'Cần công khai quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất'
PGS Phạm Hữu Tiến đề nghị bổ sung vào dự thảo Luật Đất đai sửa đổi thiết chế công khai quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất để tránh tiêu cực.
Chiều 6/3, Hội đồng tư vấn Khoa học, Giáo dục và Môi trường (Mặt trận Tổ quốc Việt Nam) tổ chức hội nghị góp ý sửa đổi Luật Đất đai. PGS Phạm Hữu Tiến (nguyên Viện trưởng Viện Thông tin khoa học, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh) cho rằng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất là nội dung người dân quan tâm nhất, mong muốn được biết vì liên quan đến cuộc sống của họ.
Dù vậy, ông nói thực tế cho thấy việc khoanh vùng để làm đất quy hoạch, xây dựng kế hoạch sử dụng đất "hầu như không ai biết", cũng "không thể hiện được tính khách quan, phù hợp với thực tiễn phát triển kinh tế xã hội".
"Việc quy hoạch sử dụng đất ở nhiều địa phương đang rất chủ quan, chưa thực sự công tâm, chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển của địa phương. Một số dự án bị chi phối không minh bạch, nhất là trong dự án thu hồi đất, tái định cư", PGS Tiến đánh giá.
Ông đề nghị ban soạn thảo làm rõ hiệu quả của quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất từ trước đến nay, đồng thời giải thích nguyên nhân nhiều dự án sau quy hoạch hàng chục năm vẫn chưa đưa đất vào sử dụng. Dự thảo "cần bổ sung thiết chế công khai quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; có biện pháp giảm thiểu tác động bởi nguyện vọng, động cơ, lợi ích không chính đáng; đảm bảo quy hoạch đúng mục đích an ninh quốc phòng và kinh tế xã hội".
Theo PGS Tiến, dự luật cần bổ sung quy định xử lý đối với cơ quan quản lý Nhà nước cố tình không thực hiện nghĩa vụ công khai quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất hoặc để tình trạng tiêu cực xảy ra.
GS Trần Đình Long, Phó Chủ tịch Hội Điện lực Việt Nam, nói quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất hiện phân thành 3 cấp là quốc gia, tỉnh và huyện. Quy hoạch cấp xã rất quan trọng song chưa được xem xét. "Dự thảo cần bổ sung quy định đảm bảo tính thống nhất giữa quy hoạch tỉnh, huyện, xã và phải phù hợp với quy hoạch quốc gia", ông nói.
GS Long cho rằng việc lấy ý kiến người dân đối với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được quy định trong dự thảo, nhưng để người dân biết được ô đất này quy hoạch cho việc gì thì rất khó, chỉ đến khi chuẩn bị thực hiện, vẽ bản đồ người dân mới biết. Vì vậy, ông đề xuất quy định cụ thể tỷ lệ người dân đồng thuận quy hoạch, coi đây là nội dung bắt buộc chứ không chỉ đơn thuần lấy ý kiến sau đó có thể không tiếp thu.
PGS Phạm Hoàng Lương, Giám đốc Viện Khoa học Công nghệ quốc tế Việt Nam - Nhật Bản (Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội), không đồng tình với nguyên tắc nêu trong dự thảo là quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất "phải phù hợp với quy hoạch sử dụng đất quốc gia".
Nguyên nhân là khi thông qua dự thảo, rất nhiều quy hoạch sẽ phải điều chỉnh, trong đó có nội dung cần thẩm quyền, ý kiến của Thủ tướng. Việc phải thống nhất nhiều loại quy hoạch cũng dễ dẫn đến chậm trễ trong triển khai kế hoạch phát triển kinh tế xã hội. Vì vậy, ông Lương đề nghị không quy định cứng nội dung này trong luật.
PGS Lương đánh giá, Điều 60 dự thảo nêu quy hoạch, kế hoạch phải đảm bảo "sử dụng đất tiết kiệm và có hiệu quả; khai thác hợp lý tài nguyên thiên nhiên và bảo vệ môi trường" là câu khẩu hiệu vì đây là các phạm trù rộng, không thể định lượng nên không có giá trị pháp lý. Ông đề nghị ban soạn thảo xem xét, quy định chi tiết.
Ngày 15/3, dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) sẽ hết hạn lấy ý kiến rộng rãi người dân. Dự luật sẽ được Chính phủ trình xin ý kiến Quốc hội lần 2 tại kỳ họp thứ 5 (khai mạc tháng 5) và xem xét thông qua tại kỳ họp cuối năm nay.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận