Cần giải pháp cụ thể thúc đẩy kinh tế
Trao đổi với Tiền Phong, đại biểu Quốc hội cho rằng, tập trung ngăn ngừa dịch Covid-19 và có giải pháp “tăng trưởng bù” là hai nhiệm vụ quan trọng đặt ra lúc này. Trong quá trình thực hiện, nếu thấy vấn đề gì khó khăn, vướng mắc, hay vượt quá thẩm quyền thì Chính phủ có thể trình và xin chủ trương từ Quốc hội.
T.S Bùi Sỹ Lợi, Phó chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội: Chuẩn bị cho“dòng chảy” xuất khẩu mới
Trước tác động tiêu cực bởi dịch Covid-19 gây ra, ảnh hưởng rất lớn đến nền kinh tế và thu ngân sách. Tăng trưởng trong quý I đầu năm nay sẽ không đạt, trong quý II cũng vậy, nên bước sang quý III và IV cũng rất khó khăn. Chính vì vậy cần phải có những giải pháp tích cực để ứng phó với tình hình dịch bệnh do Covid-19 gây ra.
Chính sách thuế và các giải pháp về kinh tế để thúc đẩy tăng trưởng là công việc điều hành thường xuyên của Chính phủ, không cần phải trình Quốc hội, cũng không cần ban hành Nghị quyết. Điều quan trọng nhất lúc này là đưa ra các biện pháp để ngăn chặn dịch Covid-19 và thúc đẩy sự tăng trưởng. Thủ tướng đã khẳng định, chấp nhận thiệt hại kinh tế để bảo vệ dân khỏi dịch Covid-19. Nhiệm vụ này là quan trọng hơn cả, bởi nếu mở kinh tế ra thì rất khó ngăn chặn dịch bệnh.
Nhưng cũng rất may là vào tháng 5 này, Quốc hội sẽ thông qua Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) vừa được Nghị viện châu Âu thông qua. Đây chính là nền tảng “dòng chảy” của xuất khẩu sang EU. Mở rộng thị trường là cơ hội để chúng ta thúc đẩy tăng trưởng và có thể bù đắp được cho phần mất mát mà dịch Covid-19 gây ra. Về lâu dài, các ngành, các cấp và mỗi địa phương phải có giải pháp khắc phục khó khăn này.
Trong quá trình thực hiện, nếu thấy những vấn đề gì khó khăn, vướng mắc, hay vượt quá thẩm quyền; có thể gây ảnh hưởng, ngân sách, tăng trưởng thì Chính phủ báo cáo Quốc hội để xin chủ trương.
Ủy viên Thường trực ủy ban Tài chính Ngân sách Trần Quang Chiểu: Chống “virus trì trệ”
Trước những diễn biến khó lường của dịch bệnh Covid-19, Chính phủ chỉ đạo quyết liệt và đưa ra những biện pháp rất cụ thể trong thời gian qua. Chúng ta phải ghi nhận nỗ lực, quyết tâm của Chính phủ, trong đó có việc không hạ chỉ tiêu tăng trưởng. Ngoài biện pháp chống dịch ra, Chính phủ đã có những biện pháp kinh tế rất tích cực. Ví dụ như việc miễn thuế nhập khẩu đối với những mặt hàng liên quan đến việc phòng trừ dịch Covid-19; tổ chức trung chuyển, giải phóng nông sản khu vực biên giới; chỉ đạo bà con nông dân không trồng mặt hàng thanh long mới, đồng thời điều tiết lại sản xuất các mặt hàng dưa hấu, thanh long…
Nhìn lại đại dịch SARS năm 2003, chúng ta là nước đầu tiên chống được và lần này, với sự nỗ lực, quyết tâm của cả hệ thống chính trị, với cách làm bài bản, khoa học trên cơ sở kinh nghiệm trước đây, hi vọng chúng ta cũng là nước đầu tiên khống chế được dịch Covid-19. Về kinh tế, điều quan trọng nhất lúc này là mở rộng được thị trường. Nếu chúng ta sớm kiềm chế được dịch thì thị trường trong nước sẽ phát triển.
Tôi hi vọng trong ngắn hạn, thị trường trong nước sẽ giải phóng được. Nhưng với thị trường nước ngoài thì không đơn giản khi dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp, khó lường. Tuy nhiên, đó cũng chỉ là những nhận định trước mắt. Dịch Covid-19 ở Trung Quốc cách đây ít ngày nhận định có xu thế giảm xuống, nhưng mấy hôm nay lại tăng lên. Còn WHO lại nói, chưa khẳng định được dịch bao giờ mới là đỉnh. Chính vì thế, nói chung nền kinh tế năm nay sẽ gặp nhiều khó khăn.
Nhiều người kỳ vọng vào EVFTA vừa được Nghị viện Châu Âu phê chuẩn, nhưng cần lưu ý rằng, không phải cứ ký xong là có tác dụng ngay.
Nhiều nội dung chúng ta đã ký hàng chục năm nay mà còn gặp nhiều khó khăn, điển hình như mặt hàng thủy sản đã bị EU rút “thẻ vàng” trước đây. EVFTA là một cơ hội mở rộng, nhưng chúng ta phải chuẩn bị từng bước.
Đúng như Thủ tướng Chính phủ đã nói, “ngoài chống virus corona cần phải chống cả “virus trì trệ”, không chịu làm việc, không chịu khắc phục khó khăn, viện cớ có dịch bệnh mà không hành động kịp thời, gây ảnh hưởng lớn đến hoạt động kinh tế xã hội”. “Virus trì trệ” không phải chỉ mới có ở thời corona, mà có từ lâu rồi. Đó là tình trạng sợ khuyết điểm, sợ trách nhiệm, vì không làm thì không có khuyết điểm, không có khuyết điểm thì có thành tích, có tiến bộ…(!)
Tôi nhớ tại kỳ họp Quốc hội năm ngoái, đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm đề cập đến tình trạng “cán bộ trì trệ”, không muốn làm việc, sợ trách nhiệm, làm kinh tế không phát triển. Có lẽ, “virus trì trệ” còn nguy hiểm hơn Covid- 19, cần phải được phòng ngừa, ngăn chặn.
Ủy viên ủy ban Pháp Luật Phạm Văn Hòa: Có thể huy động kinh phí dự trù
Các giải pháp hỗ trợ, thúc đẩy kinh tế trước tác động bởi dịch Covid-19, Chính phủ hoàn toàn có đủ thẩm quyền. Trong dự trù kinh phí hàng năm, Quốc hội đã giao cho Chính phủ một khoản ngân sách dự trù rất lớn, đề phòng cho thiên tai, dịch bệnh, quốc phòng an ninh… Các tỉnh, thành cũng đều có những gói dự trù kinh phí để thực hiện nhiệm vụ này.
Dịch Covid-19 rất nghiêm trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất, sức khỏe con người. Nếu thấy cần thiết, Chính phủ có thể lấy nguồn ngân sách dự phòng đó hỗ trợ cho các địa phương. Ví dụ tại tỉnh Vĩnh Phúc, vùng dịch đã được khoanh vùng để tiêu trừ, giải độc. Trên cơ sở đó, Chính phủ có thể hỗ trợ cho Vĩnh Phúc một khoản ngân sách để xử lý giải quyết chống dịch.
Về kinh tế, hầu hết các ngành nghề đều bị thiệt hại rất lớn, đặc biệt với thủy sản, hàng tiêu dùng, xuất không được, tiêu thụ trong nước gặp nhiều khó khăn. Dân không dám đi chợ, ra siêu thị, trung tâm thương mại để mua sắm. Các cơ sở sản xuất kinh doanh cũng gặp nhiều khó khăn, đình đốn, năng suất lao động sẽ ảnh hưởng.
Chính phủ cần phải sớm ban hành chính sách miễn, giảm thuế, hỗ trợ cụ thể cho các loại hình kinh tế, các DN bị thiệt hại do dịch Covid - 19. Đây là chính sách hữu hiệu, nhân văn và trách nhiệm nhằm hỗ trợ và tạo điều kiện để sau khi hết dịch hoạt động sản xuất kinh doanh trở lại bình thường.
“Tôi nhớ tại kỳ họp Quốc hội năm ngoái, đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm đã đề cập đến tình trạng “cán bộ trì trệ”, không muốn làm việc, sợ trách nhiệm, làm kinh tế không phát triển. Có lẽ, “virus trì trệ” còn nguy hiểm hơn Covid-19, cần phải được phòng ngừa, ngăn chặn”. Ông Trần Quang Chiểu - Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách
"Hàng năm, Quốc hội đã giao cho Chính phủ một khoản ngân sách dự trù rất lớn, đề phòng cho thiên tai, dịch bệnh, quốc phòng an ninh…; các tỉnh, thành cũng đều có những gói dự trù kinh phí để thực hiện những nhiệm vụ này”. Ông Phạm Văn Hòa - Ủy viên Ủy ban Pháp luật.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận