24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Trần Hùng
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Cần đẩy nhanh quá trình hình thành nhiều tập đoàn kinh tế

Theo GS.TSKH Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE), doanh nghiệp và doanh nhân là đội quân chủ lực trong quá trình chấn hưng kinh tế dân tộc. Cùng với việc khuyến khích, tạo thuận lợi để phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa thì Việt Nam cần đẩy nhanh quá trình hình thành nhiều tập đoàn kinh tế (TĐKT).

TĐKT có vai trò quan trọng

GS.TSKH Nguyễn Mại cho biết, các tập đoàn kinh tế lớn của thế giới thường là các công ty xuyên quốc gia (TNC) kinh doanh nhiều ngành nghề, có nhà máy, cửa hàng, văn phòng đại diện ở nhiều nước, tiềm lực kinh tế hùng mạnh với hình tượng “mặt trời không bao giờ lặn tại tập đoàn”.

Các TNC đóng vai trò rất quan trọng trong nền kinh tế Mỹ. Mỗi TNC có một ngân hàng lớn là “linh hồn tài chính” để chia sẻ rủi ro; nhiều ngân hàng lớn liên kết lại để bảo trợ cho cùng một doanh nghiệp.

Các TĐKT hùng hậu của Nhật Bản đã đóng góp quan trong vào việc thực hiện thành công chiến lược phát triển “bội tăng thu nhập quốc dân” do Thủ tướng Ikeda Hayato- chính trị gia kiệt xuất của Nhật Bản khởi xướng, đã biến quốc gia này thành cường quốc kinh tế thứ hai thế giới, chỉ đứng sau Mỹ.

Tại Hàn Quốc, Chaebol đóng vai trò quan trọng trong việc biến đổi nước này thành nước công nghiệp phát triển chỉ trong hai thập niên. Các chaebol được hình thành bao gồm nhiều công ty có mối quan hệ liên kết về tài chính, kinh doanh như Samsung, Daewoo, LG. Đặc trưng của các Chaebol là toàn bộ các công ty thành viên thường do một hoặc một số ít gia đình sáng lập và nắm giữ cổ phần chi phối. Chaebol là “tài phiệt”, được ghép từ hai bộ chữ có ý nghĩa là “giàu có” và “dòng họ”.

Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc có các chiến lược và quá trình phát triển khác nhau, hiện nay đã trở thành những quốc gia công nghiệp hàng đầu thế giới do có chính sách khuyến khích phát triển doanh nghiệp, trong đó có các tập đoàn kinh tế, là ba nước có nhiều tập đoàn nhất trong danh sách 500 tập đoàn lớn nhất thế giới.

Trong khi đó, tại Việt Nam, năm 2010 - tức là 10 năm sau khi Luật Doanh nghiệp ra đời vào năm 1999 - mới bắt đầu có một số TĐKT tư nhân quy mô lớn. Từ đó, do môi trường đầu tư và kinh doanh ngày càng được cải thiện, nước ta hội nhập sâu rộng với thế giới nên một số TĐKT tăng trưởng nhanh chóng. Từ chỗ kinh doanh một vài sản phẩm, chuyển hướng sang kinh doanh đa ngành. Từ chỗ chủ yếu làm giàu nhờ vào bất động sản, thương mại, chuyển sang làm giàu bằng công nghệ và dịch vụ chất lượng cao, coi trọng chất lượng, hiệu quả và thương hiệu; từ kinh doanh chủ yếu ở trong nước đã đầu tư tại một số nước trở thành công ty xuyên quốc gia.

Kinh tế tư nhân, trong đó có TĐKT đóng vai trò quan trọng trong việc gia tăng tốc độ tăng trưởng, đổi mới công nghệ, hình thành đội ngũ lao động có kỷ năng, nâng cao thu nhập của người lao động, cải thiện cuộc sống của các tầng lớp dân cư.

Ngày 5/12/2018, Vietnam Report công bố Bảng xếp hạng VNR500- Top 500 doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam năm 2018, trong đó top 10 doanh nghiệp tư nhân lớn nhất lần lượt là Vingroup, Thế giới di động, Vinamilk , DOJI, THACO, Hòa Phát, FPT, Vietjet, VP Bank, Massan.

Cần đẩy nhanh quá trình hình thành nhiều tập đoàn kinh tế

Theo GS.TSKH Nguyễn Mại, Việt Nam cần đẩy nhanh tiến trình hình thành các tập đoàn kinh tế.

Việc hình thành các TĐKT tư nhân Việt Nam khá đa dạng, một số đi lên từ bất động sản nhờ vào tích lũy vốn từ đất đai do giá đất tăng lên nhiều lần trong quá trình đô thị hóa và hình thành các khu công nghiệp; số khác khởi nghiệp bằng kinh doanh thương mại, mở các cữa hàng bán buôn, bán lẻ ở trong nước và xuất nhập khẩu; không ít doanh nghiệp nhờ vào tích lũy vốn từ kinh doanh ở nước ngoài, chuyển về nước vào thời kỳ nhà nước khuyến khích người Việt Nam định cư ở nước ngoài chuyển kiều hối, đầu tư sản xuất, kinh doanh đã tăng trưởng rất nhanh.

Nhiều doanh nghiệp tư nhân lớn của Việt Nam đã công khai hoạt động kinh doanh và niêm yết cổ phiếu trên thị trường chứng khoán; nhưng còn không ít doanh nghiệp tư nhân lớn chưa nghĩ đến việc "đại chúng hóa".

Sự phát triển kinh tế tư nhân trong những năm vừa qua cùng với thành quả to lớn trong thu hút FDI, cải cách doanh nghiệp nhà nước là nhân tố quyết định thành quả nổi bật về kinh tế - xã hội năm 2018, tạo tiền đề để phát triển nhanh hơn và hiệu quả hơn trong năm 2019 và các năm tiếp theo.

Theo ông Nguyễn Mại, đại đa số chủ tịch các TĐKT Việt Nam đều có hoài bão, niềm tin và khát vọng xây dựng những thương hiệu mạnh không chỉ trên thị trường nội địa mà cả ở thị trường quốc tế. Đơn cử như Chủ tịch HĐQT Thaco Trần Bá Dương đề ra mục tiêu “Thaco trở thành tập đoàn đa ngành, chủ yếu là ô tô của Việt Nam và mang tầm ASEAN”.

Hay Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Bkav Nguyễn Tử Quảng tin tưởng: “Các nhà sản xuất nội địa có thể chiếm thị phần của các tập đoàn toàn cầu, là bệ phóng để vươn ra thị trường toàn cầu, hoàn toàn có thể trở thành những Samsung, LG như của Hàn Quốc”.

Để Việt Nam hình thành nhiều TĐKT

Thành tựu kinh tế - xã hội và sự lớn mạnh của kinh tế tư nhân năm 2018 là tiền đề để thực hiên vượt mức mục tiêu năm 2030 có 2 triệu doanh nghiệp tư nhân, trong đó có hàng nghìn tập đoàn kinh tế. Để thực hiện thành công mục tiêu đó, GS Nguyễn Mại cho rằng cần có giải pháp về thế chế và quản trị doanh nghiệp.

Do TĐKT mới được hình thành ở nước ta nên có cấu trúc khá đa dạng tùy thuộc vào chủ doanh nghiệp, vì thế cần từ kinh nghiệm quốc tế và thực tiến để luật pháp hóa về mô hình TĐKT; quy định các điều kiện hình thành tập đoàn, cơ chế hoạt động của tập đoàn như quan hệ giữa công ty mẹ, công ty con và công ty liên kết, quyền lợi và nghĩa vụ của tập đoàn.

"Nhà nước cần có chính sách khuyến khích phát triển TĐKT trong nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, công nghiệp và dịch vụ hiện đại, nghiên cứu & phát triển, làm hạt nhân trong từng chuỗi cung ứng sản phẩm, đồng thời quy định minh bạch về quan hệ hợp đồng trong nội bộ tập đoàn để đề phòng và xử lý kịp thời tình trạng “chuyển giá”, trốn thuế, sở hữu chéo, hình thành mối “quan hệ cánh hẩu” giữa doanh nghiệp với ngân hàng, với cơ quan nhà nước", GS Nguyễn Mại nêu.

TĐKT cần được khuyến khích phát triển thành công ty đại chúng đa sở hữu nhằm giải bài toán tích luỹ vốn và tạo lập nguồn lực để phát triển nhanh và hiệu quả cao, có chiến lược kinh doanh dài hạn, tầm nhìn toàn cầu, quản trị hiện đại và minh bạch, nhanh chóng mở rộng quy mô, nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường.

Nhà nước cần có chính sách hổ trợ TĐKT xây dựng và phát triển thương hiệu, nhất là tạo chỗ đứng trên thị trường thế giới để không chi gia tăng nhanh chóng quan hệ thương mại và đầu tư, mà còn có thể tham gia đầu thầu quốc tế những dự án quy mô lớn mà hiện nay nhiều TĐKT nước ta đủ sức thực hiện.

Nhà nước cần khuyến khích doanh nghiệp đổi mới công nghệ và R&D bằng chính sách ưu đãi như “khấu hao nhanh”, áp dụng cơ chế thuận lợi và thủ tục đơn giản để doanh nghiệp tiếp cận được các quỹ của ngành và của địa phương.

Cũng theo ông Nguyễn Mại, do số lượng doanh nghiệp đầu tư ra nước ngoài ngày càng nhiều, quy mô ngày càng lớn nên cần có Luật Đầu tư ra nước ngoài (thay cho một chương trong Luật Đầu tư 2014 đang được sửa đổi) để điều chỉnh theo hướng tạo thuận lợi và mở rộng hợp tác giữa các doanh nghiệp ở từng nước, đồng thời giám sát, kiểm tra có kết quả việc chuyển vốn bằng ngoại tệ ra nước ngoài và chuyển lợi nhuận, vốn khấu hao về nước, bảo đảm an ninh của thị trường ngoại hối.

Cạnh tranh và hợp tác là hai mặt của kinh tế thị trường, khuyến khích cạnh tranh lành mạnh, đồng thới mở rộng quan hệ hợp tác bằng nhiều phương thức đa dạng là đòi hỏi đồng thời của việc xây dựng nhiều TĐKT lớn trong giai đoạn mới.

"Nghị quyết của Hội nghị BCHTƯ Đảng lần thứ V (Khóa XII) về kinh tế tư nhân tạo ra cơ hội mới đối với phát triển kinh tế tư nhân, khuyến khích phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp khởi nghiệp, đồng thời khuyến khích việc hình thành và phát triển các tập đoàn kinh tế lớn, trong đó có những tập đoàn xuyên quốc gia để làm chủ thị trường trong nước và từng bước tăng cường vị thế của doanh nghiệp Việt Nam trên thị trường khu vực và thế giới", Chủ tịch VAFIE nhấn mạnh.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả