắm đến phân khúc căn hộ biển chất lượng cao, đồng thời các chương trình khuyến mãi, ưu đãi kích cầu cũng được tính vào giá thành sản phẩm. Theo ông, tác động của việc kiểm soát tín dụng đã khiến thanh khoản condotel sụt giảm do khách hàng mua tài sản sản khó tiếp cận nguồn vốn vay.
Tuy nhiên, theo đánh giá của một số đơn vị khảo sát bất động sản nghỉ dưỡng, thị trường condotel có thanh khoản kém vì còn tồn tại nhiều vướng mắc pháp lý chưa được xử lý dứt điểm.
Báo cáo của Batdongsan cho hay, mức độ quan tâm đến thị trường bất động sản nghỉ dưỡng thể hiện qua lượt tìm kiếm của người dùng đang giảm 41% trong 2 năm qua, đây là tỷ lệ điều chỉnh khá mạnh. Bất động sản nghỉ dưỡng có tiềm năng dài hạn nhưng trong ngắn hạn vẫn dừng ở mức "chờ thời", tức chờ đợi cơ hội chín muồi cho quá trình hồi phục những năm tới do hiện nay chỉ tiêu du lịch bị ảnh hưởng bởi những biến động tiêu cực trên thế giới.
Theo đánh giá của đơn vị này, mặt hạn chế của thị trường bất động sản nghỉ dưỡng hiện nay, trong đó có condotel, là vẫn còn giẫm chân tại chỗ ở khung pháp lý "3 chưa".
Thứ nhất là chưa có khái niệm cụ thể về bất động sản du lịch trong các văn bản pháp lý ngành xây dựng và kinh doanh bất động sản. Thứ hai là chưa có quy định chế tài cụ thể về trách nhiệm của chủ đầu tư trong việc đưa ra và thực hiện các cam kết lợi nhuận khi chào bán các sản phẩm trong các dự án bất động sản du lịch. Thứ ba là chưa công nhận quyền sở hữu hợp pháp tài sản (sổ hồng) cho nhà đầu tư thứ cấp với hầu hết tất cả các sản phẩm nghỉ dưỡng ở thời điểm hiện tại.
Ông Nguyễn Lộc Hạnh, Tổng giám đốc Công ty tư vấn đầu tư Ngọc Châu Á cho biết, hiện nay thị trường condotel vẫn còn xuất hiện rất nhiều hình thức bán hàng kích cầu bằng cam kết lợi nhuận khủng. Có những trường hợp mức cam kết lên đến 9-10% thậm chí cao hơn.
Tuy nhiên, trên thực tế, trong điều kiện bình thường (trước khi đại dịch Covid-19 bùng nổ) biên lợi nhuận tối đa mà các tổ hợp nghỉ dưỡng có thể đạt được phổ biến ở mức 6-7% và một số ít dự án đạt được mức 8%.
Ông Hạnh nhìn nhận, dù hiện nay thị trường nghỉ dưỡng đang từng bước tìm lại đà hồi phục sau tác động nặng nề của đại dịch nhưng quá trình này không thể diễn ra một sớm một chiều và cần thêm nhiều thời gian tìm lại đà tăng trưởng trước đó. Vì vậy, theo ông Hạnh, các nhà đầu tư khi chọn sản phẩm nghỉ dưỡng, nếu chỉ quan tâm đến mức cam kết lợi nhuận khủng trong giai đoạn này có thể phải cân nhắc thận trọng hơn.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận