24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Nguyễn Hoàng Tuấn
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Cần giải pháp phục hồi và kích thích kinh tế

Để giảm thiểu thiệt hại nặng nề của làn sóng Covid-19 thứ 4 tới nền kinh tế, cần một kịch bản điều hành và Chính phủ cần giao các bộ, cơ quan liên quan nghiên cứu, đề xuất các chính sách và giải pháp hỗ trợ và kích thích kinh tế mới để trình Chính phủ trong thời gian sớm nhất. TS.Nguyễn Đình Cung khuyến nghị khi trả lời phỏng vấn của Thời báo Ngân hàng.

Ông đánh giá thế nào về đợt dịch Covid-19 lần này?

Trước hết, làn sóng dịch thứ 4 này rất khác so với 3 lần trước với 4 đặc điểm sau:

Một là, đợt dịch thứ 4 này có quy mô lớn hơn, nguồn lây nhiều hơn và phức tạp hơn, lây nhiễm chủ yếu từ cộng đồng, nơi tập trung đông người, tốc độ lây lan nhanh hơn.

Hai là, trung tâm dịch xảy ra tại các khu công nghiệp ở Bắc Giang, Bắc Ninh - đây là một trung tâm công nghiệp chế biến xuất khẩu của cả nước.

Ba là, số người bị mắc bệnh nhiều hơn. Cho đến nay, số ca nhiễm virus trong đợt này cao hơn cả số ca nhiễm của cả ba đợt trước cộng lại. Số địa điểm phong tỏa cũng nhiều hơn đợt 2 và đợt 3 (trừ lần giãn cách xã hội toàn quốc hồi quý II/2020).

Bốn là, công tác phòng chống dịch khó khăn, phức tạp và tốn kém hơn; thời gian chống dịch, dập dịch để quay lại trạng thái bình thường có thể kéo dài hơn.

Vậy đợt dịch này tác động thế nào đến kinh tế-xã hội nước ta, thưa ông?

Đợt dịch này vẫn mang tới một số tác động tương tự như các đợt dịch trước. Đó là các ngành dịch vụ du lịch, vận tải hành khách, nhất là hàng không, nhà hàng, khách sạn tiếp tục chịu tác động nặng. Bên cạnh đó, sản xuất kinh doanh tiếp tục chịu tác động tiêu cực và vẫn sẽ có các tình trạng giảm doanh thu, giảm lợi nhuận, giảm việc làm…

Đáng chú ý một số ngành sản xuất và các ngành dịch vụ như du lịch, vận tải hành khách, hàng không, nhà hàng, khách sạn… đã gặp khó khăn chồng chất kéo dài từ 3 đợt dịch trước, nay lại thêm đợt dịch này thì tổn hại sẽ nặng nề hơn, chắc chắn sẽ có thêm nhiều doanh nghiệp không thể trụ tiếp được nữa, buộc phải ngừng hoạt động hoặc phá sản.

Bên cạnh đó, làn sóng dịch thứ 4 sẽ mang lại nhiều tác động mới. Trước hết, đợt dịch này đã gây đảo lộn sản xuất tại một số khu công nghiệp ở Bắc Giang và Bắc Ninh.

Thứ hai, sản lượng công nghiệp sẽ giảm do ngừng, thu hẹp sản xuất; do giảm năng suất lao động… dẫn tới tốc độ tăng sản lượng công nghiệp, nhất là công nghiệp chế biến sẽ giảm.

Thứ ba, tốc độ tăng kim ngạch xuất khẩu, nhất là xuất khẩu sản phẩm chế tác, có thể giảm. Tháng 5 đã nhập siêu và có thể tiếp tục nhập siêu quay trở lại trong thời gian tới.

Kết hợp cả hai loại tác động từ 3 đợt dịch trước với tác động mới từ làn sóng Covid-19 này thì tăng trưởng quý II và tăng trưởng 6 tháng đầu năm sẽ thấp hơn kế hoạch dự kiến.

Về an sinh xã hội, số lao động bị mất việc làm, giảm việc làm tăng lên. Số lao động gia nhập khu vực phi chính thức gia tăng. Cuộc sống và sinh kế của khu vực phi chính thức, lao động tự do trở nên khó khăn hơn, bấp bênh và dễ bị tổn thương hơn.

Cần giải pháp phục hồi và kích thích kinh tế
Cần ngăn ngừa dịch bệnh lây lan tại các khu công nghiệp để không bị đứt gãy sản xuất

Vậy để giảm thiểu tác động tiêu cực, để đạt được tốc độ tăng trưởng kinh tế ở mức cao nhất có thể, chúng ta cần làm gì và phải làm gì, thưa ông?

Theo tôi, vẫn giữ định hướng “mục tiêu kép”, nhưng phải cụ thể hơn. Kinh tế và y tế là hai mặt không thể tách rời nhau. Có khống chế được dịch, thì mới có thể có kết quả kinh tế khả quan. Vì thế trước hết là phải chống dịch khẩn trương, quyết liệt ngăn dịch và dập dịch.

Theo đó về kinh tế, phải dự báo, phải tính toán xem kinh tế tăng trưởng như thế nào. Từ đó xác định xem vẫn giữ mục tiêu tăng trưởng hay điều chỉnh mục tiêu; hay theo tinh thần đạt được tối đa có thể. Đặc biệt cần phải xác định ro đâu là động lực cho tăng trưởng.

Về y tế, cần thay đổi, hay bổ sung thêm giải pháp. Đó là chỉ có tiêm vắc xin cho đa số dân thì mới đẩy lùi được dịch bệnh, xã hội mới an toàn. Vì vậy, bên cạnh các giải pháp như xét nghiệm, khoanh vùng, truy vết, khống chế nguồn lây, thì phải tập trung nguồn lực giải quyết vấn đề vắc xin. Trong tiếp cận vắc xin, thì ưu tiên đối tượng rủi ro cao và công nhân các khu công nghiệp. Trên thực tế, Chính phủ đang làm theo hướng này, nhưng cần thể hiện rõ ràng hơn.

Theo tôi cũng nên nghiên cứu để mở cửa, cho phép các doanh nghiệp chủ động tìm kiếm vắc xin cho công nhân, người lao động của họ, nhưng phải thông báo trước kế hoạch thực hiện và loại vắc xin.

Đồng thời vừa chống dịch, vừa hỗ trợ các địa phương, các khu công nghiệp và các doanh nghiệp bị ảnh hưởng nhanh chóng phục hồi lại sản xuất. Cần yêu cầu các khu công nghiệp trên toàn quốc có kế hoạch chủ động đối phó dịch bệnh, tránh đứt gãy sản xuất, chuỗi cung ứng.

Bên cạnh đó là kích thích đầu tư trong nước và tiếp tục đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công. Kinh nghiệm của năm ngoái là ngay khi dịch bùng phát đã kịp thời và có các kịch bản điều hành cho từng quý theo các dự báo diễn biến của dịch bệnh. Trong các kịch bản đó luôn nhấn mạnh nhà nước là trụ cột chống dịch và tăng trưởng kinh tế nên xác định đầu tư công là trụ cột. Từ đó liên tục thúc đẩy đầu tư công. Trong năm 2021 này, đầu tư công vẫn phải là một trụ cột cho tăng trưởng. Tuy nhiên đã hết 5 tháng, nhưng số liệu của Tổng cục Thống kê cho biết giải ngân đầu tư công mới đạt 28,7% kế hoạch năm.

Dịch bệnh đang rất phức tạp, các điểm phải giãn cách, phải cách ly đang nhiều lên. Mặc dù đó là biện pháp cần phải làm để khống chế sự lây lan của dịch bệnh, nhưng bên cạnh đó cần có các giải pháp khác để giảm thiểu đến mức tối đa những tác động tiêu cực đến hoạt động sản xuất - kinh doanh; đồng thời hỗ trợ tiêu thụ nông sản cho nông dân.

Theo tôi Chính phủ cần giao các bộ, cơ quan liên quan khẩn trương nghiên cứu, đề xuất các chính sách và giải pháp hỗ trợ và kích thích kinh tế mới để trình Chính phủ sớm nhất có thể.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả