Cần hiểu rõ là khủng hoảng kinh tế do Covid khác với khủng hoảng kinh tế do chu kỳ kinh doanh
Trong các cuộc khủng hoảng chu kỳ, bản chất là do một giai đoạn trước đó, người ta đã kỳ vọng quá cao, nên đầu tư mạnh. Đến khi lợi nhuận đem lại từ đầu tư không được như kỳ vọng, người ta dừng đầu tư. Sự suy giảm đầu tư này kéo theo thất nghiệp và giảm thu nhập của các hộ gia đình. Do thu nhập giảm nên sau đó là giảm tiêu dùng.
Như vậy, đầu tư giảm -- thu nhập giảm -- tiêu dùng giảm và tiếp tục cái vòng luẩn quẩn đó. Nhưng cần lưu ý là mọi thứ xuất phát từ sự sụt giảm mạnh của đầu tư lúc bắt đầu khủng hoảng.
Khủng hoảng do Covid thì xuất phát từ lo ngại dịch bệnh, lockdown, dẫn đến suy giảm tiêu dùng. Tiêu dùng giảm khiến doanh thu của các doanh nghiệp giảm, khiến họ không đầu tư nữa. Tiếp theo đó là mất việc làm và giảm thu nhập.
Như vậy, vòng luẩn quẩn thì giống nhau, nhưng điểm xuất phát thì khác nhau. Khủng hoảng covid xuất phát từ tiêu dùng, chứ không xuất phát từ đầu tư.
Chính vì vậy, các gói hỗ trợ kinh tế của các nước thường hướng đến các hộ gia đình. Các gói này nhằm hai mục đích: một là tăng tiêu dùng và hai là giữ người dân ở nhà.
Mục tiêu đầu tiên đạt được một phần vì thực tế chứng kiến ở các nước là khi nhận được tiền hỗ trợ, tiêu dùng của các hộ gia đình không tăng mạnh, mà tiết kiệm mới tăng. Ở Việt Nam, nhìn dòng tiền đổ vào ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, bất động sản trong năm qua thì dường như tỷ lệ tiết kiệm tăng khủng.
Mục tiêu thứ hai để giữ mọi người ở nhà thì chủ yếu áp dụng cho những người thu nhập thấp, những người bị mất việc, chứ không áp dụng quá rộng.
Việc đề xuất hạ lãi suất cho các doanh nghiệp khá kỳ cục. Hiện lãi suất đang rất thấp và thị trường chứng khoán thì đang thừa tiền. Nguyên nhân là do tỷ lệ tiết kiệm đang rất cao (do không tiêu dùng được). Nếu doanh nghiệp có cơ hội đầu tư, họ đã tự huy động được vốn mà không cần hỗ trợ. Vấn đề là doanh nghiệp vẫn sẽ không đầu tư khi mà không có cơ hội có doanh thu do người dân không tiêu tiền.
Vậy nên, mọi điều quay trở lại điểm mấu chốt: làm thế nào để tăng tiêu dùng?
Có lẽ, biện pháp tốt nhất để tăng tiêu dùng vào lúc này thì chỉ có áp dụng chống dịch thật ổn định. Vaccine đã phủ được hơn 50% dân số rồi, nhưng người ta vẫn chưa yên tâm tiêu tiền là do lo ngại các biện pháp chống dịch cực đoan của Nhà nước.
Vậy nên, bây giờ muốn kinh tế phục hồi thì đừng có phong tỏa cả khu phố vài tuần, đừng đóng cửa cả nhà máy, trường học, công sở vì một ca nhiễm. Hãy cho cách ly tại nhà có nhân viên y tế gọi điện ít nhất hai ngày một lần, hỗ trợ nhu yếu phẩm cho người phải cách ly. Đừng bế người ta đi cách ly tập trung một cách cứng nhắc. F1 đã tiêm đủ vaccine và xét nghiệm âm tính thì không cần cách ly. Đừng hạn chế di chuyển liên tỉnh. Hãy mở lại đường bay quốc tế mà không cần cách ly với người đã tiêm vaccine và xét nghiệm âm tính cả nơi đi và nơi đến.
Chỉ khi nào người dân không còn nơm nớp lo sợ bị bế đi cách ly, đi chơi không sợ bị kẹt không về được nhà. Chỉ khi nào doanh nghiệp kinh doanh trở lại không sợ phải đóng cửa bất thình lình, xe cộ chở người chở hàng không còn lo bị chặn trên đường rồi phải quay đầu. Khi đó kinh tế sẽ trở lại. Còn nếu không làm được các điều này mà cứ chăm chăm vào hỗ trợ lãi suất thì chẳng giải quyết được gì.
Theo dõi người đăng bài
Tiếp cận các chuyên gia VIP/PRO hàng đầu của 24HMONEY
Nhận ngay bài viết tài chính chuyên sâu
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận